Niềm vui ở những ngôi trường PTDT bán trú
Điện Biên TV - Quyết định 85/2010/QĐ-TTg của Chính phủ ban hành một số chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú được thực hiện từ năm học 2010 - 2011, đã thực sự mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục khu vực vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn.
Đầu tháng 10, có dịp theo Đoàn giám sát của HĐND tỉnh, chúng tôi đến thăm một số trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) tại các huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Năm học 2014 - 2015 dù chỉ mới bắt đầu được hơn 1 tháng, song các ngôi trường PTDTBT nơi chúng tôi đến đã đi vào hoạt động rất quy củ. Điều dễ dàng cảm nhận nhất, đó là niềm vui ánh lên trong những đôi mắt, nụ cười của các em học sinh đến từ những bản làng xa xôi về học "cái chữ", được sống trong môi trường nội trú ngay tại trường.
Con đường gập ghềnh sỏi đá, lằn sống trâu và uốn lượn quanh co mà vào mùa mưa chắc chắn rất khó đi dẫn chúng tôi đến Trường PTDTBT THCS Noong U (xã Noong U, huyện Điện Biên Đông). Giữa bao la núi đồi, ngôi trường mái đỏ tường vàng hiện ra trước mắt chúng tôi. Có thể nói, khuôn viên của trường khá đẹp, các lớp học được xây dựng khang trang, sạch sẽ. Khu nhà nội trú của các em tuy mới chỉ là nhà gỗ, song đã được lợp mái tôn, láng nền xi măng. Gặp chúng tôi, các em học sinh người Mông, người Khơ mú... tỏ ra rất tự tin và lễ phép. Thầy giáo Đỗ Hồng Dương, Hiệu trưởng nhà trường, vui vẻ chia sẻ: Được sống trong môi trường nội trú đã giúp các em tự tin hơn rất nhiều. Trước đây, nếu gặp người lạ, các em thường lẩn tránh, ngại giao tiếp, đặc biệt là các em gái. Thầy Dương cũng cho biết thêm, nhiều em ở những bản rất xa (cách trường 20km) về học tại trường, chủ yếu là con em đồng bào dân tộc. Để giúp các em quen dần với môi trường nội trú và an tâm học tập, thầy cô vừa làm thầy vừa đảm nhiệm vai trò là cha, mẹ hướng dẫn, chỉ bảo các em nề nếp sinh hoạt; kèm cặp các em học tập ngoài giờ lên lớp; nấu nướng cho các em ăn... Vì vậy, các em rất gắn bó với thầy cô, bạn bè và mái trường; điều này cũng giúp việc huy động học sinh tới trường, duy trì sĩ số đều đặn hơn.
Các em học sinh Trường PTDTBT THCS Noong U, Điện Biên Đông chăm sóc vườn rau sau giờ học tập. |
Chuẩn bị cho bữa cơm tối, hôm nay, trường lại mổ một con lợn to do chính tay các em chăm sóc. Chính vì vậy mà khu bếp của trường có vẻ rất náo nhiệt, học sinh nam giúp thầy cô và nhân viên phục vụ làm thịt, học sinh nữ vào bếp giúp nấu cơm. Ở một góc vườn lại có rất đông các em khác đang say xưa chăm sóc những luống rau xanh và lựa những cây to để chế biến bữa ăn. Các em nhỏ hơn quây quần bên chiếc TV màn hình lớn trong khu nhà ăn xem phim hoạt hình.
Trong khu vườn của trường, em Phàng Thị Dùa, 12 tuổi, học sinh lớp 7B1 vừa hái rau vừa kể với chúng tôi: Nhà em ở bản Dư O A, cách trường hơn 8km, nên được hưởng chế độ vào ở nội trú trong trường. Từ ngày được vào ở nội trú, chúng em vui lắm, vì không phải hàng ngày đi bộ đến trường nữa, chỉ đến chiều thứ 6 mới về nhà, chiều chủ nhật lại xuống trường. Đến trường học vui lắm, ngoài học chữ, học làm toán và các môn trên lớp, chúng em lại được các thầy cô dạy nhiều thứ khác, được hướng dẫn vui chơi. Ngày trước ở nhà, bố mẹ làm nương vất vả nên chúng em nhiều lúc cơm ăn cũng không đủ no, ít khi được ăn thịt. Được vào ở trong trường bán trú, bữa ăn ngày nào cũng có thịt, có rau, các thầy cô lại nấu ăn ngon hơn ở nhà. Nhiều bạn ở bản em ngày trước bỏ học, giờ thấy các bạn đi học vui quá, lại xuống trường xin học lại rồi đấy.
