Có nên thay đổi cách thức tuyển sinh đại học?

Thứ Sáu, 09/09/2016, 09:44 [GMT+7]

Tỷ lệ thí sinh ảo cao, trường thiếu thí sinh trong khi nguồn tuyển dư; thí sinh điểm thấp trúng tuyển… là những bất cập trong kỳ tuyển sinh ĐH.
 
Dư luận đang rất quan tâm đến những bất cập sau kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2016, khi tỷ lệ thí sinh ảo năm nay rất cao, chiếm trên 50%. Dù xét tuyển cùng ngành, cùng trường, nhưng nhiều thí sinh điểm cao vẫn rớt đợt 1, trong khi đó, thí sinh điểm thấp hơn lại trúng tuyển đợt sau... Nên chăng cần thay đổi cách thức tuyển sinh để tránh những bất cập này?

Tỷ lệ thí sinh ảo cao, trường thiếu thí sinh trong khi nguồn tuyển lại dư; thí sinh điểm thấp bất ngờ trúng tuyển trong khi trước đó thí sinh điểm cao lại bị đánh rớt trong cùng ngành, cùng trường… là những bất cập trong kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng vừa qua.
 

1
Phương thức tuyển sinh ĐH, CĐ vẫn còn tồn tại nhiều bất cập

 

Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh là trường có điểm trúng tuyển bổ sung tất cả các ngành đều thấp hơn từ 0,5 đến 2,75 điểm so với điểm chuẩn đợt 1. Nhà trường cũng không còn áp dụng các tiêu chí phụ để xét tuyển như đợt 1.

Cụ thể, ngành Dược học điểm chuẩn đợt 1 là 25,25; nhưng khi tuyển bổ sung chỉ là 23,5 điểm, giảm 1,75 điểm. Ngành Điều dưỡng (gây mê hồi sức) có điểm chuẩn nguyện vọng bổ sung là 20, giảm đến 2,75 điểm so với tuyển đợt 1...

Theo lãnh đạo một trường đại học lớn tại Thành phố Hồ Chí Minh, việc tuyển sinh đợt bổ sung lấy điểm thấp hơn so với nguyện vọng 1 là sai quy chế. Quy chế đưa ra là khi xét nguyện vọng bổ sung thì mức điểm chỉ được bằng hoặc cao hơn so với nguyện vọng 1.

Khắc phục tình trạng thiếu thí sinh bằng việc hạ mức điểm xuống trong đợt bổ sung là vô lý, khiến dư luận bất bình.

Câu hỏi đặt ra là có nên tiếp tục có những đổi mới trong công tác tuyển sinh hay không? Tiến sĩ Nguyễn Kim Quang, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, cách xét tuyển năm nay dẫn đến việc thí sinh có tâm trạng không phục.

Với những thí sinh lẽ ra trúng tuyển nhưng không được học ngành mong muốn sẽ tạo sự bức xúc trong các em và sẽ không có thái độ học tập tích cực. Vì vậy, cách xét tuyển này không thể duy trì cho các năm tiếp theo.

Còn thầy Nguyễn Minh Hà, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, Bộ không nên thay đổi quá nhiều. Vì nếu như vậy các trường, đặc biệt là thí sinh cũng như phụ huynh sẽ ngỡ ngàng và không bình tĩnh khi quy chế tuyển sinh thay đổi liên tục như vậy. Nếu có thay đổi thì chỉ nên ở mức tương đối để đảm bảo việc đào tạo chung của nhà trường.

Năm nay, dù thí sinh có nhiều sự lựa chọn, thêm trường, thêm ngành, nhưng phía trường lại bị áp lực tỉ lệ thí sinh ảo. Dù đã làm rất kỹ khâu tuyển lựa, phân loại thí sinh để xác định xác suất nhập học của thí sinh nhưng tỉ lệ nhập học vào trường chỉ đạt trên 85%. Thầy Hà cho rằng, đó là do các trường, học sinh và phụ huynh cũng còn bỡ ngỡ trước quy chế tuyển sinh mới.

Hai năm trở lại đây, cách thức tuyển sinh đại học được Bộ Giáo dục và Đào tạo nỗ lực điều chỉnh để hạn chế những bất cập xảy ra đối với thí sinh và với các trường. Thế nhưng, trong khi hiệu quả đạt được từ những lần đổi mới chưa thực sự được dư luận ghi nhận thì năm nay, vẫn còn những tồn tại sau kỳ xét tuyển đại học.

Bởi vậy, thí sinh và phụ huynh đang rất cần những kỳ tuyển sinh nghiêm túc, khoa học, công bằng và hợp lý hơn./.

 

Theo VOV
 

.