Hiệu quả chính sách đối với học sinh dân tộc thiểu số huyện Điện Biên

Thứ Ba, 12/08/2014, 17:02 [GMT+7]

Điện Biên TV - Hiện nay, học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) huyện Điện Biên được hưởng các chính sách hỗ trợ, như: Quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; hỗ trợ tiền ăn cho học sinh mẫu giáo từ 3 – 5 tuổi; chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh tại các trường khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn… đều mang lại hiệu quả tích cực.

Trong 3 năm trở lại đây, có trên 57.800 lượt học sinh được hỗ trợ chi phí học tập với tổng kinh phí gần 73 tỷ đồng; hơn 15 tỷ đồng tiền cấp bù học phí đã được các trường đầu tư tu sửa cơ sở vật chất trường, điểm trường, khen thưởng học sinh... 100% trẻ mầm non được ăn bán trú tại trường, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ mầm non; hơn 761 tấn gạo hỗ trợ cho học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn của huyện giúp các em vững bước hơn khi tới trường.

v
vHọc sinh nội trú Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Mường Nhà trồng thêm rau xanh để cải thiện bữa ăn.

Phòng Giáo dục – Đào tạo (GD & ĐT) huyện Điện Biên là đơn vị trực tiếp triển khai chính sách đến với học sinh. Trao đổi với chúng tôi, ông Kim Khánh Tùng, chuyên viên Phòng GD & ĐT huyện Điện Biên, cho biết: Thực hiện các chính sách dành cho học sinh vùng DTTS, Phòng GD&ĐT huyện chủ động phối hợp với các phòng chuyên môn của huyện như: Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội, Phòng Tài chính – Kế hoạch, UBND các xã chỉ đạo các trường kịp thời hoàn thiện các thủ tục để Phòng cấp kinh phí xuống các trường. Phòng GD & ĐT huyện chỉ đạo các trường tăng cường tuyên truyền đến gia đình học sinh sử dụng đúng nguồn kinh phí được cấp phát vào việc đầu tư học tập của con em, học sinh đảm bảo các em có đủ vở viết, sách giáo khoa khi đến trường; học sinh mầm non, học sinh nội trú dân nuôi được hỗ trợ kinh phí ăn bán trú tại trường. Các trường sử dụng kinh phí cấp bù miễn giảm học phí để tu sửa cơ sở vật chất trường lớp và nâng cao chất lượng giáo dục. Bên cạnh đó, Phòng chỉ đạo các trường phối hợp với phụ huynh hỗ trợ, nấu ăn cho học sinh bán trú từ kinh phí hỗ trợ học sinh mẫu giáo 3, 4, 5 tuổi và học sinh bán trú các trường tiểu học, THCS. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các trường đều thi đua trong việc chăm sóc cho học sinh mầm non, học sinh bán trú, các thầy cô giáo đã trồng thêm rau xanh trong vườn trường để cải thiện bữa ăn cho học sinh...

Nhờ thực hiện tốt chính sách dành cho học sinh DTTS, tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi đến trường ngày càng tăng: Tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo ra lớp đạt 97,02%; trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99,7%; học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6 đạt 98,7%... Chất lượng giáo dục của huyện ngày một tăng. Số trường đạt chuẩn quốc gia là 65 trường, tăng 29 trường so với năm 2009. 25/43 trường vùng đặc biệt khó khăn được công nhận đạt chuẩn quốc gia, trong đó nhiều xã có tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia cao, như: Nà Nhạn, Hua Thanh, Nà Tấu...
 

Mai Giáp

.