Chăm lo phát triển giáo dục vùng biên giới
Điện Biên TV - Mường Nhé là huyện miền núi, biên giới, địa hình bị chia cắt và còn gặp rất nhiều khó khăn, nhưng trong những năm qua, huyện luôn quan tâm đầu tư, hỗ trợ, phát triển giáo dục trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ đó, quy mô và chất lượng giáo dục trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số không ngừng tăng lên, góp phần quan trọng xây dựng nguồn nhân lực cho địa phương.
Ðến nay, tất cả các xã trong huyện Mường Nhé đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non, tiểu học và THCS |
Qua các chuyến công tác tại các xã biên giới của huyện Mường Nhé, chúng tôi mới thật sự cảm nhận được những cố gắng mà ngành Giáo dục của tỉnh nói chung, đội ngũ cán bộ, giáo viên huyện Mường Nhé nói riêng đang nỗ lực trong việc phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục trong vùng đồng bào là người dân tộc thiểu số. Tại những nơi này, mặc dù kinh tế - xã hội còn chậm phát triển, đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn nhưng hệ thống trường học đều đã được đầu tư xây dựng khang trang, còn rất ít cảnh học sinh ngồi học trong những phòng học tạm bợ, xiêu vẹo như những năm trước đây.
Nằm ngay trung tâm xã Sín Thầu, chỉ cách đây 5 năm, Trường Trung học cơ sở Sín Thầu chỉ là những ngôi nhà gỗ tạm bợ, xiêu vẹo, trong giờ học nếu gặp mưa nhà dột khiến cô và trò phải chạy vào nhà dân trú mưa thì nay đã được thay bằng một ngôi trường khang trang, sạch đẹp. Theo thầy giáo Nguyễn Đình Tỵ, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Sín Thầu, huyện Mường Nhé cho biết: Trước đây, tình trạng học sinh dân tộc thiểu số trong xã bỏ học diễn ra phổ biến, nguyên nhân do nhận thức của các gia đình còn thấp, đời sống còn gặp nhiều khó khăn, trường học ở xa nên để con cái ở nhà đi nương đi rẫy phụ giúp gia đình. Còn những năm gần đây, tình trạng học sinh bỏ học không còn xảy ra, trong năm học mới 2014 - 2015 này, nhà trường đón trên 130 học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số trong xã đến học tập. Nhờ có những chính sách đầu tư của Nhà nước, học sinh được hỗ trợ theo học bán trú, đây chính là điều kiện thuận lợi để nhà trường huy động tối đa số học sinh trong độ tuổi ra lớp, cũng qua đây mà tỷ lệ học sinh chuyên cần của nhà trường ngày một nâng lên.
Xã Sín Thầu là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Hà Nhì. Đây là xã biên giới tiếp giáp với hai nước bạn Lào và Trung Quốc. Khó khăn còn nhiều nhưng điều đáng phấn khởi là tất cả các trường học tại trung tâm xã đều được kiên cố hóa. Ông Pờ Dần Sinh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Sín Thầu cho biết: Ðược sự quan tâm của tỉnh, huyện, đến nay toàn xã có 3 trường học từ mẫu giáo đến THCS thì tất cả đều được xây dựng kiên cố, không còn phòng học tạm nên đã tạo điều kiện thuận lợi cho con em đồng bào đến trường học tập. Trong 2 năm gần đây, xã không còn tình trạng học 3 ca hay học sinh bỏ học như trước kia. Nhờ đó, con chữ vốn một thời xa lạ với đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây thì nay 100% con em đồng bào trong độ tuổi đi học đều được đến trường, nhiều em học lên THPT được nuôi ăn, học tại các trường nội trú của huyện, tỉnh... Mặc dù là một xã biên giới nhưng Sín Thầu đã được công nhận đạt chuẩn về xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi từ rất sớm.
