Học sinh bám sát đề tham khảo THPT Quốc gia để chạy đua "nước rút"
Khi có đề thi tham khảo THPT Quốc gia 2017, căn cứ vào tình hình thực tế, các trường có thể chủ động điều chỉnh kế hoạch ôn tập cho học sinh.
Sau khi Bộ Giáo dục-Đào tạo công bố đề thi minh họa kỳ thi THPT Quốc gia 2017, nhiều trường THPT trên cả nước đã bắt đầu ôn tập các dạng bài thi trong đề tham khảo. Làm thế nào để giúp các em ôn tập được hiệu quả nhất khi chỉ còn khoảng 30 ngày nữa là bước vào kỳ thi?!
Đề thi sẽ tránh những vấn đề còn tranh cãi
Theo đánh giá, từ đề tham khảo lần này, cấu trúc, ma trận, câu hỏi không quá khó, không đánh đố, là những kiến thức cơ bản mà học sinh đã được học. Tuy nhiên, điều khiến nhiều thầy trò đang băn khoăn, lúng túng đó là đề tham khảo môn Hóa học, Địa lý. Cụ thể, môn Địa lý có nhiều thông tin lạc hậu chưa được cập nhật, thiếu chính xác dễ gây hiểu lầm.
Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho rằng, môn Địa lý nên cập nhật số liệu mới đã được công bố, nhất là với các môn khoa học xã hội không thể sử dụng số liệu cũ mãi được. Đề thi cần phải làm chuẩn xác để tránh gây tranh cãi, ảnh hưởng đến tâm lý cũng như việc ôn tập của học sinh.
Thay mặt tổ ra đề tham khảo môn Địa lý, PGS.TS Nguyễn Đức Vũ thừa nhận: Một số nội dung trong sách giáo khoa có thể đã lạc hậu, do tình hình kinh tế-xã hội thay đổi liên tục trong khi sách giáo khoa chưa thể cập nhật thường xuyên. Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm khi làm đề thi chính thức, không đưa các thông tin chưa được cập nhật trong sách giáo khoa vào đề thi để tránh gây ra những tranh luận không đáng có.
Về vấn đề này, TS. Toán học Lê Thống Nhất, Tổng giám đốc Công ty CP Trường học lớn Việt Nam (Hà Nội) cho rằng, xây dựng đề thi trắc nghiệm là một việc đòi hỏi quy trình chặt chẽ, bỏ qua bất cứ công đoạn nào đều dễ dẫn đến sai sót hoặc không phù hợp. Đặc biệt, nên tránh những vấn đề còn tranh cãi hoặc các nguồn tư liệu không thống nhất.
Ông Nguyễn Văn Túc, Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Chính (Thanh Xuân, Hà Nội) nhận xét: Ưu điểm của đề lần này là cấu trúc đề có các câu được sắp xếp từ dễ đến khó, điều này giúp học sinh không phải mất thời gian đọc toàn bộ đề, mà cứ tuần tự làm từ trên xuống dưới.
Qua bài kiểm tra môn Toán đề tham khảo, với những em khối A đạt phổ điểm tương đối, đặc biệt là không có nhiều học sinh điểm thấp. Còn ông Nguyễn Quốc Bình cũng cho rằng, đối với đề tham khảo môn Toán vừa rồi câu hỏi giải bằng máy tính giảm xuống còn 10% thay vì 30% như trước, như vậy, tránh việc phụ thuộc vào máy tính và tận dụng tốt hơn năng lực của học sinh.
Trong giai đoạn nước rút, học sinh nên tập trung ôn những kiến thức cơ bản, không nên ôn luyện thi thử khắp nơi (ảnh: K.T) |
Thời gian nước rút bám sát kiến thức cơ bản
Ngay sau khi có đề tham khảo hầu hết các trường THPT ở Hà Nội đều họp giáo viên phụ trách bộ môn lớp 12 để nghiên cứu. Theo đánh giá của một số giáo viên, học sinh, đề thi tham khảo mà Bộ GD-ĐT vừa công bố có nội dung kiến thức trải rộng do đặc thù của hình thức thi trắc nghiệm. Chính vì thế, nếu ôn theo kiểu “học tủ, học lệch”, học sinh sẽ khó hoàn thành được bài thi.
