Khó duy trì phổ cập trẻ mầm non cho trẻ 5 tuổi

Thứ Năm, 11/06/2015, 10:19 [GMT+7]
Điện Biên TV - Thực hiện Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010 - 2015, sau 4 năm nỗ lực phấn đấu tỉnh ta đã chính thức được công nhận đạt chuẩn về phổ cập giáo dục mầm non (PCGDMN) cho trẻ 5 tuổi. Tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 99,7%, song thực tế vẫn còn nhiều điểm bản “trắng” giáo dục mầm non, chính vì vậy nhiều trẻ em trong độ tuổi đến trường đang “được” nghỉ ở nhà.
 
Nhiều bản “trắng” điểm trường Mầm non
 
Thành công trong công tác PCGDMN cho trẻ 5 tuổi đã tạo nên diện mạo mới cho ngành giáo dục mầm non tỉnh nhà. Quy mô mạng lưới trường, lớp phát triển rộng, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của con em đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Đến nay, 100% các xã đều có trường hoặc điểm trường, lớp học mầm non mở đến tận thôn, bản (hiện toàn tỉnh có 130 xã thì có 171 trường mầm non với 769 điểm trường). Tổng số trẻ trong độ tuổi đến trường tăng nhanh, (nếu năm học 2009 –  2010, trẻ huy động ra lớp đạt gần 30.000 trẻ thì đến năm học 2014 – 2015 đã tăng lên gần 44.600 trẻ; trong đó trẻ 5 tuổi chiếm 31%). 100% trẻ được học 2 buổi/ngày, tỷ lệ bán trú đạt 94%. Tuy nhiên, thực tế sau khi đã được công nhận PCGDMN cho trẻ 5 tuổi thì không ít nơi trẻ trong độ tuổi vẫn chưa được đến trường, lớp. Chính vì vậy, việc duy trì, bảo đảm kết quả phổ cập của ngành giáo dục còn nhiều khó khăn.
c
Giờ học ngoài trời của cô và trò Trường mầm non xã Luân Giói, huyện Điện Biên Đông

 

Vượt hơn 200 cây số từ TP. Điện Biên Phủ chúng tôi đến xã Pá Mỳ (huyện Mường Nhé). Đây là xã khó khăn nhất của huyện, địa bàn phức tạp, đi lại khó khăn nên công tác PCGDMN trẻ 5 tuổi còn bất cập. Một số điểm bản như: Huổi Xúc, Tàng Phon không có đường đi lại, cách xa trung tâm không thể tổ chức lớp học nên học sinh phải đi học nhờ hoặc không được đến trường, lớp. Cô Hoàng Thị Nhang - Phó hiệu Trưởng Trường Mầm non Pá Mỳ mở đầu câu chuyện bằng lời giới thiệu kết quả công tác PCGDMN trẻ 5 tuổi trên địa bàn xã khá chi tiết. Theo cô Nhang, năm học 2014 – 2015 toàn xã có 9 điểm bản, mở được 14 nhóm, lớp với 191/387 trẻ (tỷ lệ huy động trẻ ra lớp đạt 49,3%) trong đó trẻ 5 tuổi ra lớp là 78/80 em, đạt 97,50%. Với xã đang còn khó khăn như Pá Mỳ thì tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp như vậy là khá cao so với nhiều nơi khác. Song tìm hiểu thực tế thấy rằng, hiện nay một số bản, điểm bản ở xã Pá Mỳ vẫn còn tình trạng “trắng” giáo dục mầm non. Minh chứng là: bản Tàng Phon, điểm bản Huổi Xúc thuộc bản Huổi Lục 1. Theo sự chỉ dẫn của anh Lù Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Pá Mỳ, trung tuần tháng 5 chúng tôi tới điểm bản Huổi Xúc, khi học sinh cả nước đang kết thúc những bài học cuối cùng của một năm học, thế nhưng một số em nhỏ trong độ tuổi từ 3 – 5 ở đây vẫn đang ngày ngày theo bố mẹ lên rừng hái măng từ sáng đến tối mịt. Anh Lý Kiên Xiểu, trưởng điểm bản Huổi Xúc cho biết: “Từ trước đến nay trẻ trong độ tuổi từ 3 – 5 ở bản không được đi học. Cũng không thấy thầy cô giáo nào vào vận động học sinh đến trường, lớp. Trẻ em chủ yếu ở nhà chơi hoặc theo bố mẹ lên nương”. Còn với anh Chảo Phụ Sàng năm nay đã ngoài 40 tuổi, cuộc sống gia đình khá vất vả bởi theo anh cũng chỉ vì không biết chữ. Do đó anh mong muốn con cái được học hành đến nơi đến chốn để cuộc sống đỡ vất vả hơn. “Dù gia đình nghèo khổ, nhưng nếu có trường, lớp sẽ cho con đi học để biết cái chữ, chứ không biết chữ khổ lắm. Thế nhưng muốn mà không được. Đi các bản khác thấy bọn trẻ bằng lứa tuổi con mình tung tăng đến trường nghĩ cũng tủi cho con”, anh Sàng cho biết. Nói rồi anh quay sang gọi cậu con trai út - Chảo Láo San, năm nay San đã gần 5 tuổi nhưng chưa biết thầy cô, trường, lớp là gì. Thấy người lạ, San chỉ dám đứng lấp ló sau lưng bố nhìn với ánh mắt sợ sệt. Chúng tôi hỏi, nhưng cậu bé chỉ lắc đầu nhè nhẹ như không hiểu tiếng phổ thông. Anh Sàng giải thích: Nó ít tiếp xúc với người lạ nên không dám nói đâu. Không chỉ riêng mình trường hợp của San mà còn nhiều trẻ em trong độ tuổi từ 3 – 5 ở bản Huổi Xúc hiện vẫn đang ở nhà.
 
