Hướng nghiệp cho tương lai
Điện Biên TV - Tư vấn nghề nghiệp và giáo dục hướng nghiệp cho học sinh là nội dung vô cùng quan trọng giúp học sinh hiểu về nghề, hiểu về chính bản thân mình để có thể lựa chọn cho mình một ngành nghề phù hợp với sở thích, năng lực bản thân, hoàn cảnh gia đình cũng như nhu cầu thực tế của xã hội. Đây là việc làm cần thiết góp phần giải quyết tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” hiện nay.
Coi nhẹ hướng nghiệp
Hiện nay, tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm, hoặc làm trái ngành học… rất phổ biến. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do “đói” thông tin hướng nghiệp, tư vấn lựa chọn ngành, nghề ngay khi ngồi trên ghế trường phổ thông. Theo quy định, hoạt động giáo dục hướng nghiệp đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa vào chương trình học chính khóa. Hàng tháng, các em đều có những giờ học hướng nghiệp ở các trường và tại các trung tâm hướng nghiệp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc thực hiện hoạt động giáo dục hướng nghiệp ở trường phổ thông còn gặp nhiều khó khăn, chưa mang lại hiệu quả cao. Nguyên nhân là do các trường thiếu giáo viên hướng nghiệp chuyên trách, hầu hết giáo viên dạy hướng nghiệp là những giáo viên phụ trách môn thể dục, giáo viên văn… chỉ được đi tập huấn một vài buổi rồi về dạy. Trong khi đó, yêu cầu của giáo dục hướng nghiệp đòi hỏi giáo viên phải có hiểu biết thực tế sâu, rộng về ngành, nhiều lĩnh vực phụ trách. Đồng thời, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị hỗ trợ giảng dạy hướng nghiệp ở nhiều trường còn thiếu; nhiều học sinh chưa nhận thức đúng đắn về vai trò cũng như tầm quan trọng của bộ môn hướng nghiệp này.
Lớp sửa chữa xe máy tại Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp tỉnh. |
Bên cạnh hiệu quả giáo dục hướng nghiệp tại các nhà trường chưa đạt được như mong muốn thì chính các phụ huynh học sinh cũng góp phần “hướng sai nghiệp”. Họ không cần biết sức học của con em mình ra sao, có năng khiếu ngành nghề nào nhưng vẫn muốn con mình thi vào đại học này, cao đẳng nọ; có khi ép buộc con phải thi đến 2 - 3 lần chỉ để chạm tay vào cánh cổng đại học. Tư tưởng phải vào đại học bằng mọi giá ăn sâu vào thế hệ học sinh khiến cho phần lớn các em chỉ biết học và đi theo sự mong muốn của người lớn. Chính vì vậy, đa phần học sinh không mấy hứng thú với chương trình hướng nghiệp. Thời gian vài tháng học nghề trong trường phổ thông với không ít học sinh cũng chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa” và đại học vẫn là sự lựa chọn số một để phụ huynh “nở mày nở mặt”. Em N.V.T, học sinh Trường THPT thành phố Điện Biên Phủ chia sẻ, khi học hết cấp 3, em sẽ thi vào Trường Đại học Kinh tế quốc dân, nên những lớp học nghề phổ thông cũng như những buổi hướng nghiệp về nghề nghiệp em ít khi quan tâm. Thế nhưng, khi hỏi thi vào ngành gì và có dự định gì sau khi tốt nghiệp đại học, thì T. cũng chỉ trả lời qua chuyện: cứ học rồi tính sau anh ạ.
Ông Nguyễn Văn Mậu, Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp tỉnh, cho biết: Để công tác hướng nghiệp đạt hiệu quả, cần phải đa dạng các hình thức hướng nghiệp; hướng nghiệp thường xuyên, liên tục trong suốt cả năm học. Bên cạnh việc thực hiện giảng dạy theo chương trình của Bộ, nhà trường cần chỉ đạo, khơi dậy tinh thần trách nhiệm của đội ngũ giáo viên, để mỗi thầy cô là một tư vấn hướng nghiệp cho học sinh. Đồng thời, tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa với các chủ đề: Ước mơ nghề nghiệp tương lai, đại học có phải duy nhất để lập nghiệp, để chọn được ngành nghề phù hợp… Nhà trường cũng cần liên hệ với phụ huynh học sinh để cùng kết hợp tư vấn hướng nghiệp cho các em. Có như vậy, hoạt động hướng nghiệp mới đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả cao, giúp học sinh hiểu được ngành, hiểu được nghề, hiểu được chính mình để lựa chọn nghề nghiệp tương lai phù hợp.
Định hướng sai, hậu quả lớn
Với tâm lý coi trọng bằng cấp, nhiều phụ huynh, học sinh đã chọn cách vào các trường đại học sau THPT mà không cần quan tâm đến đầu ra là việc làm sau khi tốt nghiệp. Sinh viên trước khi bước vào cánh cổng đại học ảo tưởng và tô vẽ quá lớn về ngành nghề mình học, lĩnh vực mình theo đuổi. Họ không xác định được con đường rõ ràng và thế mạnh của mình để phát huy. Mong muốn có ngay công việc nên phần lớn trong số này cúi đầu chấp nhận những công việc hoàn toàn không phù hợp, thậm chí trái ngành nghề, chẳng liên quan gì đến những năm tháng dùi mài trên giảng đường. Bạn N.V.Q, phường Mường Thanh, TP. Điện Biên Phủ, tâm sự: Mình tốt nghiệp ngành kế toán, Đại học Tây Bắc từ năm 2012 nhưng đến nay vẫn chưa xin được việc làm đúng chuyên môn. Trước đây, khi làm hồ sơ dự thi, mình không nghĩ trước đến việc sau này ra trường sẽ làm gì, ở đâu. Giờ nghĩ lại thấy hối tiếc vì đã không định hướng trước nghề nghiệp của mình. Còn với anh Bùi Ngọc Long, quê ở Nam Định, tốt nghiệp Đại học Văn Hóa Hà Nội năm 2011, nhưng đến nay vẫn chưa xin được việc. Ở quê không có việc làm, anh Long theo người thân lên Điện Biên làm phụ xây. Anh Long cho biết: Ra trường đã gần 5 năm nhưng mình vẫn không xin được công việc theo chuyên ngành đã học.
Thực trạng “thừa thầy thiếu thợ” sẽ tiếp tục tái diễn nếu công tác hướng nghiệp cho học sinh THCS, THPT của các nhà trường, giáo viên, phụ huynh không được quan tâm đúng mức. Nói cách khác, khi hướng nghiệp chệch hướng, không chỉ người học phải chịu thiệt thòi mà ngay cả xã hội cũng không có được nguồn nhân lực như yêu cầu. Thiết nghĩ, để có một công việc ổn định, như ý muốn, trước hết học sinh phải là người ra quyết định về nghề tương lai của mình chứ không phải thầy cô hay bố mẹ. Thầy cô, bố mẹ chỉ là người định hướng. Phải xác định đúng hướng đi cho mình, phù hợp thực lực của mình có sự định hướng nghề nghiệp đúng, thì mỗi học sinh mới có thể lựa chọn được cơ hội thành công trong tương lai./.
Văn Tâm