Với sự quan tâm đầu tư của tỉnh và ngành Giáo dục - Đào tạo, đến nay, số lượng học sinh dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Mường Nhé không ngừng tăng. Ðặc biệt, với sự nỗ lực của Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện và đội ngũ thầy, cô giáo những năm qua, đã góp phần đưa tỷ lệ học sinh từ mầm non đến lớp đạt trung bình trên 90%, chất lượng giáo dục các bậc học không ngừng được tăng lên. Ở bậc tiểu học, tỷ lệ học sinh đạt học lực trung bình trở lên là 76,7%, học sinh bỏ học chỉ còn 1,9%, tỷ lệ tốt nghiệp nhiều năm liền đạt hơn 98%. Công tác phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi được triển khai khá hiệu quả. Ðến nay, tất cả các xã trong huyện đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non, tiểu học và THCS. Bậc THCS, số học sinh có học lực từ trung bình trở lên tăng cao, đạt 70,2%; trong đó loại khá, giỏi đạt 10,3%. Tại các trường gần khu vực trung tâm huyện, tỷ lệ huy động học sinh ra lớp và tỷ lệ học sinh chuyên cần luôn đạt cao.
Tỷ lệ tốt nghiệp THCS luôn đạt trên 90% |
Lãnh đạo Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Mường Nhé nhớ lại: Năm đầu thành lập huyện, việc huy động được học sinh ra lớp thực sự là một bài toán khó đối với ngành. Nhiều trường của huyện rơi vào tình trạng có lớp, có thầy cô, song không có học sinh. Để huy động được các em đến lớp, nhiều thầy, cô giáo phải đi bộ nhiều giờ đến từng gia đình, vận động phụ huynh cho con em đến lớp. Đó là câu chuyện của hơn 10 năm về trước, giờ đây, đến với Mường Nhé có thể thấy cơ sở vật chất trường lớp học đã được đầu tư kiên cố. Trong những năm qua, cùng với những chính sách đầu tư của Đảng và Nhà nước cho vùng cao, giáo dục của huyện Mường Nhé đã được quan tâm đầu tư. Thông qua các chương trình, dự án như: Chương trình 159/CP, chương trình 135, chương trình kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên, Nghị quyết 30a, dự án trẻ em vùng khó... đến thời điểm này, huyện Mường Nhé đã cơ bản xóa được trường, lớp học tạm, nhiều lớp học điểm bản cũng đã được đầu tư xây dựng kiên cố. Các đồ dùng phục vụ giảng dạy, học tập cũng được trang bị khá đầy đủ, đáp ứng nhu cầu dạy và học. Một số trường đã được đầu tư các phòng học chức năng, hệ thống thư viện, phòng máy tính cùng nhiều thiết bị phục vụ công tác giảng dạy khác.
Ðạt được những kết quả nêu trên, ngoài việc xác định được hướng đi đúng, huyện Mường Nhé đã nhận thức rất rõ những khó khăn, thách thức của giáo dục vùng dân tộc thiểu số, từ đó đổi mới, thực hiện có hiệu quả các chính sách đầu tư của Nhà nước để trợ giúp hợp lý, nhằm phát triển giáo dục theo hướng bền vững. Thầy giáo Phan Văn Uyên, Phó trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Mường Nhé cho biết: 5 năm qua, cùng với công tác nâng chất lượng giáo dục thì việc phát triển hệ thống các trường bán trú cũng được Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện thường xuyên củng cố và mở rộng. Ðến nay, toàn huyện đã có trên 10 trường học bán trú. Chất lượng và hiệu quả đào tạo trong các trường bán trú ngày càng được nâng cao, tỷ lệ tốt nghiệp THCS luôn đạt trên 90%.
Ngoài việc củng cố và xây dựng cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên thì các chính sách hỗ trợ và đãi ngộ đối với giáo viên, học sinh người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn cũng được huyện Mường Nhé đặc biệt quan tâm như: Phụ cấp ưu đãi, phụ cấp trách nhiệm, phụ cấp thu hút, trợ cấp lần đầu cho nhà giáo được điều động công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đều được thực hiện nghiêm túc. Riêng với học sinh là người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, ngoài việc đi học hoàn toàn miễn phí, được cấp sách vở và được hưởng đầy đủ các chế độ ưu đãi của Ðảng, Nhà nước, nhằm chăm lo cho các em một cuộc sống ổn định, giúp các em yên tâm tới trường./.
Trần Sơn – Trọng Lâm