Ông Nguyễn Quốc Bình cho biết, với kiểu đề thi này thì không có chuyện “học vẹt” mà phải hiểu, cũng không được “học tủ, học lệch” mà phải nắm được những kiến thức trọng tâm của toàn bộ chương trình. Do thời gian eo hẹp nên sắp tới trường sẽ chỉ tổ chức kiểm tra các môn: Văn, Toán, Ngoại ngữ để đánh giá hiệu quả ôn tập của các em đến đâu để còn kịp thời điều chỉnh.
Ông Nguyễn Văn Túc cho biết, ngay từ đầu năm học, Ban giám hiệu nhà trường và các giáo viên bộ môn đã vào cuộc để đổi mới từ phương pháp dạy và học đến cách kiểm tra đánh giá. Sau khi Bộ công bố đề thi thử nghiệm cuối cùng, nhà trường đã nghiên cứu và điều chỉnh ôn tập cho học sinh.
“Thời gian này, các em nên tập trung ôn những kiến thức cơ bản, không nên mở rộng nhiều kiến thức mới bởi vì đề thi sẽ không quá sâu xa, phức tạp. Chủ yếu tự học, biết phân bổ thời học tập, nghỉ ngơi chứ không nên cắm đầu vào ôn luyện, thi thử khắp nơi, không có đủ thời gian để củng cố lại kiến thức sẽ rất nguy hiểm” - ông Túc đưa ra lời khuyên.
Còn theo bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng trường THPT Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội), sau khi học sinh tiếp cận với đề thi tham khảo, tự đánh giá năng lực của mình, các giáo viên sẽ chữa từng câu hỏi cụ thể trong đề thi tham khảo cho học sinh lớp mình phụ trách, đưa ra các phương án làm bài, kỹ năng làm bài thi, chỉ rõ sai lầm học sinh thường mắc phải, định hướng việc học ôn thi.
Bắt đầu từ ngày 16 - 18/5, học sinh lớp 12 trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh bước vào đợt tập dượt mô phỏng kỳ thi THPT Quốc gia thật theo các cụm trường THPT và Trung tâm Giáo dục thường xuyên. Đề kiểm tra các môn do Ban ra đề trong từng cụm soạn thảo trên cơ sở tham khảo kho đề chung của Sở GD-ĐT thành phố. Đề này được sử dụng chung cho các trường trong cùng một cụm.
Có kế hoạch kèm học sinh yếu
Theo ông Nguyễn Văn Túc, Ban giám hiệu và giáo viên bộ môn nhà trường đã nắm rõ danh sách em nào yếu môn gì để lên kế hoạch bồi dưỡng để các em có thể đạt được kết quả tốt nhất trong kỳ thi. Còn ông Nguyễn Quốc Bình cho rằng, giai đoạn nước rút này các em phải tập trung bổ sung kiến thức, đặc biệt khả năng tự học, tự nghiên cứu. Tập trung làm những đề có cấu trúc tương tự để kiểm tra kiến thức của mình và kỹ năng có đáp ứng được yêu cầu của đề thi không, có thiếu sót gì cần bổ sung kịp thời.
Ông Chử Xuân Dũng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội mới đây đã yêu cầu Hiệu trưởng các trường chỉ đạo tổ/nhóm chuyên môn, giáo viên bộ môn hướng dẫn học sinh tự làm đề thi tham khảo với thời gian làm bài theo quy định. Căn cứ đáp án đề thi tham khảo, học sinh tự chấm điểm bài thi của mình, tự đánh giá, rút kinh nghiệm, điều chỉnh kế hoạch ôn tập để đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi sắp tới.
Căn cứ vào tình hình thực tế, các trường có thể chủ động điều chỉnh kế hoạch ôn tập cho học sinh, đặc biệt kế hoạch ôn tập cho những học sinh có học lực yếu đạt kết quả cao nhất./.
Theo VOV