Thí sinh cần lưu ý trước khi nộp hồ sơ xét tuyển đại học đợt I
Khi nộp hồ sơ xét tuyển đại học năm 2017, thí sinh cần xem xét điểm trúng tuyển vào các trường, ngành của năm trước.
Sau khi Bộ GD-ĐT công bố ngưỡng đảm bảo đầu vào bậc đại học là 15,5 điểm cho tất cả các tổ hợp, hàng loạt trường đại học tại TP HCM cùng lấy mức điểm này làm điểm “sàn” xét tuyển.
Tuy nhiên, đại diện nhiều trường đại học cho rằng, đây chỉ là mức tối thiểu để các trường chấp nhận hồ sơ xét tuyển chứ không phải là điểm trúng tuyển. Do vậy, thí sinh phải lưu ý để có sự chọn lựa phù hợp với điểm thi và sở thích của mình.
Thí sinh đừng nhầm lẫn điểm xét tuyển với điểm trúng tuyển đại học
Đến thời điểm hiện tại, nhiều trường đại học trên địa bàn TP HCM đã công bố mức điểm xét tuyển năm 2017. Trường Đại học Kinh tế Tài chính TP HCM quy định mức điểm sàn xét tuyển cho tổng số 1.560 chỉ tiêu tuyển sinh của 16 ngành là 15,5 điểm.
Thí sinh cần tìm hiểu kỹ thông tin, tham khảo nhiều kênh tư vấn trước khi điều chỉnh nguyện vọng |
Tương tự, Hội đồng Tuyển sinh các trường như: Đại học Công nghệ Thành phố, Đại học Văn Hiến cũng công bố mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển đại học là 15,5 điểm cho tất cả các tổ hợp. Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố có 2 mức điểm xét tuyển là: 17 điểm cho 5 ngành đào tạo theo chương trình tăng cường tiếng Anh và 15,5 điểm cho 17 ngành còn lại.
Ngoại trừ ngành Bác sỹ dự phòng, 27 ngành đào tạo còn lại của trường Đại học Nguyễn Tất Thành cũng có mức điểm xét tuyển bằng “điểm sàn” của Bộ Giáo dục – Đào tạo.
Có 4 mức điểm xét tuyển lần lượt là 18, 17, 16 và 15,5 điểm, năm nay, trường Đại học Mở TP HCM tuyển 3.350 chỉ tiêu cho tổng số 26 ngành đào tạo. Đặt ra mức điểm nhận hồ sơ khá nhẹ nhưng Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Hà, Trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường Đại học Mở TP HCM lưu ý, đây chỉ là mức điểm để thí sinh đủ điều kiện nộp hồ sơ vào trường.
“Hiện nay thực ra các trường công bố điểm xét tuyển là điểm để các em đủ điều kiện nộp hồ sơ vào những ngành đó. Đây không phải là điểm trúng tuyển. Điểm trúng tuyển có thể cao hơn hoặc bằng mức điểm mà trường công bố ban đầu. Đây là mức khởi điểm để thí sinh đủ điều kiện đăng ký vào các ngành học của các trường mà thôi. Ngày 1/8 tới các trường sẽ công bố danh sách trúng tuyển. Lúc đó, các trường sẽ chốt được điểm trúng tuyển là bao nhiêu”- Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Hà nói.
Các em cần xem xét điểm trúng tuyển của năm trước
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc Đại học quốc gia TP HCM, việc tự đặt thêm mức điểm ngưỡng xét tuyển riêng cho từng ngành đối với một trường đại học là không hề đơn giản. Bên cạnh đó, bản thân các trường cũng không lường trước được những vấn đề đột biến có thể xảy ra khi số lượng thí sinh đăng ký thấp đi.
Do vậy, nhiều trường đại học đã chọn phương án an toàn bằng cách đặt ra mức điểm xét tuyển không chênh lệch nhiều so với ngưỡng đảm bảo đầu vào do Bộ GD-ĐT quy định. Vấn đề còn lại là thí sinh phải thật tỉnh táo và tìm hiểu kỹ thông tin trước khi đưa ra quyết định cuối cùng, đừng nhầm lẫn giữa điểm xét tuyển với điểm trúng tuyển.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa khuyến cáo thí sinh: “Một số trường đại học có thể đặt ra mức điểm xét tuyển của từng trường ở các bước khác nhau. Thí sinh cần quan tâm đến điều này để biết mình ở mức điểm nào thì có thể nộp hồ sơ vào đâu. Đối với các trường thuộc tốp hấp dẫn thì thí sinh phải tham khảo mức điểm chuẩn trúng tuyển vào các ngành của trường đó ở những năm trước để quyết định có nên nộp hồ sơ vào hay không”.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM cho rằng, việc điều chỉnh nguyện vọng và chọn trường, chọn ngành phải căn cứ vào điểm thi THPT Quốc gia của thí sinh. Dựa vào kết quả đạt được, sau khi so sánh, đối chiếu điểm trúng tuyển các năm trước, thí sinh sẽ đưa ra được những điều chỉnh nguyện vọng thích hợp cho riêng mình.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng nói: “Khi xét tuyển, các trường sẽ không chú ý đến nguyện vọng mà chỉ chú ý đến điểm số của thí sinh. Do đó, có thể thí sinh này đăng ký vào trường nào đó ở nguyện vọng thứ 2, thứ 3 nhưng nếu điểm cao các em sẽ có thể lọt vào danh sách trúng tuyển của nhà trường”.
Tìm hiểu kỹ thông tin, so sánh điểm trúng tuyển các năm trước, xác định rõ thế mạnh và điều kiện của bản thân trước khi điều chỉnh nguyện vọng là lời khuyên mà nhiều chuyên gia giáo dục dành cho thí sinh. Chỉ khi biết tự lượng sức mình, việc sắp xếp thứ tự các nguyện vọng của thí sinh mới sát với thực tế, gia tăng cơ hội trúng tuyển vào đại học./.
Theo VOV