"Đổi mới thi cử hiện nay vẫn theo kiểu đối phó"

Thứ Hai, 02/01/2017, 11:38 [GMT+7]

GS.VS Đào Trọng Thi: "Tôi cho rằng, đổi mới thi cử hiện nay vẫn theo kiểu đối phó, cứ xã hội phản đối là nay bít chỗ này, mai bít chỗ kia".
 
Nhân dịp đầu năm mới 2017, GS.VS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm UBVHGDTTN& NĐ của Quốc hội đã trao đổi với phóng viên Báo Tiếng nói Việt Nam về việc đào tạo nguồn  nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

PV: Hiện có gần 200.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp, gây lãng phí cho cả xã hội. Vấn đề nhức nhối này lại một lần nữa đặt ra đối với tư lệnh ngành giáo dục tại phiên chất vấn Quốc hội vừa qua. Theo GS, nguyên nhân từ đâu?

GS.VS Đào Trọng Thi: Theo tôi, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng hàng chục vạn sinh viên ra trường thất nghiệp. Thứ nhất là, tỷ lệ thất nghiệp phụ thuộc nhiều vào mức độ tăng trưởng kinh tế của đất nước. Kinh tế không tăng trưởng thì tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.
 

1
Đào tạo nhân lực cần gắn với nhu cầu thị trường. 


Nguyên nhân tiếp theo là, chúng ta đã cung cấp nhân lực không phù hợp với thị trường lao động, đào tạo chưa gắn đến quy hoạch phát triển nguồn nhân lực. Lỗi này không chỉ do ngành giáo dục mà còn liên quan đến công tác quy hoạch đào tạo nguồn nhân lực, phát triển nhân lực hiện nay chưa tốt. Thiếu dự báo chính xác về nhu cầu nguồn nhân lực, thiếu quy hoạch tổng thể.

Nguyên nhân thứ 3 là trách nhiệm của ngành giáo dục khi chất lượng đào tạo nhân lực của các cơ sở đào tạo không đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế. Điều này tác động đến việc sinh viên ra trường không kiếm được việc làm.

Trước thực trạng này, tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết sẽ yêu cầu các trường báo cáo số sinh viên ra trường không có việc làm để hạn chế tuyển sinh ồ ạt.

PV: Vậy đâu là khâu đột phá để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực hiện nay, thưa GS?

GS.VS Đào Trọng Thi: Chương trình đào tạo chậm được đổi mới, còn nặng về lý thuyết, thiếu tính thực tiễn, thiếu sự gắn kết giữa Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp. Hiện chúng ta đang đổi mới giáo dục theo hướng chuyển từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực người học, phát triển kỹ năng mềm... để đáp ứng yêu cầu nhân lực của xã hội. Để thực hiện chương trình này người thầy cũng phải được đào tạo, bồi duỡng lại.

Không chỉ nhà trường mà các doanh nghiệp cũng cần phải tham gia vào khâu đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Mối quan hệ này thực sự quan trọng nhưng hiện nay chúng ta làm chưa chặt chẽ, chưa có sự điều phối giữa lợi ích và nghĩa vụ các bên.

Tình trạng sinh viên thất nghiệp ngày càng nhiều nên các em đã biết tính toán xem học ở đâu tốt và ngành nghề nào để dễ kiếm việc. Điều đó buộc các nhà trường phải tìm hiểu lại xem doanh nghiệp họ cần lao động gì để từ đó nâng cao khả năng thích ứng của người học, giúp họ ra trường làm được việc ngay. Đồng thời, khi đào tạo nguồn nhân lực, chúng ta cũng phải được phân hóa theo các cấp độ, như: trình độ hội nhập quốc tế, trình độ khu vực và trình độ phù hợp với kinh tế sản xuất của đất nước.

PV: Thế nhưng mới đây, trong xét tuyển ĐH Bộ GD&ĐT dự kiến bỏ “điểm sàn” đã khiến cho xã hội càng lo lắng về chất lượng GD ĐH và như vậy cử nhân thất nghiệp sẽ ngày càng nhiều?

GS.VS Đào Trọng Thi: Nếu bỏ điểm sàn - ngưỡng chất lượng tối thiểu thì có khi thí sinh 0 điểm cũng vào được ĐH, bởi vì các trường sẽ vớt thí sinh bằng mọi cách. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT hiện nay lên tới 98% và hầu hết các em tốt nghiệp xong sẽ vào ĐH. Khi quy mô tăng vọt, điều kiện đảm bảo chất lượng không có thì chắc chắn chất lượng sẽ kém đi.

Cuối cùng xã hội phải chịu hậu quả khi các em ra trường. Tôi cho rằng, đổi mới thi cử hiện nay vẫn theo kiểu đối phó, cứ xã hội phản đối là nay bít chỗ này, mai bít chỗ kia. Ví dụ như, sắp tới Bộ dự định cho thí sinh thoải mái nguyện vọng thì các trường bị chết vì thí sinh “ảo” và khi không chịu nổi thì trường sẽ làm sai.

Ngược lại, Bộ cũng không thể vì yêu cầu của các trường mà cho họ tuyển sinh ồ ạt để sau này cung cấp ra xã hội một nguồn nhân lực kém thì khi đó cả xã hội sẽ chịu thiệt. Trước tiên, chúng ta cần giải quyết mối quan hệ hài hòa giữa lợi ích của nhà trường - xã hội - người học, trong đó lợi ích xã hội phải được đặt lên trên hết.

Thực tế, vẫn có không ít trường tìm mọi chiêu để thu hút sinh viên như: giảm học phí, tặng học bổng, lấy điểm thấp... để giải quyết những khó khăn trước mắt. Nhưng về lâu dài chất lượng giáo dục của họ sẽ đi xuống, uy tín nhà trường giảm thì họ sẽ bị mất sinh viên. Thậm chí đã có trường phải giải thể vì không có sinh viên.

PV: Vậy chúng ta cần làm gì để trị “căn bệnh” này một cách triệt để, thưa GS?

GS.VS Đào Trọng Thi: Như ngành giáo dục mấy năm đổi mới theo kiểu cứ vỡ đâu bịt đó, kiểu tùy nghi ứng phó như vậy thì chất lượng giáo dục không bao giờ tốt. Theo tôi, trước tiên, ngành giáo dục phải điều chỉnh lại hoạt động giáo dục đào tạo, trước hết là quy hoạch nguồn nhân lực và hướng dẫn các trường tuyển dụng chỉ tiêu phải tốt hơn theo từng ngành nghề, cơ cấu đào tạo. Chất lượng nguồn nhân lực cũng cần được phân hóa theo nhiều bậc như: chất lượng theo chuẩn khu vực, chuẩn quốc tế, chuẩn quốc gia...

Theo tôi, cần có dự báo dài hạn về nguồn nhân lực Việt Nam một cách chính xác, chi tiết, từ đó chúng ta mới quy hoạch đào tạo nguồn nhân lực của ngành giáo dục và ngành LĐ-TB&XH để đáp ứng được nhu cầu của xã hội.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

"Quy hoạch đại học gắn với nhu cầu nhân lực của đất nước. Năm 2017, đối với giáo dục đại học sẽ đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Để nâng cao chất lượng giáo dục đại học, năm nay sẽ đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học, công khai, minh bạch các điều kiện đảm bảo chất lượng và kết quả kiểm định, xếp hạng. Từ đó quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học phù hợp với nhu cầu nhân lực của đất nước"- Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ

 

Theo VOV

 

.