Góp tiền để giải cứu giáo viên: Ai cần giải cứu nhất?
Trong lúc ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp thì việc “giải cứu” chỉ nên tập trung ở những đối tượng khó khăn, công tác ở vùng sâu, vùng xa.
Mới đây, TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch HĐQT Đại học FPT - đã hiến kế: Mỗi học sinh (phụ huynh) tiểu học hàng tháng góp 100.00 đồng để lập quỹ khuyến dạy, quỹ giải cứu giáo viên. Lý do ông Tùng đưa ra ý kiến này là vì trong khi Nhà nước không đủ sức giải quyết, để giáo viên tiếp tục tự bươn chải thì cả xã hội phải chung tay, phải đóng góp, để các thầy cô yên tâm làm nghề.
Giáo viên vùng cao là những người đang phải chịu thiệt thòi nhất. |
Những câu chuyện xoay quanh trường học, học sinh, giáo viên, chuyện đóng góp đầu năm học, chất lượng dạy và học… chưa bao giờ hết nóng trong thời gian qua. Đặc biệt vấn đề tiền lương cho giáo viên luôn là chủ đề được quan tâm nhất trong ngành giáo dục. Bởi tiền lương là yếu tố quan trọng quyết định đến chất lượng giảng dạy của giáo viên. Thế nhưng, suốt một thời gian dài, là một ngành đào tạo nhân lực cho toàn xã hội nhưng ai cũng phải thừa nhận là lương của giáo viên còn quá thấp, không đủ trang trải cuộc sống. Điều này dẫn đến tình trạng, giáo viên không thể chuyên tâm với nghề, vừa dạy vừa lo “bữa nay, bữa mai”. Cũng chính từ đồng lương ít ỏi đã khiến nhiều giáo viên dạy học theo kiểu nửa vời, “dạy không hết chữ” cho trò để tìm cách dạy thêm tăng thu nhập.
Cũng do đồng lương ít ỏi, nhiều trường đã nghĩ ra các khoản thu “ngoài luồng” khác núp dưới hình thức “tự nguyện” của phụ huynh học sinh. Những khoản thu ấy gây biết bao bức xúc cho các bậc cha mẹ trong những ngày đầu vào năm học mới nhưng bao nhiêu năm qua ngành giáo dục không thể dẹp nổi.
Bất cập tiền lương giáo viên hiện nay một phần nằm ở chính sách lương nhưng phần nhiều nằm ở cơ chế tuyển dụng, chỉ tiêu biên chế. Nhiều nơi ký hợp đồng với mức thù lao thấp để trả cho giáo viên. Nhiều giáo viên, cố bám lấy những hợp đồng “bèo bọt” này để mong chờ có đợt thi tuyển được dự tuyển. Thế nhưng người trông đợi thì nhiều trong khi cơ hội lại vô cùng ít nên nảy sinh không ít tiêu cực trong tuyển dụng nhân lực giáo dục…
Tiền lương của giáo viên, đặc biệt là giáo viên tiểu học, muốn cải thiện cần phải có giải pháp căn cơ. Giải cứu thì chỉ mang tính chất tạm thời, thời điểm nào đó chứ không ai trong xã hội sẵn lòng năm nào, tháng nào được hô hào là xông vào giải cứu thầy cô.
Thế nhưng, cũng xin nói rõ, chuyện “giải cứu” có lẽ chỉ dành cho một số đối tượng giáo viên ở vùng sâu, vùng xa. Còn ở các thành phố lớn, đa phần thầy cô không phải quá lo lắng về thu nhập. Bởi thu nhập của họ có khi còn là mơ ước của nhiều ngành khác.
Chuyện “giải cứu” ở đây có thể chỉ tập trung ở những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Bởi ở đó, giáo viên phải chịu rất nhiều thiếu thốn, thiệt thòi. Nhiều khi, họ còn phải dành cả lương của mình để chia sẻ với học trò những bữa cơm đạm bạc. Trong khi đó, chính sách đãi ngộ với họ chưa hề tương xứng nên ít người muốn đến những nơi này công tác.
Đóng thêm 100.000 đồng để giải cứu giáo viên câu chuyện đang gây nhiều tranh cãi. Đã có ý kiến nói rằng, giáo viên tiểu học đâu phải là nông sản mà cần giải cứu? Các thầy cô khó khăn 1 thì các phụ huynh lo cho con ăn học còn khó khăn 10. Vậy ai giải cứu phụ huynh?
Trong khi ngân sách Nhà nước còn khó khăn và có hạn, chính sách chăm lo tăng thu nhập cho đội ngũ nhà giáo nên có những ưu tiên nhất định, dành cho những người ở vùng khó khăn, những người giỏi, những người có đóng góp xuất sắc cho ngành./.
Theo VOV