"Khó khăn bao nhiêu… nỗ lực bấy nhiêu"

Thứ Năm, 12/11/2015, 08:53 [GMT+7]

Điện Biên TV - Câu nói của thầy giáo Trần Trung Nhân, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học Huổi Mí (Mường Chà) như phần nào cho thấy những khó khăn ở giáo dục Huổi Mí. Song vì tình yêu nghề, vì trách nhiệm với trẻ thơ vùng cao, không chỉ thầy Nhân, tất cả giáo viên ở Huổi Mí đang từng ngày khắc phục gian khó, mang con chữ đến gần hơn với bản làng…

Chỉ khoảng 30km từ ngã ba xã Nậm Nèn vào trung tâm xã Huổi Mí, chúng tôi đã mất gần 5 tiếng đồng hồ trên chiếc xe máy vật lộn với con đường đầy những “ổ voi, ổ gà”. Quả thực, nếu không tận mắt chứng kiến những ngôi trường, điểm trường ở Huổi Mí, sẽ không thấy hết được khó khăn của giáo dục nơi này. Là người từng gắn bó với Huổi Mí hơn 5 năm, bản thân thầy Trần Trung Nhân, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Huổi Mí cũng không biết mình yêu Huổi Mí từ bao giờ.

Dẫn chúng tôi thăm nhà trường, thầy Nhân tỏ ra hạn chế kể về cơ sở vật chất, bởi theo thầy, đây là khó khăn chung của tỉnh chứ không riêng gì giáo dục Huổi Mí. Còn chúng tôi thì hiểu và cảm nhận rõ những khó khăn ở nơi đây. Những dãy nhà làm theo tiêu chuẩn “3 cứng” nhưng cũng chỉ đáp ứng cơ bản phần nào cho việc dạy và học. “Được như thế là tốt lắm rồi, chứ ngoài các trường điểm bản, ngay trường trung tâm đây cũng có vài dãy nhà còn lợp mái tranh. Mùa nắng thì chớ, hễ mưa to, chuyện dột là bình thường”, thầy Nhân dãi bày.

h
Hệ thống lớp học Trường PTDTBT Tiểu học Huổi Mí còn nhiều khó khăn.

 

Năm học 2015 – 2016, Trường PTDTBT Tiểu học Huổi Mí có gần 500 học sinh. Để công tác dạy và học được đảm bảo, khắc phục mọi khó khăn, 49 cán bộ, giáo viên nhà trường ai nấy đều cố gắng. Ngay từ đầu năm, các thầy, các cô phải lên rừng lấy tre, tự nhào đất với rơm rạ để sửa những phần “tường” bị hư hỏng do mưa lũ, lâu ngày nên xuống cấp. Khi đó, họ trở thành những “kỹ sư”, “nhà thiết kế” không chuyên, miễn sao không để học sinh của mình phải chịu cảnh gió lùa tứ phía, nắng chiếu bốn bề. Khó khăn là thế, song bằng trách nhiệm, lòng nhiệt huyết, mỗi người thầy, người cô ở đất nghèo Huổi Mí đã không quản ngại, cố gắng hết mình vì con chữ vùng cao. Như một lời khẳng định cho tình yêu với nghề “cõng chữ lên non” nơi này, thầy Trần Trung Nhân nói: “Cứ mỗi khi nhìn vào ánh mắt lũ trẻ, mình cảm thấy phải có trách nhiệm, làm điều gì đấy cho chúng. Mỗi người thầy, người cô, điều cần làm là dạy cho chúng cái chữ, để mai này lớn lên lập nghiệp, thoát khỏi cảnh đói nghèo”.

Với các thầy, các cô Trường PTDTBT Tiểu học Huổi Mí, họ đã dành cho học trò của mình tình yêu thương như cho những đứa con. Còn với những người chăm sóc trẻ ở Trường Mầm non Huổi Mí, họ lại dành sự gắn bó để thể hiện tình cảm với mảnh đất nơi đây. Cô Lường Thị Quỳnh còn rất trẻ. Năm nay 23 tuổi nhưng Quỳnh đã có hơn 3 năm công tác tại trường. Cô tâm sự: “Tôi sinh ra và lớn lên ở TX. Mường Lay, nhưng tôi luôn xem Huổi Mí như quê hương thứ 2. Tôi muốn được cống hiến lâu dài hơn nữa ở đây. Chính vì sự nghèo khó của bà con dân bản là động thực để tôi ở lại nơi này”. Đúng là phải đi mới biết Huổi Mí gian nan chừng nào. Thật khâm phục hơn, vì tình thương yêu con trẻ của những cô giáo dạy mầm non. Dưới bàn tay của họ, vách tường hư hỏng các cô tự nhào đất, chặt che, thiếu đồ dùng, đồ chơi các cô tự làm. Thậm chí nếu con ốm nhẹ, các cô cho uống thuốc để nhanh lành…

“Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo/ Khi đến trường cô giáo như mẹ hiền”. Từng câu, từng chữ các em học sinh vùng cao Huổi Mí cất lên, những câu hát đó dường như mãnh liệt hơn, thôi thúc người thầy, người cô trụ vững trên miền đất biên ải này. Bởi đó cũng là tâm tư, tình cảm của người thầy được dân bản quý mến, tin tưởng, thầy giáo Nguyễn Học Thức, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Huổi Mí. Đối với thầy Thức, dạy cho trẻ cái chữ là mở cho con đường đến tương lai gần hơn. Nếu chúng không biết được cái chữ, sau này sao cống hiến cho quê hương, đất nước. Chính vì vậy, mặc dù điều kiện cơ sở vật chất nhà trường còn nhiều khó khăn, nhưng cái quan trọng nhất vẫn là việc huy động học sinh trong độ tuổi ra lớp. “Nhiều em ở bản xa trung tâm như: Pa Ít, Huổi Xuân, Lùng Thàng… nhà trường phải đến vận động, thuyết phục nhiều lần phụ huynh mới chịu cho con đi học. Có những hôm trời mưa bão, ngoài trời lạnh cắt da, cắt thịt nhưng các thầy, các cô vẫn vượt qua quãng đường dài, có bản cách đến gần 20km đường đất lầy lội để vận động học sinh đi học. Nếu không gắn bó với nghề thì chẳng ai bám trụ lại được nơi vùng đất gian khó này”, thầy Thức bộc bạch. Những nỗ lực của các thầy các cô ở Huổi Mí được đáp đền lại bằng việc tỷ lệ huy động học sinh tới trường năm sau luôn cao hơn năm trước từ 3 - 4%.

Bà Cao Thị Kim Thu, Phó phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Chà cho biết: Giáo dục Huổi Mí là khó khăn nhất của huyện Mường Chà, đặc biệt là cơ sở vật chất. Tuy nhiên, với nỗ lực của tập thể ban giám hiệu 3 cấp học, từng giáo viên, chất lượng giáo dục ở Huổi Mí không ngừng tăng lên, hàng năm, tỷ lệ học sinh chuyển lớp đạt gần 100%, tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi đến trường đạt 97%.

Huổi Mí - mảnh đất gian khó của huyện Mường Chà. Đồng bào nơi đây luôn mong muốn cuộc sống ngày một ấm no hơn. Những người “gieo chữ” trên dẻo cao cũng đang từng ngày “mài sắt” với niềm tin nhất định sẽ có ngày “nên kim”./.

 

Văn Quyết
 

.