Đào tạo theo hệ thống tín chỉ: Được và chưa được

Thứ Sáu, 05/08/2016, 12:59 [GMT+7]

Phương thức đào tạo theo hệ thống tín chỉ đã bộc lộ một số nhược điểm, mà nguyên nhân xuất phát từ đặc thù của chương trình đào tạo…
 
Phương pháp đào tạo theo hệ thống tín chỉ được thực hiện lần đầu tiên ở Trường Đại học Bách khoa TP HCM vào năm học 1993-1994 và thực hiện rộng rãi ở các trường đại học, cao đẳng từ năm 2007.

Phương thức đào tạo này có ưu điểm là phát huy được tính chủ động, sáng tạo của người học; việc chọn môn học, thời gian học linh hoạt, có thể rút ngắn được thời gian đào tạo cho sinh viên. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, việc thực hiện đào tạo theo tín chỉ đang gây khó khăn cho cả sinh viên và nhà trường.

Phương thức đào tạo theo học chế tín chỉ là phương thức đào tạo mà người học được cấp bằng sau khi tích lũy đủ khối lượng kiến thức (số tín chỉ) theo yêu cầu của chương trình đào tạo.

Các hình thức tích lũy tín chỉ là học trên lớp; thực hành, thực tập và tự học. Kiến thức trong hệ thống tín chỉ được cấu trúc thành các học phần, mỗi học phần khoảng 2 đến 3 tín chỉ. Chương trình đào tạo gồm các học phần bắt buộc và học phần tự chọn. Sinh viên được lựa chọn và đăng ký học các học phần phù hợp với năng lực, điều kiện và hoàn cảnh của mình.

1
Sinh viên ĐH Ngoại thương trong giờ tự học

 

Đào tạo theo tín chỉ không tổ chức theo năm học mà theo học kỳ. Một năm học có thể tổ chức đào tạo từ 2 đến 3 học kỳ, mỗi chương trình đào tạo của một ngành học nhất định không tính theo năm mà tính theo sự tích lũy kiến thức của sinh viên, sinh viên tích lũy đủ số tín chỉ quy định thì được cấp bằng trong thời gian quy định.

Qua 23 năm tổ chức thí điểm và gần 10 năm triển khai rộng ở tất cả các trường đại học, cao đẳng ở Việt Nam, phương thức đào tạo này có nhiều ưu điểm như: sinh viên được chủ động lên kế hoạch học tập, lựa chọn môn học tự chọn phù hợp, lựa chọn giảng viên và thời gian hoc.

Quá trình tự học, tự nghiên cứu của sinh viên được coi trọng, được tính vào nội dung và thời lượng chương trình, đã phát huy được tính chủ động, sáng tạo của sinh viên trong quá trình học tập. Sinh viên được quyền quyết định tiến độ đào tạo và thời gian ra trường của mình, tùy vào khả năng và điều kiện của bản thân sinh viên.

Vũ Anh Văn, sinh viên năm thứ 4, Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết: "Lợi thế mà khi em được học theo tín chỉ là chúng em được tự do trong vấn đề chọn những chuyên ngành mình thích và chọn thầy cô, cũng như là chọn giờ ca học của mình. Em được tự do trong việc cân bằng giữa học tập và hoạt động xã hội.

Bây giờ em đã hoàn thành được 100 tín chỉ và chỉ còn 20 tín chỉ nữa thôi là em sẽ kết thúc quá trình học tích lũy 120 tín chỉ của mình và em sẽ tốt nghiệp trước một học kỳ so với các bạn khác. Việc hoàn thành trước như thế sẽ có nhiều thời gian cho quá trình mình đi thực tập về sau, hoặc là những môn học chưa được điểm cao lắm thì mình có thời gian để học cải thiện trong kỳ cuối cùng của năm cuối”.

Phương thức đào tạo theo hệ thống tín chỉ có độ mềm dẻo và linh hoạt về môn học, nên ngoài những môn học bắt buộc trong chương trình đào tạo, sinh viên được lựa chọn các môn học chuyên ngành và cơ sở ngành phù hợp để hoàn thành yêu cầu cho một văn bằng và để phục vụ nghề nghiệp tương lai của mình. Vì vậy, sinh viên có thể dễ dàng thay đổi ngành chuyên môn trong quá trình học tập khi thấy cần thiết, hoặc có thể học nhiều chương trình cùng một lúc, tùy thuộc vào khả năng của từng sinh viên.

Bất cập từ đâu?

Phương thức đào tạo theo hệ thống tín chỉ cũng bộc lộ một số nhược điểm, mà nguyên nhân xuất phát từ đặc thù của chương trình đào tạo, bất cập từ các trường đại học, cao đẳng và cả sinh viên. Do sinh viên đều có lịch học tập riêng nên sự kết nối giữa các sinh viên trong lớp, với cán bộ lớp rất lỏng lẻo, hầu như không có sự hỗ trợ nhau về học tập, đời sống; hoạt động đoàn, hội cũng giảm sút.

