Bỏ biên chế giáo viên: Nên áp dụng từ Bộ trưởng đến cán bộ quản lý
TS Giáp Văn Dương cho rằng bỏ biên chế là “luật chơi” mới của ngành giáo dục, cần áp dụng với mọi viên chức, kể cả từ Bộ trưởng trở xuống.
Vấn đề bỏ công chức, viên chức giáo viên đang nhận được sự chú ý của dư luận. TS Giáp Văn Dương, người sáng lập trường học Giapschool, chuyên gia về giáo dục; người từng có nhiều năm nghiên cứu, giảng dạy tại Áo, Vương quốc Anh, Singapore đã đưa ra những quan điểm riêng về vấn đề này.
TS Giáp Văn Dương cho rằng nếu bỏ công chức, viên chức, nên thực hiện từ chính Bộ trưởng trở xuống. |
PV: Mới đây Bộ GD-ĐT đã thông tin về việc sẽ thí điểm bỏ viên chức, công chức giáo viên, ông có chia sẻ gì về vấn đề này?
TS Giáp Văn Dương: Tôi cho rằng đây là một luật chơi mới của ngành giáo dục. Để công bằng, thì luật chơi này cần được áp dụng cho mọi viên chức trong ngành, từ Bộ trưởng đến các cán bộ quản lý, chứ không phải chỉ áp dụng cho giáo viên. Cụ thể, các viên chức của ngành cũng ký hợp đồng làm việc với cơ quan chủ quản và nếu 2 năm không hoàn thành nhiệm vụ thì phải chuyển việc. Người đại diện của cơ quan chủ quản cũng phải có cơ chế quản lý như vậy để đảm bảo công bằng.
Từ góc nhìn dài hạn, tôi ủng hộ việc bỏ biên chế, nhưng cách thức thực hiện cụ thể thì phải cân nhắc và làm thật chi tiết, minh bạch, rõ ràng mới có thể mang lại kết quả tốt.
Vậy vì sao tôi lại ủng hộ bỏ biên chế suốt đời, không chỉ trong ngành giáo dục mà còn mọi ngành nghề khác? Vì đó đang là một xu hướng trên thế giới. Đã là xu hướng thì không có cách nào chống được. Thống kê cho thấy, một người Mỹ trung bình đổi việc 15 lần trong cuộc đời họ. Ở Việt Nam, giới trẻ, đặc biệt là những người làm ngoài ngành giáo dục cũng thay đổi công việc thường xuyên. Chính sự thay đổi này làm cho họ trở nên năng động và phát triển năng lực cá nhân. Vì thế, không có lý do gì để một người cả đời chỉ làm một việc, chỉ vì người đó làm trong ngành giáo dục.
Chưa kể, Việt Nam hiện có 11 triệu người ăn lương ngân sách. Đây là con số quá lớn, không ngân sách nào gánh được. Do đó, về lâu dài cần giảm và tiến tới loại bỏ chế độ công chức suốt đời của tất cả các ngành, tất cả các cấp bậc, chứ không chỉ với giáo viên và với giáo dục.
Với một nước, tôi cho rằng chỉ cần khoảng mươi người có biên chế suốt đời là đủ. Đó là ai? Theo thông lệ của thế giới thì đó là những thẩm phán của Tòa án Tối cao, những người được lựa chọn kỹ càng, có biên chế suốt đời để không tránh bị tác động của bên ngoài, để luôn cất lên tiếng nói độc lập trong việc bảo vệ công lý và diễn giải hiến pháp. Còn lại, tất các các công chức nhà nước, trên nguyên tắc đều có thể chuyển qua hợp đồng làm việc hết.
PV: Hiện nay giáo viên không được dạy thêm, nếu bỏ công chức, viên chức, đời sống của người giáo viên sẽ bấp bênh, khó khăn hơn rất nhiều. Vậy điều đó liệu sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy?
TS Giáp Văn Dương: Bỏ chế độ biên chế sẽ tạo điều kiện để giáo viên giỏi có được chỗ làm tốt tương xứng, nhờ đó mà tăng thu nhập.
