Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tuần Giáo: Triển khai mô hình trường học mới

Chủ Nhật, 20/03/2016, 20:30 [GMT+7]

Điện Biên TV - Thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục và đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Tuần Giáo triển khai hiệu quả các hoạt động đổi mới giáo dục, từng bước nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập của giáo viên, học sinh. Trong đó, chương trình mô hình trường học mới (VNEN) đang tạo được sự đồng thuận giữa nhà trường và xã hội, mang lại hiệu quả tích cực như giáo viên chủ động trong việc truyền tải kiến thức cho học sinh. Còn học sinh dần mạnh dạn, tự tin hơn khi tham gia các hoạt động học tập và vui chơi ở trường.

Hiện nay, ở cấp tiểu học trên địa bàn huyện Tuần Giáo có 28 trường, 444 lớp với 9.143 học sinh. Hiện đã có 20 trường ở cấp tiểu học áp dụng chương trình giáo dục mới VNEN, trong đó 10 trường trong dự án, 10 trường nhân rộng ở năm học 2014 - 2015. Quy trình triển khai đến các trường cơ bản thuận lợi do cán bộ, giáo viên được tập huấn, thảo luận, dự giờ thường xuyên. Đa số giáo viên giảng dạy nắm chắc tài liệu, phương pháp dạy học theo mô hình VNEN, áp dụng linh hoạt các bước giảng dạy của giáo viên; hướng dẫn học sinh học tập theo quy trình, tích cực làm đồ dùng phục vụ dạy và học tập, trang trí lớp học. Việc nhân rộng mô hình cũng khá thuận lợi nhờ giáo viên đã có kinh nghiệm. Ngoài ra, Phòng đã thực hiện dạy tiếng Việt lớp 1 theo công nghệ giáo dục đối với 5 trường tiểu học (Bình Minh, Nà Sáy, Quài Tở, số 1 Quài Cang, số 1 Quài Nưa), gồm 18 lớp với 615 học sinh nhằm nâng cao khả năng đọc viết của học sinh.

g
 Lớp học theo mô hình VNEN của Trường Tiểu học số 1 thị trấn Tuần Giáo.

 

Trường Tiểu học số 1 thị trấn Tuần Giáo là một trong những trường được nhân rộng và đã thực hiện tốt chương trình VNEN. Cô Nguyễn Thị Kim Nhung, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Với mô hình này học sinh được dùng sách giáo khoa chung của trường, được học tập trong mô hình lớp học hiện đại, đồ dùng học tập phong phú, được tham gia hội đồng tự quản phát huy quyền dân chủ bản thân. Sau một năm áp dụng mô hình VNEN học sinh có nhiều tiến bộ rõ nét, tính năng động, sáng tạo được các em phát huy có hiệu quả. Cả lớp chia thành các nhóm nhỏ mỗi nhóm lại có 5 đến 6 học sinh, học sinh ngồi quay mặt vào nhau để cùng trao đổi và tự học, không gò bó khuôn khổ như cách học truyền thống, hình thành thói quen mới cho học sinh, tự do nhưng trong khuôn khổ cho phép. Qua đó, giúp học sinh hòa đồng tốt với nhau, giúp nhau trong học tập, còn với giáo viên thì cảm thấy thoải mái, nhẹ nhàng hơn mỗi khi lên lớp không căng thẳng như trước đây nữa.

Ông Nguyễn Quyết Thắng, Phó trưởng GD&ĐT huyện Tuần Giáo cho biết: Khi mới áp dụng mô hình trường tiểu học mới các trường cũng như giáo viên còn gặp nhiều khó khăn nhưng sau khi tổ chức trao đổi, học hỏi giữa các trường qua tập huấn, sinh hoạt chuyên môn, Phòng nhận thấy đây là mô hình có tính hiệu quả cao, nội dung giáo dục gắn với thực tiễn. Qua 4 năm áp dụng VNEN, hiệu quả giáo dục năm sau luôn cao hơn năm trước; đa số học sinh của trường áp dụng VNEN đã tự tin rất nhiều. Tỷ lệ hoàn thành ở các môn học trong học kỳ 1 của năm học 2015 - 2016 cao. Cụ thể, môn toán hoàn thành 8.730/8.936, tương đương 97,7%; môn tiếng Việt hoàn thành 8.708/8.936, chiếm 97,5%; phẩm chất đạt 8.934/8.936, chiếm 99,9%; năng lực đạt 8.760/8.936, chiếm 98%...

Bên cạnh những hiệu quả đạt được thì việc áp dụng chương trình học mới ở vùng cao vẫn còn một số vướng mắc. Ông Nguyễn Quyết Thắng chia sẻ: Khó khăn đầu tiên là, đa số học sinh là người dân tộc thiểu số, ở các điểm trường còn tồn tại tình trạng học sinh đi học chưa chuyên cần, chưa thông thạo tiếng Việt nên chất lượng dạy và học chưa được tốt. Thứ 2 là, nếu chương trình học mới được áp dụng đại trà và không còn hỗ trợ thì sẽ khó về sách giáo khoa, do ở đây nhiều gia đình không có đủ khả năng mua sách cho con. Hơn nữa, việc thực hiện Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT, ngày 28/8/2014 của Bộ GD&ĐT, các giáo viên không chấm điểm mà nhận xét từng học sinh, mỗi giáo viên sẽ phải mất nhiều thời gian suy nghĩ để viết lời nhận xét sao cho diễn đạt được hết ưu, nhược điểm của học sinh. Thứ 3 là, trình độ dân trí ở vùng cao còn thấp, nhiều gia đình chưa quan tâm đến việc học tập của con em mình, còn phó mặc cho giáo viên và nhà trường.

Có thể nói rằng, Chương trình giáo dục mới VNEN có nhiều điểm mới, tích cực. Tuy nhiên, từ thực tế cho thấy với đối tượng ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thì triển khai mô hình còn những tồn tại, khó khăn nhất định. Để việc tiếp tục triển khai và nhân rộng Chương trình giáo dục mới VNEN cần sự vào cuộc nhiều hơn nữa của cộng đồng, xã hội…

 

Tuấn Anh (Báo Điện Biên Phủ)

 

.