Học sinh lớp 6 xuống học lớp 1: Chỉ vì người lớn thi đua!
Học sinh không biết đọc, biết viết mà vẫn lên lớp đều đều, chỉ vì em học ở trường chuẩn quốc gia, lưu ban sẽ ảnh hưởng thành tích chung của trường.
Câu chuyện ở Sóc Trăng, bé gái học lớp 6 nhưng không biết viết, biết đọc lại phải chuyển xuống học lại từ lớp 1 thực sự khiến nhiều người đau lòng, lo lắng. Đau lòng vì chính em là người phải lãnh hậu quả từ căn bệnh thành tích của người lớn, ở đây trực tiếp là các thầy cô của em. Đau lòng vì một nền giáo dục cứ mãi chạy theo thành tích thì sẽ đi đâu, về đâu?
Ngôi trường nơi em học sinh gần như "mù chữ" vẫn được lên lớp |
Vì sao phải thi đua, thi đua có xấu? Mục đích ban đầu của các phong trào thi đua là rất tốt, hướng con người và xã hội đến chân – thiện – mỹ; thúc đẩy mọi mặt của đời sống xã hội phát triển theo chiều hướng tích cực. Thế nhưng, khi đi vào thực tế, nhiều phong trào thi đua đã bị làm “méo mó”, xa dời dần mục tiêu ban đầu, trở thành những căn bệnh gây bức xúc trong xã hội, cụ thể ở đây là bệnh thành tích trong ngành giáo dục.
Trong cuộc sống hiện nay, không khó để tìm ra những cuộc thi đua mang nặng tính hình thức, thành tích. Đơn cử, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.Đã có hàng triệu gia đình được cấp chứng nhận “Gia đình văn hóa”. Nhưng, đã có lần một vị lãnh đạo Chính phủ thốt lên rằng: “Vì sao có đến 85% số gia đình đạt chuẩn văn hóa, khu dân cư văn hóa mà những vấn đề vi phạm văn hóa, đạo đức vẫn đầy rẫy, phổ biến như thế?”.
Còn trong câu chuyện của em học sinh ở Sóc Trăng, vì em học trong một trường chuẩn quốc gia nên em không được phép lưu ban, không được phép học dốt. Biết là em không học được, nhưng vì thành tích chung của lớp, của nhà trường mà các thầy cô “nhắm mắt” nhận xét để em 6 năm liền “lọt” lên lớp, dù đã có lần gia đình xin cho em được “đúp” mà không được chấp thuận. Các thầy cô là người truyền đạt kiến thức, dạy các em trở thành người có nhân cách mà lại “lừa dối” cấp trên, phụ huynh học sinh như vậy, liệu có đáng buồn?
Những năm qua, phong trào “thi đua dạy tốt, học tốt” trong ngành giáo dục được nhiều thầy cô và học sinh hưởng ứng. Qua phong trào phát hiện ra nhiều nhân tố tích cực, nhiều thầy cô giảng dạy tốt, đào tạo được những học sinh giỏi, đạt thành tích xuất sắc. Thế nhưng, cũng không ít câu chuyện dở khóc, dở cười từ những phong trào này khiến công tác dạy – học không đi vào thực chất. Cuối năm học trên 90% học sinh đạt học sinh giỏi, nhưng chất lượng giáo dục vẫn bị kêu ời ời.
Thế mới thấy, nhiều người đã lợi dụng các phong trào này, phong trào kia để đánh bóng tên tuổi, xây dựng cho bảng thành tích cá nhân chứ không quan tâm đến chất lượng của phong trào đó như thế nào.
Không chỉ thi đua hình thức mà khen thưởng nhiều khi cũng không thực chất. Nhiều đơn vị lấy tiêu chí là thành tích cá nhân từ các phong trào thi đua để được tăng lương hay những cơ hội thăng tiến, dẫn đến tình trạng, người đáng khen thì không khen, người được khen thì không xứng đáng gây những bất bình, dị nghị trong tập thể; Hoặc có những tập thể “đoàn kết” hơn thì lại “xếp nốt” để luân phiên khen thưởng. Hoặc cả năm một tập thể đóng góp, lao động nhưng hết năm chỉ khen thưởng mỗi… sếp. Điều này đã khiến không ít người “cười mỉa” khi nhắc đến phong trào đó.
Thi đua để tìm ra những nhân tố tích cực, điển hình để làm gương, từ đó nhân rộng các điển hình trong các phong trào, tập thể. Vì thế, đòi hỏi việc lựa chọn các nhân tố này phải khách quan, minh bạch và xứng đáng. Với cách làm như hiện nay, nhiều phong trào thi đua chỉ làm cho có, cho xong, gây lãng phí tiền của, mất niềm tin của quần chúng. Đừng để thi đua biến thành “bệnh thành tích” như hiện nay. Điều này sẽ khiến nước ta, người Việt ta không giống bất kỳ nước nào trên thế giới./.
Theo VOV