Bỏ điểm sàn phải có cơ chế kiểm soát chất lượng đào tạo

Thứ Hai, 17/03/2014, 17:43 [GMT+7]
Hiện Bộ GD-ĐT vẫn chưa đưa ra bộ tiêu chí thay thế điểm sàn để các trường biết và thực hiện, học sinh biết để lựa chọn trường...
 
Kỳ thi Đại học, Cao đẳng năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức bỏ điểm sàn xét tuyển và thay bằng một bộ tiêu chí khác nhằm đảm bảo chất lượng đầu vào. Lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng đều cho rằng việc bỏ điểm sàn là hợp lý, để các trường được tự chủ tuyển sinh. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến lo lắng về những khó khăn nảy sinh trong mùa tuyển sinh này nếu Bộ không kịp thời xây dựng bộ tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào phù hợp.
x
Thí sinh dự thi đại học năm 2013 (Ảnh: Bích Lan)

 

Đa số ý kiến của lãnh đạo các trường đều cho rằng, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ điểm sàn Đại học, Cao đẳng là hướng cần thiết để các trường thực hiện tự chủ tuyển sinh theo đề án riêng đã được phê duyệt. Theo Phó Giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, điều quan trọng là Bộ cần có các chế tài kiểm soát chất lượng đào tạo của các nhà trường.

“Theo tôi có lẽ việc bỏ điểm sàn cũng là hướng cần thiết. Bởi chính các trường cần phải tự chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo của mình và quan trọng nhất là cần phải làm nghiêm đầu ra của chương trình đó và có sàng lọc trong toàn bộ quá trình, tổ chức tốt quá trình đào tạo. Việc tuyển đầu vào có thể tương đối rộng một chút nhưng đầu ra phải làm nghiêm ai không học được sẽ tự rời bỏ vị trí của mình”, ông Sơn nêu ý kiến.

Tuy nhiên, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, bỏ điểm sàn không có nghĩa là các trường muốn làm gì thì làm, mà phải dựa trên các tiêu chí nhất định để đảm bảo chất lượng. Như vậy, về thực chất, Bộ chỉ thay thế điểm sàn như những năm trước bằng một bộ tiêu chí khác. Điều khiến nhiều trường lo lắng là hiện Bộ vẫn chưa đưa ra bộ tiêu chí thay thế điểm sàn để các trường biết và thực hiện; học sinh biết để lựa chọn trường đăng ký dự thi phù hợp với năng lực.

Ông Hoàng Xuân Hiệp, Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghiệp Dệt may thời trang Việt Nam cho biết, việc đưa ra một bộ tiêu chí thay thế điểm sàn như những năm trước cần được tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo cơ cấu nguồn nhân lực.

Theo ông Hiệp, một nhược điểm rất lớn là nếu như bộ tiêu chí không rõ ràng, hoặc tương đối thấp thì việc thí sinh đăng ký nhiều vào đại học là xu thế rất lớn. Trong khi cơ cấu nhân lực quốc gia đang bị theo hình tháp ngược, nếu đặt bộ tiêu chí không cẩn thận, bậc Đại học sẽ phình to ra còn bậc Cao đẳng, trung cấp, bậc dạy nghề sẽ tóp nhỏ lại.

Ông Hiệp kiến nghị, Bộ nên đưa ra một bộ tiêu chí để làm sao vừa phải đáp ứng được ngưỡng tuyển sinh lẫn chất lượng đào tạo của các trường.

Ông Lê Trọng Thắng, giảng viên trường Đại học Mỏ- Địa chất cho rằng, một trong những tiêu chí quan trọng để đảm bảo chất lượng đầu vào là các trường cần công khai minh bạch thông tin tuyển sinh, chương trình đào tạo, chất lượng sinh viên sau khi tốt nghiệp, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm... để cả xã hội cùng giám sát.

Theo ông Thắng, giải pháp để bảo đảm có chất lượng đó là công khai minh bạch. Tức là Bộ chỉ cần đưa ra chế tài, còn các trường phải công khai mức điểm tuyển sinh để xã hội kiểm soát. Trường nào lấy điểm quá thấp, chất lượng rất kém thì dần dần sẽ không có người học và bản thân người học khi tốt nghiệp ra trường cũng khó tìm việc làm. Như vậy trường không thể phát triển được sẽ bị đóng cửa. Ông Thắng cho rằng, nên dùng “cơ chế tự nhiên” như vậy để tạo động lực cho các trường tự phấn đấu./.

 

 Theo VOV.VN

.