Giáo viên chủ nhiệm cũng không phát huy hết vai trò là cố vấn học tập để hỗ trợ sinh viên trong việc làm quen với hình thức đào tạo mới này, cũng như tư vấn về việc lựa chọn môn học phù hợp với ngành nghề cho sinh viên.

Mặc dù hiện nay việc đăng ký môn học của sinh viên đã có sự hỗ trợ của phần mềm trên mạng máy tính, nhưng trên thực tế, sinh viên vẫn gặp khó khăn khi đăng ký môn học.

Đỗ Văn Vinh, sinh viên năm thứ 3, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: “Khi đăng ký cũng gặp nhiều khó khăn đó là trang web đôi khi bị lỗi. Vào những giờ đăng ký thì lượng truy cập tương đối lớn nên sự tương tác của sinh viên rất đông, nhiều khi trang web bị sập, không thể đăng ký được. Vì vậy nhiều bạn không đăng ký được phải chờ thời gian sau để đăng ký bổ sung nên cũng mất nhiều thời gian”.

Về phía các trường đại học, cao đẳng, do thiếu nguồn lực về cơ sở vật chất, giáo viên... nên chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của người học. Nhiều môn học có đông sinh viên đăng ký, nhưng thiếu giáo viên nên các trường không thể tổ chức đủ lớp học theo nhu cầu của sinh viên. Một số trường tổ chức các môn học tự chọn không theo logic môn học, nên sinh viên năm thứ nhất nhưng vẫn có thể chọn học các môn chuyên ngành của sinh viên năm thứ 3, thứ 4, hoặc ngược lại.

Nguyễn Quang Việt, sinh viên năm thứ 3, Trường Đại học Xây dựng nói: “Việc học khá là lộn xộn, có thể một ngày học 3 đến 4 ca, ca buổi tối học từ 18h đến 20h30, tuy nhiên có những ngày nghỉ ở nhà cả ngày. Việc đăng ký học tín chỉ thì nhanh chân mới vào được lớp mà mình muốn học. Việc đăng ký như thế khá là bất lợi cho những bạn không có máy tính. Năm ngoái đăng ký kỳ 2 thì vào ban đêm 12 giờ, còn kỳ 3 năm nay thì lại rơi vào 12 giờ trưa. Nhà trường báo trước khoảng 1 tuần, em phải thức chờ đến giờ vào đăng ký”.

Một hạn chế nữa là chương trình đào tạo theo hệ thống tín chỉ đề cao vai trò chủ động của người học, giảm thời gian lên lớp, tăng thời gian tự học, tự nghiên cứu của sinh viên. Trong khi đó, nhiều sinh viên Việt Nam vẫn chưa có thói quen làm việc độc lập, chưa có định hướng rõ ràng về ngành nghề, nên lúng túng, bị động trong việc lựa chọn chuyên ngành và môn học. Nhiều sinh viên không sử dụng tốt thời gian tự học, tự nghiên cứu ngoài giờ lên lớp, dẫn đến chất lượng học tập kém, phải kéo dài thời gian học tập tại trường.

Ông Phạm Quang Trung, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nêu thực tế: “Tín chỉ có nhược điểm rất quan trọng là phụ thuộc vào tính cá nhân rất lớn của các sinh viên. Nghĩa là nếu như bạn không tự kiểm soát được mình, không tự xây dựng kế hoạch cho riêng mình, không tuân thủ kế hoạch thời gian làm việc, không tự bảo vệ mình trước những cám dỗ hiện nay như game online, cá độ... dẫn đến nhiều bạn học kém, bỏ học, không đi học. Thậm chí các em đó trước đây học trường chuyên giỏi của một số tỉnh, không phải là khó khăn, không phải làm thêm gì cả. Còn các bạn khác tích cực thì vẫn học tốt và đạt kết quả tốt”.

Phương pháp đào tạo tín chỉ trên thế giới được áp dụng ở cả giáo dục phổ thông và giáo dục đại học. Thế nhưng, tại Việt Nam, do những hạn chế từ phía nhà trường, người học, nên chưa vận dụng hết những ưu điểm mà hình thức học tín chỉ mang lại.

Trong điều kiện nguồn lực đầu tư về cơ sở vật chất, nhân lực của nhiều trường đại học còn hạn chế, sinh viên chưa quen với phương thức học tập mới thì phương thức đào tạo theo hệ thống tín chỉ rõ ràng đang bộc lộ những phi lý cần được xem xét trong thời gian tới./.

 

Theo VOV
 

.