Bắt buộc sinh viên ra trường phải nói được tiếng Anh

Thứ Tư, 08/06/2016, 08:55 [GMT+7]

Để tránh tình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp hàng loạt, Học viện Báo chí và Tuyên truyền chính thức áp dụng chuẩn đầu ra tiếng Anh.

Theo thông tin từ Học viện Báo chí và Tuyên truyền, bắt đầu từ năm 2016, học viện áp dụng mức chuẩn đầu ra tiếng Anh cho sinh viên K32. Theo đó sinh viên muốn tốt nghiệp, lấy được bằng cần phải đạt mức điểm tiếng Anh theo quy định chuẩn của từng khoa và từng chuyên ngành khác nhau.

Trên thực tế việc áp dụng quy định này khiến không ít sinh viên hoang mang khi khả năng ngoại ngữ kém, phải đối mặt với nguy cơ không được nhận bằng.

1
Nhiều sinh viên lo lắng khi phải có chứng chỉ ngoại ngữ mới có bằng.

 

Bạn Mạnh Trường, sinh viên năm cuối, K32 chia sẻ: “Khi biết thông tin này mình thấy rất lo lắng, vốn là dân khối C nên khả năng ngoại ngữ yếu. Phần lớn thời gian sinh viên mình dành cho việc làm thêm và học trên lớp, do không có gốc tiếng Anh, nên mình khá ngại việc học ngoại ngữ. Học 4 năm nếu không lấy được bằng thì cũng như không, có thể để lỡ mất nhiều cơ hội tốt”.

Giống như Mạnh Trường, khá nhiều sinh viên khác trong trường cũng đang nơm nớp lo sợ trước mức điểm chuẩn không hề thấp đã được công bố.

Không có ngoại ngữ sinh viên khó chinh phục nhà tuyển dụng

Trao đổi về vấn đề chuẩn đầu ra ngoại ngữ, PGS TS Trương Ngọc Nam, giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, việc áp dụng quy định chuẩn đầu ra ngoại ngữ là trường đang thực hiện theo đúng nghị quyết của Đảng; hướng đến hiện thực hóa các phương châm hiện đại hóa, chuẩn hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế của các hệ thống giáo dục quốc dân. Muốn nâng cao chất lượng đào tạo không thể không chuẩn hóa đầu ra, mà tin học và ngoại ngữ cần phải được chuẩn đầu tiên để đáp ứng nhu cầu của xã hội trong giai đoạn hội nhập cùng phát triển. Đây cũng là yêu cầu sống còn của nền giáo dục Việt Nam. Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng thừa nhận rằng cho đến tận 2016 học viện mới thực hiện quy định này cũng là một bước tiến chậm so với các trường khác. Thầy khẳng định đã đến lúc chúng ta nên bỏ kiểu đào tạo vào bao nhiêu ra bấy nhiêu như trước đây để đảm bảo tương lai cho sinh viên sau khi ra trường.

Theo PGS TS Trương Ngọc Nam việc chuẩn hóa đầu ra mà trước hết là chuẩn hóa về ngoại ngữ giúp sinh viên có phương tiện, cách thức để làm việc và hội nhập tốt hơn. Năng lực ngoại ngữ là thành tố quan trọng nhất của năng lực lao động trong điều kiện hội nhập. “Anh không thể mang tiếng Việt để giao tiếp với người Anh, người Mỹ, nếu như ngoại ngữ yếu kém, học hết 4 năm đại học nhưng lại không nói nổi 1 câu tiếng anh có lẽ chỉ có thể ăn cơm nhà mà chẳng thể tiến xa được. Nếu các em không muốn sắp tới người Thái, người Indonesia sang chiếm lĩnh hết thị trường lao động Việt Nam trong bối cảnh mở cửa khu vực Đông Nam Á thì buộc phải học ngoại ngữ”.

Thực tế cho thấy rằng, một số lượng lớn sinh viên sau khi ra trường thất nghiệp, do chưa đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng, sức cạnh tranh kém. Mà một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thực trạng này là do thiếu ngoại ngữ. Thầy Nam cho rằng ngoại ngữ chính là phao cứu sinh giúp sinh viên “nổi” được trong môi trường cạnh tranh cơ hội khốc liệt hiện nay.

Nếu có ngoại ngữ tốt, sinh viên hoàn toàn có thể tự tin ứng tuyển vào các công ty nước ngoài tại Việt Nam, mà hiện nay còn nhiều bạn trẻ khá e ngại.

1
PGS TS Trương Ngọc Nam cho rằng có khả năng ngoại ngữ đồng nghĩa với việc sinh viên có thêm nhiều cơ hội việc làm.

 

Thầy Trương Ngọc Nam nhấn mạnh việc áp dụng chuẩn đầu ra hoàn toàn vì lợi ích của sinh viên, đảm bảo cho sinh viên có thể đáp ứng tốt nhu cầu của nhà tuyển dụng chứ không phải vì danh tiếng của trường.

Thầy cũng cho biết thêm, nhà trường thường xuyên theo dõi và nhận được nhiều thông tin phản hồi khác nhau. Trong đó không ít sinh viên cho rằng việc áp dụng quy định này có phần gấp gáp và làm khó sinh viên. Tuy nhiên trên thực tế nhà trường đã công bố thông tin từ năm 2013, việc làm này đã có sự chuẩn bị từ rất lâu trước đó, chứ không hề đột ngột. Thầy kiên quyết, dù vấp phải phản đối của nhiều sinh viên, song nhà trường vẫn nhất quyết thực hiện đến cùng quy định này, và chắc chắn sẽ không có việc giảm điểm chuẩn để cứu sinh viên.  Giám đốc học viện cho rằng: “Đã đến lúc cần tạo áp lực để các em có động lực phát triển”.

Sinh viên năm cuối không lo bị treo bằng

Trong cuộc trao đổi, giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho hay, hiện đã có khoảng 80% sinh viên K32 đã hoàn thành chuẩn ngoại ngữ theo quy định của nhà trường, chỉ còn xấp xỉ 20% chưa đạt chuẩn. Nhà trường kiên quyết chừng nào chưa đạt chuẩn sẽ chưa cấp bằng, đào tạo gắn liền với đào thải là một quy luật tất yếu. Hiện nay việc làm bằng tốt nghiệp cho sinh viên đã hoàn tất, chỉ cần sinh viên nộp chứng chỉ ngoại ngữ, sẽ được cấp bằng ngay. Do vậy sinh viên không cần lo lắng nếu không đạt chuẩn năm nay sang năm mới được nhận bằng.

Thầy Trương Ngọc Nam cho biết, trong năm nay, nhà trường quyết tâm cùng sinh viên thực hiện quyết định này để hướng tới 100% các em có thể ra trường. Sắp tới nhà trường sẽ tổ chức thêm hai đợt thi ngoại ngữ cho 20% sinh viên còn lại. Để giảm bớt áp lực và khó khăn cho sinh viên, nhà trường đã và đang tổ chức các lớp học bồi dưỡng, học phụ đạo tiếng Anh miễn phí dưới sự hướng dẫn của các giảng viên hàng đầu trong nước và quốc tế. Chương trình này cũng thu hút lượng lớn các tình nguyện viên là sinh viên và giáo viên nước ngoài đến giảng dạy. Ngoài ra số lượng tín chỉ tiếng Anh trong khung đào tạo cũng được tăng lên với mức học phí vẫn giữ nguyên./.

 

Theo VOV

.