Ông Cù Huy Hoàn, Trưởng phòng Giáo dục huyện Điện Biên Đông, cho biết: Huyện có 38 trường tiểu học và THCS thì có tới 30 trường có học sinh được hưởng chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường PTDTBT theo Quyết định số 85 ngày 21/12/2010 của Chính phủ. Năm học 2010 - 2011, toàn huyện chỉ có 112 học sinh được hỗ trợ tiền ăn, thì đến năm học 2013 - 2014, tổng số học sinh bán trú được hỗ trợ tiền ăn đã lên tới trên 4.500 em. Ngoài ra, 16 trường dân tộc bán trú còn được hỗ trợ tiền mua tủ thuốc, mua sắm dụng cụ thể thao, nhạc cụ, ti vi… hỗ trợ tiền nhà ở cho các em chưa có chỗ ở nội trú… Tổng số tiền hỗ trợ riêng trong năm học trước là trên 19 tỷ đồng. Có thể nói, Quyết định 85 là một trong những chính sách hợp lòng dân nhất. Đi đến đâu, đều thấy các phụ huynh rất phấn khởi, nên công tác vận động đưa trẻ đến trường đã thuận lợi hơn rất nhiều. Đặc biệt là các em đến trường được nhà nước hỗ trợ chỗ ăn, chỗ nghỉ, được chăm sóc tốt hơn, học tập và vui chơi trong môi trường an toàn, lành mạnh hơn nên rất vui và tự tin, năng động hơn trong cuộc sống. Nhờ vậy mà chất lượng giáo dục tại các trường bán trú đã nâng lên rất nhiều.
Ngoài giờ học tập trên lớp của học sinh Trường PTDTBT THCS Mường Mươn, Mường Chà. |
Tương tự như huyện Điện Biên Đông, huyện Mường Chà trong năm học 2013 - 2014 cũng có gần 2.500 học sinh người dân tộc được hưởng các chế độ hỗ trợ đối với học sinh bán trú. Trong đó có 31 trường tổ chức nấu ăn, bố trí chỗ ở bán trú cho học sinh tại trường. Đến thăm Trường PTDTBT THCS Mường Mươn, nhận thấy chính sách của Chính phủ đối với con em các dân tộc thiểu số của tỉnh đã thực sự đi vào cuộc sống. Tại ngôi trường này, phòng ở nội trú của các em đã được xây dựng khá khang trang, 143 học sinh đủ tiêu chuẩn, được ở nội trú và hỗ trợ tiền ăn, tiền tủ thuốc, dụng cụ thể thao, nhạc cụ… trong tổng số 275 học sinh đang học tại trường. Các phòng nghỉ của các em được bố trí khoa học, ở theo nhóm bản, nên anh em, bạn bè cùng bản ở chung một phòng, giúp các em an tâm về tư tưởng, đến trường nội trú mà vẫn như đang sống tại gia đình. Ngoài giờ học, các em tham gia các hoạt động ngoại khóa, vui chơi tập thể, chăm sóc vườn rau, vườn hoa, đàn lợn của trường. Nhờ cuộc sống tập thể mà các em được chăm sóc chu đáo, ăn uống đầy đủ, sinh hoạt khoa học, được giáo dục kỹ năng sống nên rất vui và tự tin trong những cuộc sinh hoạt cộng đồng. Nhiều em về nhà còn hướng dẫn cả gia đình cách trồng rau, chăn nuôi theo phương pháp khoa học được học ở trong trường.
Theo thông tin từ Sở Giáo dục - Đào tạo, trong năm học 2013 - 2014, toàn tỉnh có 8/10 đơn vị cấp huyện có học sinh thuộc diện hỗ trợ theo Quyết định 85 của Chính phủ (trừ TP. Điện Biên Phủ và thị xã Mường Lay) với tổng số trên 26 nghìn em; tổng kinh phí được hỗ trợ tất cả các khoản là trên 360 tỷ đồng từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 201 3- 2014, trong đó kinh phí do ngân sách nhà nước đảm bảo là gần 322 tỷ đồng, còn lại là huy động đóng góp từ cộng đồng. Theo quy định của Quyết định 85: các em học sinh bán trú (nhà ở cách trường từ 4km trở lên đối với học sinh tiểu học, 7 km đối với học sinh THCS) được hỗ trợ tiền ăn trong 9 tháng bằng 40% mức lương tối thiểu chung. Đối với những học sinh tự lo chỗ ở, mỗi tháng được hỗ trợ 10% (theo mức lương tối thiểu) tiền nhà trong 9 tháng. Ngoài ra, các trường PTDTBT còn được hỗ trợ, đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị như các công trình phục vụ nơi ăn nghỉ cho học sinh, dụng cụ thể thao, văn hóa, tủ thuốc chung cho học sinh…
Ông Lê Văn Quý, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo, khẳng định: Chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường PTDTBT đã góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt của học sinh; góp phần giải quyết khó khăn về kinh tế đối với cha mẹ học sinh, nâng cao tỷ lệ huy động dân số trong độ tuổi đến trường, duy trì sĩ số học sinh. Trong 4 năm học, từ năm học 2010 - 2011 đến 2013 - 2014, số học sinh bán trú toàn tỉnh tăng 222,6% so với năm học 2010 - 2011; số trường phổ thông dân tộc bán trú tăng lên 103 trường. Qua đó, góp phần củng cố, duy trì kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục THCS và phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2.
Dương Huyền