Lo lắng chất lượng "cô giáo" đạt 9 điểm/3 môn vẫn đỗ đại học sư phạm

Thứ Hai, 14/08/2017, 14:33 [GMT+7]

GS Vũ Tuấn, Nguyên hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội đã có những góc nhìn khác xung quanh hàng loạt vấn đề xảy ra với ngành giáo dục trong thời gian qua.
 
Trước tình hình những thay đổi gần đây của phương thức thi cử tuyển sinh vào đại học, đã có rất nhiều những ý kiến ủng hộ những thay đổi làm giảm sự vất vả cho thí sinh và phụ huynh các tỉnh khi thi đại học, đơn giản hóa kỳ thi. Tuy nhiên nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục lại có những cái nhìn rất khác.
 

1
GS Vũ Tuấn – Nguyên hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội.


Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quá quan tâm đến những mục tiêu như giảm tải, giảm áp lực, giảm nhẹ… mà dường như lại đang quên mất những mục tiêu chính của thi cử là công bằng, nghiêm minh.

Mục tiêu chính của tuyển sinh đại học là để tìm được những người có khả năng và đam mê thật sự được làm và cống hiến cho công việc phù hợp nhất với họ.

Sở dĩ tôi nói như vậy bởi vì với thói quen “phép vua thua lệ làng” của người Việt Nam thì việc tổ chức thi đại học tại địa phương rất khó đảm bảo công bằng và khách quan.

Điều này trong thâm tâm đa số người dân đều hiểu rất rõ và với kết quả một con số 4.200 điểm 10 trong một kỳ thi đại học đã cho tất cả mọi người thấy được điều phi lý.

Riêng về phương thức tuyển sinh, do không tin tưởng nhiều vào kết quả thi của kỳ thi THPT quốc gia, một số trường đại học có tiếng phải đưa ra các tiêu chí phụ để tuyển sinh.

Với phương thức tuyển sinh này, học sinh đủ điểm sàn tại trường nào thì nộp hồ sơ vào trường đó nhưng chưa dám chắc mình đã đỗ chưa và có được vào ngành học mình yêu thích hay không, nếu mà không may không đủ điểm vào ngành mình yêu thích hoặc không đạt tiêu chí phụ thì hồ sơ của em đó sẽ…. tự động bị chuyển sang nguyện vọng 2 hoặc nguyện vọng 3.

Lúc đó nếu muốn chuyển sang một trường khác để theo học ngành mình yêu thích nhất thì không còn cơ hội.

Hình thức tuyển sinh như vậy rất có lợi cho các trường nhưng lại đẩy thí sinh vào thế vô cùng bị động, rất dễ rơi vào tình thế phải học ngành đại học mà mình không mấy yêu thích.

Những năm gần đây, rất nhiều phụ huynh và học sinh phải than lên rằng, đi nộp hồ sơ vào đại học mà như chơi chứng khoán, không tỉnh táo là có thể trượt như chơi dù điểm tương đối tốt.

Trong khi các nền giáo dục khác tìm mọi cách để khích lệ thanh niên theo đuổi đam mê và sở trường của mình thì dường như nền giáo dục của chúng ta lại đang làm khó cho những đam mê quý giá của thanh niên, khiến họ lạc lối trên con đường sự nghiệp của mình.

Để xảy ra tình trạng trên có lẽ là do thiếu sự điều tiết có định hướng của bộ giáo dục và đào tạo trong việc thi cử và tuyển sinh năm nay.

Việc điểm chuẩn vào cao đẳng sư phạm chỉ còn 9 điểm và điểm vào đại học sư phạm có khoa chỉ còn 12 điểm đã gây ra một cú sốc cho toàn thể xã hội.

Thử hình dung việc một giáo viên khi thi THPT quốc gia chỉ đạt điểm 3 hay 4 mỗi môn thì sau này giáo viên đó sẽ dạy con em chúng ta như thế nào?

Có lẽ đối với một số ngành học quan trọng như ngành y tế, giáo dục thì bộ giáo dục cần đưa ra điểm sàn tối thiểu chứ không nên để điểm chuẩn trôi nổi chạy hoàn toàn theo cơ chế thị trường như hiện nay./.

 

Theo VOV

.