Còn cách điểm bản Huổi Xúc chừng 20 cây số, số trẻ ở trong độ tuổi học mầm non ở bản Tàng Phon cũng vậy. Bản Tàng Phon mới tách ra từ xã Quảng Lâm (huyện Mường Nhé) và cũng đang trong tình trạng “trắng” giáo dục. Theo anh Ma A Giáo – Trưởng bản Tàng Phon: “Trẻ trong bản đến độ tuổi ra trường lớp còn phụ thuộc vào hoàn cảnh gia đình. Nhà nào có điều kiện thì cho con đi học nhờ bên xã Quảng Lâm, còn không thì ở nhà phụ giúp bố mẹ đi nương, trông em”. Để hiểu rõ hơn về thực trạng công tác giáo dục mầm non tại địa bàn xã, chúng tôi liên lạc lại với cô Hoàng Thị Nhang và nhận được câu trả lời: vì các bản còn khó khăn, chưa có đường xá nên công tác vận động học sinh đến trường, lớp còn nhiều vướng mắc. Trước mắt chỉ vận động các cháu trong bản đến độ tuổi ra trường, lớp sang học nhờ ở các điểm bản gần bên. Vì quá xa, lại ít trẻ nên trường cũng không thể phân công giáo viên vào được, bởi hiện tại đang còn thiếu giáo viên.
 
Khó duy trì tỷ lệ
 
Tuy nhiên, ngoài việc được công nhận đạt chuẩn về PCGDMN trẻ 5 tuổi thì để duy trì được kết quả đó lại cần thiết hơn hết, bởi việc đảm bảo tỷ lệ học sinh đến lớp, trường là rất khó. Cô Lò Thị Thơi, giáo viên điểm trường mầm non bản Nậm Mì 2, xã Huổi Lếch tâm sự: “Để vận động được học sinh ra lớp, trường là việc không đơn giản. Có khi giáo viên phải mất cả tuần ăn, ở, phụ giúp cùng gia đình các em rồi bố mẹ các em mới đồng ý cho con mình đến trường, lớp”. Trong khi cuộc sống của hầu hết người dân khu vực vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, thậm chí thiếu ăn... nên việc để các em đến trường, lớp cũng là một vấn đề. Anh Thào A Vảng, bản Nậm Mì 2 (xã Huổi Lếch) có con nhỏ 5 tuổi đang học tại điểm trường Nậm Mì 2 cho hay: “Nhà mình thuộc diện ở vùng sâu, xa nên được Nhà nước hỗ trợ tiền ăn trưa, nếu không thì cũng không chắc các cháu có được đi học”.
 
Theo Quyết định 239/QĐ-TTg ngày 9/2/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010 - 2015, hỗ trợ cho trẻ 5 tuổi ở các cơ sở giáo dục mầm non có cha mẹ thường trú ở các xã biên giới, núi cao, các xã điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn là 120 ngàn đồng/tháng và được hưởng theo thời gian học thực tế, nhưng không quá 9 tháng/năm học. Năm học được hưởng là năm học mà trẻ đạt đến 3 tuổi, 4 tuổi, 5 tuổi theo giấy khai sinh. Trao đổi với chúng tôi bà Trần Thị Tố Uyên, Trưởng phòng giáo dục Mầm non (Sở Giáo dục và Đào tạo) chia sẻ: “Tiền hỗ trợ ăn trưa 120 ngàn đồng/tháng rất quan trọng. Đây là sự hỗ trợ cần thiết tạo điều kiện cho học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn được đến trường, lớp. Tuy nhiên, bà cũng theo bà Uyên thì rất khó duy trì được tỷ lệ học sinh nếu sau này tiền hỗ trợ ăn trưa bị cắt mất. Bởi với nhiều gia đình, nhất là ở vùng sâu, vùng xa có được số tiền 120 ngàn đồng không phải là một chuyện đơn giản”. Điện Biên đứng thứ 22 trong số các địa phương được công nhận đạt chuẩn về PCGDMN trẻ 5 tuổi từ khi thực hiện Đề án. Để giữ vững được kết quả đó và nâng cao tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi ra trường, lớp cao hơn, theo bà Uyên đối với những bản hiện đang “trắng” giáo dục mầm non thời gian tới ngành sẽ bổ sung thêm giáo viên tăng cường vào các điểm, bản vùng sâu, vùng xa để tất cả các trẻ trong độ tuổi đều được đến trường lớp.
 
Một năm học nữa đã khép lại, tin tưởng rằng sang năm học mới những trẻ em ở bản Huổi Xúc, Tàng Phon và nhiều nơi nữa nếu chưa được đến trường, lớp cũng sẽ được đi học như bao trẻ em khác./.
 
 
 Văn Tâm
 
 
.