Tuyển sinh đại học 2016: Cách chọn nghề phù hợp

Thứ Sáu, 08/04/2016, 10:50 [GMT+7]

Thí sinh cần sớm đưa ra quyết định lựa chọn ngành theo học dựa trên sở thích, khả năng của bản thân và nhu cầu của xã hội.

Chỉ còn hơn 2 tháng nữa, các sỹ tử sẽ chính thức bước vào kỳ thi THPT Quốc gia và tuyển sinh đại học 2016, việc chọn ngành nào, trường nào sao cho phù hợp đang là nỗi băn khoăn lớn của các em học sinh và phụ huynh. Bởi trên thực tế, nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường vẫn không tìm được việc làm đang dần trở thành nỗi lo của xã hội.
 

1
Học sinh lớp 12 vẫn đang loay hoay chọn ngành, trường thi ( ảnh minh họa).


Cụ thể theo báo cáo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, tính đến quý 4/2015, số người bị thất nghiệp có chuyên môn kỹ thuật đã giảm được 78.000 người, còn 417.300 người, chiếm 39,7%. Trong đó, số lao động thất nghiệp có trình độ đại học trở lên giảm mạnh nhất, 70.000 người, từ mức 225.500 người quý trước còn 155.500  trong quý 4/2015. Con số này, theo các chuyên gia dù đã giảm nhưng vẫn ở mức cao.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng học cao nhưng vẫn thất nghiệp của giới trẻ hiện nay, tuy nhiên 1 trong số đó là do các sinh viên chọn ngành sai ngay từ ban đầu.

Việc chọn đúng ngành nghề không chỉ tạo cho các bạn trẻ một hiệu quả cao trong quá trình học chuyên nghiệp mà còn đảm bảo việc làm, thu nhập kinh tế sau này.

Cần tỉnh táo khi đăng ký chọn ngành thi, trường thi

Làm gì để có quyết định đúng đắn khi chọn ngành chọn trường khi thi đại học là câu hỏi không đơn giản với bất kỳ học sinh và phụ huynh nào.

Chuyên gia tâm lý Phạm Mạnh Hà chia sẻ trong chương trình tư vấn tuyển sinh của Đại học Khoa Học Xã hội và Nhân Văn- Đại học Quốc Gia Hà Nội: “Việc chọn được một nghề phù hợp không chỉ đảm bảo cho bạn một việc làm có thu nhập mà còn giúp bạn hạnh phúc với những thành quả mà nghề mang lại cho mình và xã hội. Với nhiều bạn trẻ, việc chọn nghề chỉ đơn giản là kiếm một công việc dễ có việc làm, thu nhập cao, ổn định và không vất vả mà quên mất một điều đó là bản thân có thực sự phù hợp với nghề nghiệp đó hay không? Vì vậy, trước khi lựa chọn nghề nghiệp các bạn cần cân nhắc kỹ”.

Chọn nghề là một chiến lược, theo chuyên gia các bạn học sinh cần tìm hiểu thông tin về nghề nghiệp, nên chọn nghề phù hợp với đam mê, chỉ chọn nghề khi đã thực sự hiểu về nghề. Thêm vào đó các em học sinh nên tham khảo ý kiến của cha mẹ, thầy cô và cẩn trọng khi đưa ra quyết định.

Nói về vấn đề làm thế nào để học sinh có thể chọn ngành nghề đúng với chuyên môn của mình, thầy Nguyễn Đình Hậu- Giảng viên Đại học khoa học xã hội và nhân văn- Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: “ Bản thân các đơn vị đào tạo, các trường đại học cần cung cấp đầy đủ thông tin chính xác, khách quan về các ngành học để các bạn học sinh có những hiểu biết cụ thể. Quan trọng nhất các trường cần cung cấp rõ thông tin đào tạo và hướng nghiệp cho sinh viên sau khi ra trường. Hiện nay Việt Nam đang có rất nhiều trường đại học, do vậy khi tuyển sinh các trường cần nhấn mạnh thông điệp rõ ràng, nếu các em đến với chúng tôi, các em sẽ nhận được những gì.