Nhìn vào thang bậc lương tôi thấy, mức lương công chức hiện rất thấp. Nhưng muốn có thu nhập cao hơn thì không thể bám chặt vào biên chế. Ngân sách có hạn, lương quy định theo bậc chỉ có vậy. Muốn lương cao, phải nâng cao năng lực, chấp nhận cạnh tranh, phải sang khu vực tư nhân, khu vực quốc tế.
Như vậy phải thoát khỏi ràng buộc về biên chế. Do đó, bỏ biên chế chính là tạo điều kiện cho các nhà giáo giỏi có mức thu nhập cao hơn.
Bỏ biên chế cũng là cách làm cho các giáo viên trẻ có thêm cơ hội làm việc trong hệ thống giáo dục thay vì mòn mỏi chờ đợi. Họ sẽ thay thế những người ngoài một suất biên chế thì chẳng còn gì khác. Kiến thức, phương pháp giảng dạy đã lạc hậu; tính cách, đạo đức, lối sống cũng có thể không còn phù hợp. Những người như thế, nếu chỉ nhờ nắm chặt một suất biên chế mà ở đó mấy chục năm, thì vừa gây hại cho giáo dục, vừa tước mất cơ hội làm việc của giáo viên trẻ.
Các trường tư thục và quốc tế, không có chế độ công chức trọn đời. Tất cả đều là hợp đồng làm việc hết. Nhưng chất lượng giáo dục tốt hơn hẳn. Thu nhập của giáo viên cũng cao hơn. Không có ai băn khoăn chuyện có biên chế hay không có biên chế.
Quan sát các ngành nghề khác nhau tôi thấy, khi được tự chủ, cạnh tranh, dứt bỏ thói quen bám chặt vào biên chế nhà nước, thì thu nhập của người lao động cao hơn hẳn. Vì thế, tôi cho rằng bãi bỏ biên chế trọn đời sẽ tạo điều kiện nâng cao năng lực, thúc đẩy cạnh tranh và do đó nâng cao thu nhập cho nhà giáo.
Riêng với các giáo viên ở vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn, sẽ có người lập luận: Đã ở vùng khó khăn, chả được gì, đến cái biên chế cũng không được thì có phải là bất công không. Tôi cho như thế là không nhìn thẳng vào bản chất vấn đề. Nếu biết người ta ở vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo, những nơi khó khăn không ai muốn đến, thì làm việc phải có thời hạn, ba năm thôi chẳng hạn, để họ về, họ tìm chỗ khác tốt hơn. Chứ dùng biên chế để bắt họ làm việc ở đó cả đời thì không phải là giúp họ, mà thực sự là đang lợi dụng họ.
Còn chuyện lương hưu thì tôi cho rằng đó là câu chuyện của bảo hiểm xã hội. Bao nhiêu người ở khu vực tư nhân, bao nhiêu giáo viên tư thục và quốc tế, họ không có biên chế, nhưng họ đóng bảo hiểm xã hội, nên vẫn sẽ có lương hưu.
Rào cản của việc bỏ chế độ biên chế suốt đời với giáo viên chủ yếu là rào cản tâm lý, và lo ngại rằng sẽ xảy ra chuyện không công bằng, sẽ không minh bạch khi thực hiện, chứ không phải là bản thân việc bỏ biên chế hay không. Đó chỉ là những vấn đề kỹ thuật, có thể giải quyết được.
Và nếu như vậy tại sao không thành lập hội đồng trường để hoạt động như hội đồng quản trị ở các trường tư. Hiệu trưởng sẽ do hội đồng trường bổ nhiệm và giám sát. Nếu hiệu trưởng làm việc không hiệu quả thì cũng sẽ bị bãi nhiệm.
Như thế, lo ngại hiệu trưởng quyền lực quá lớn sẽ không còn. Hiệu trưởng cũng sẽ phải phấn đấu, cạnh tranh; chất lượng nhân sự ngành giáo dục vì thế cũng sẽ tăng lên. Còn nhiều cái hay nữa. Vấn đề là Bộ giáo dục có dám làm đến nơi đến chốn, công bằng minh bạch hay không thôi./.
PV: Xin cảm ơn ông!
Theo VOV