Cô giáo cho 43 học sinh tát bạn: Còn đâu tình thương, trách nhiệm?
Áp lực từ thành tích ngành giáo dục cộng với sự bất lực, non kém về năng lực sư phạm đã khiến cô giáo có hành động đáng phê phán.
Liên quan đến việc cô giáo Đ.H.T cho 43 học sinh tát em T.L., ở Trường Tiểu học Ninh Sở (Thường Tín, Hà Nội), những ngày qua, nhiều người, đặc biệt là những người làm trong ngành giáo dục đều lắc đầu khó hiểu. Vì sao một cô giáo có hàng chục năm kinh nghiệm trong ngành lại dạy lớp chọn mà có cách hành xử như vậy?
Học sinh sau khi bị các bạn tát |
Hành động của cô sau đó được cô giải thích là “như ma xui quỷ khiến”. Nhưng trong bối cảnh giáo dục hiện nay, có lẽ chúng ta cũng cần có cái nhìn toàn diện hơn để giải quyết vấn đề một cách thấu tình, đạt lý, để không còn phải chứng kiến những sự việc đau lòng tương tự xảy ra trong môi trường sư phạm.
Trước hết, giáo dục là một ngành đặc biệt – “trồng người”. Những thầy cô phải dùng chính nhân cách, năng lực của mình để giáo dục nhân cách, truyền đạt kiến thức cho học trò. Chính vì thế, thật hạnh phúc cho một nền giáo dục mà có các nhân cách lớn, trí tuệ uyên bác, ảnh hưởng sâu rộng đến các thế hệ học trò.
Hơn ai hết, những người đang đứng trên bục giảng hiểu rằng nhân cách của mình sẽ ảnh hưởng tới các em ra sao. Nhưng vì sao một cô giáo lại có suy nghĩ và hành động đáng lên án như vậy? Phải chăng cô đang phải chịu quá nhiều áp lực từ chính phía gia đình các em học sinh và nhà trường? Bởi thực tế, nhiều gia đình không bảo ban được con em mình, họ đã gửi gắm toàn bộ cho giáo viên và nhà trường. Thậm chí, có những bậc cha mẹ còn “đề nghị” cô có thể mắng chửi, thậm chí là dùng đòn roi với các con. Và một nguyên nhân không thể bỏ qua là khi giáo dục vẫn đang chạy theo bệnh thành tích thì các cô còn chịu áp lực từ phía nhà trường, là thành tích của lớp học, là kết quả tu dưỡng đạo đức của từng học sinh. Khi có quá nhiều áp lực mà không có giải pháp hiệu quả thì giáo viên có thể tìm đến các biện pháp phi sư phạm. Trong tình huống cô giáo cho 43 học sinh tát vào miệng bạn vì bạn nói tục là hành động đáng phê phán, là cô đã sai. Hành động của cô thể hiện sự bất lực, non kém về năng lực sư phạm và đã vô tình gieo vào tâm hồn của các em khác sự vô cảm, chấp nhận bạo lực.
Vì sao ngày lại càng có nhiều những hành động bạo lực với học trò từ những người “mẹ hiền” như vậy? Một trong những lý do dễ thấy nhất là việc chọn đầu vào ngành sư phạm của chúng ta đang quá dễ dãi. Nếu như trước kia, ai học giỏi, đạo đức tốt thì mới được dự tuyển sư phạm thì nay, những học sinh yếu kém, không biết thi tuyển vào đâu thì vào sư phạm.
Ai đã từng là học sinh chắc chắn đã gặp những người thầy/cô tận tuỵ hết lòng vì học trò hoặc có những thầy cô “không mắng học sinh không chịu được”… Họ sẽ được các thế hệ học trò nhắc đến với những cung bậc tình cảm khác nhau, có khi là kính trọng và thậm chí là sự giễu cợt… Chính các thầy cô cũng từng là học sinh, sinh viên nên sẽ hiểu và thấm thía điều đó hơn cả. Vậy nên, nếu đã chọn sư phạm làm cái nghiệp để gắn bó thì hãy lấy đó là trải nghiệm nghề nghiệp của mình để mình không mắc phải những nét tính cách, những hành động mà mình không thích từ chính các thầy cô của mình./.
Theo VOV