Bản thân các em cần tự chủ động tìm hiểu thông tin, cần biết mình thích gì, từ việc thích các em cần đi đến tìm hiểu trên thực tế xem cơ hội việc làm sau khi ra trường như thế nào”.

Một thực trạng  khá phổ biến hiện nay trong xã hội, nhiều  học sinh từ lớp 12 đã được gia đình hướng sẵn vị trí làm việc sau khi ra trường. Tuy nhiên không phải lúc nào sự sắp xếp đó cũng giống với sở thích, sở trường của các em. Câu chuyện làm thế nào để dung hòa giữa các vấn đề này là 1 câu hỏi khó với các bạn học sinh còn chưa bước chân ra ngoài xã hội.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, thầy Hậu cho rằng các em học sinh vừa mới rời khỏi ghế nhà trường, còn thiếu và yếu kinh nghiệm sống. Nói ở khía cạnh nào đó vấn đề này có cả ưu và nhược điểm. Về ưu điểm: hiện nay ai cũng có thể đi học đại học, tuy nhiên sự cạnh tranh về công việc là rất lớn, nếu nghe theo gia đình, các bạn hoàn toàn có 1 sự chắc chắn nhất định về nghề nghiệp sau này, các em không phải lo lắng, tuy nhiên không  được lựa chọn công việc mà mình yêu thích, tương lai có thể có rủi ro rất lớn.

Nên chọn ngành từ sớm

Thực tế có rất nhiều học sinh lớp 12 đến lúc làm hồ sơ thi đại học vẫn không biết mình nên thi ngành gì, đôi khi sự lựa chọn ngành nghề chỉ sau một cái tặc lưỡi cốt cho đỗ đại học.

Nói về vấn đề này, cô Trần Thanh Nga chuyên gia tâm lý- giảng viên khoa Tâm lý giáo dục Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng việc chọn nghề không phải là việc lên đến lớp 12 mới loay hoay đi chọn mà đáng ra phải xác định từ rất sớm, muộn nhất cũng phải là khi các em bước vào bậc học THPT. Để làm được điều này bố mẹ cần phải hiểu con, là người định hướng nghề nghiệp cho con cái, vai trò hướng nghiệp của nhà trường cũng vô cùng quan trọng.

Cô Nga cho rằng hiện nay có rất nhiều bạn học sinh không biết mình chọn nghề gì thậm chí còn không biết mình thích nghề gì nguyên nhân lớn do các em “ đói” thông tin về đặc thù của các ngành nghề trên thực tế. Hàng ngày đến trường, các em chỉ biết nghề sư phạm như thế nào, đi khám bệnh nên biết nghề y là gì, hay một số em có bố mẹ hoạt động trong ngành nên có thể hiểu rõ. Bên cạnh đó còn vô vàn các ngành nghề khác ngoài xã hội nhưng hiểu biết của các em về tính chất công việc là còn rất mờ nhạt.

Một số em học sinh lớp 12 còn chọn nghề theo xu hướng và do thần tượng.

Theo cô Nga Việt Nam hiện nay cần có sự cải tổ theo hướng kỹ thuật tổng hợp, gắn việc đào tạo bám sát với các ngành nghề ngoài xã hội để các em học sinh có sự hiểu biết sâu sắc hơn.

Tới thời điểm hiện tại, nếu các em vẫn chưa thể chọn ra ngành nghề thì cần phải xem xét kỹ lưỡng, cân bằng giữa sở thích, điều kiện kinh tế gia đình, cơ hội việc làm sau khi ra trường, học lực của bản thân để lựa chọn chính xác nhất.

Bố mẹ nên gần gũi, quan tâm con, không nên ép buộc con cái chọn ngành nghề theo ý mình mà cần tôn trọng nguyện vọng của con cái, tránh gây áp lực không cần thiết./.

 

Theo VOV

.