Hiệu quả mô hình trường học bán trú ở Mường Nhé
Điện Biên TV - Mường Nhé là một huyện biên giới đặc biệt khó khăn của tỉnh, có địa hình chia cắt phức tạp, đồi núi cao, giao thông đi lại giữa các vùng còn nhiều trở ngại. Do vậy, hàng năm có trên 60% học sinh trung học cơ sở và trên 20% học sinh tiểu học trên địa bàn huyện không thể đi học và trở về nhà trong ngày, các em phải ở bán trú tại trường để học tập. Nhằm giúp các em yên tâm học tập, từ năm học 2009 – 2010 đến năm học 2013 – 2014, huyện Mường Nhé đã triển khai xây dựng mô hình trường học bán trú, đến nay toàn huyện đã có 12 trường phổ thông dân tộc bán trú được thành lập. Mô hình trường học bán trú được thành lập đã góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện biên giới.
Mường Nhé là một trong 4 huyện đặc biệt khó khăn nhất của tỉnh, và cũng là huyện có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 80% số dân, địa bàn rộng, hiểm trở, dân cư sinh sống phân tán. Ðể khuyến khích con em đồng bào dân tộc thiểu số đến trường, thực hiện chủ trương của Bộ Giáo dục - Đào tạo, huyện Mường Nhé đã xây dựng các phân trường lẻ tại các thôn bản với chủ trương gần dân, bám dân, nhằm huy động tối đa học sinh trong độ tuổi ra lớp. Tuy nhiên trên thực tế, lên đến cấp trung học cơ sở, các em phải đến các trường chính ở trung tâm các xã để học, có rất nhiều em học sinh nhà cách trường hàng chục cây số đường rừng, hằng ngày các em thường phải dậy từ rất sớm để đến trường, đến lớp, vì thế nhiều em đã bỏ học giữa chừng. Nhằm khắc phục vấn đề đi lại, nhiều nơi phụ huynh đã cùng nhau dựng lều, lán tạm ở gần trường cho con, em theo học. Nhưng cũng chỉ là những căn lán tạm bợ, không điện, thiếu nước sinh hoạt, điều kiện ăn ở, học tập của các em vô cùng khó khăn, an ninh trật tự không bảo đảm.
Bữa ăn của học sinh trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Mường Nhé. |
Để khắc phục thực trạng này, thực hiện Quyết định 85 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú; Thông tư số 24 của Bộ Giáo dục - Đào tạo ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc bán trú và chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện Mường Nhé đã ban hành nghị quyết chuyên đề về xây dựng nhà bán trú trong trường học, đặc biệt là đối với cấp học THCS. Huyện đã chỉ đạo Phòng Giáo dục xây dựng Ðề án xã hội hóa đầu tư mô hình nhà bán trú dân nuôi tại hầu hết các xã. Huyện cũng đã trích một phần vốn từ các chương trình đầu tư cho các xã đặc biệt khó khăn, huy động các doanh nghiệp, tổ chức, nhà hảo tâm đóng góp xây dựng nhà bán trú dân nuôi. Từ năm học 2008 – 2009 đến năm học 2013 - 2014, thực hiện chủ trương xây dựng mô hình trường học bán trú, Phòng Giáo dục huyện Mường Nhé đã triển khai xây dựng được 12 trường học bán trú ở cả 2 cấp học tiểu học và THCS. Có thể thấy , việc triển khai xây dựng mô hình trường học bán trú trên địa bàn một huyện còn nhiều khó khăn như Mường Nhé cũng gặp không ít khó khăn song với sự đồng thuận, nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương và nhân dân, nhiều khó khăn đã từng bước được tháo gỡ, mô hình trường học bán trú được xây dựng, bước đầu đi vào hoạt động nề nếp và có hiệu quả tích cực.
Mặc dù chưa được công nhận là trường học bán trú do chưa đạt các tiêu chí theo quy định, song hơn 4 năm học qua, trường Tiểu học xã Mường Nhé đã triển khai thực hiện có hiệu quả việc tổ chức học bán trú, đặc biệt là việc tổ chức nấu ăn và cho các em học sinh nghỉ tại trường. Mô hình này đã nhận được sư đồng thuận cao của các bậc phụ huynh và họ rất yên tâm khi con em họ ăn, ở, học tập tại đây. Không chỉ tổ chức nấu ăn cho học sinh tại điểm trường trung tâm, hiện nay nhà trường đang thực hiện chuyển cơm từ điểm trường trung tâm đến một số điểm bản trực thuộc. Cách làm này cũng đã và đang góp phần quan trọng trong việc duy trì sĩ số học sinh tại các điểm bản trong những năm học vừa qua.
Mô hình trường học bán trú góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của Mường Nhé. |
Sau hơn 4 năm thực hiện mô hình trường học bán trú, trường THCS Mường Nhé đã đạt được nhiều kết quả nổi bật ở hầu hết các mục tiêu giáo dục được giao, đặc biệt là tỷ lệ huy động học sinh ra lớp, tỷ lệ học sinh chuyên cần luôn duy trì trên 98%, không còn tình trạng học sinh bỏ học giữ chừng. Với mô hình trường học bán trú, các em học sinh được ăn, ở tập trung và học tập tại chỗ, thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với bạn bè, thầy cô, các em học sinh chịu khó học tập hơn. Ngoài ra, các em học sinh còn được tham gia các buổi học ngoại khóa, được nhà trường phụ đạo học sinh yếu kém, do vậy chất lượng giáo dục của nhà trường cũng nhờ đó mà được nâng lên rõ rệt.
Hiệu quả của mô hình trường học bán trú còn có tác động thay đổi nhận thức của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số về giáo dục, từ đó huy động được các nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục vùng cao.Tuy nhiên, theo ông Trần Ngọc Kiên, Trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Mường Nhé, thì để phát huy hơn nữa hiệu quả của mô hình trường học bán trú, giáo dục huyện Mường Nhé cũng rất cần có sự quan tâm hơn nữa của Đảng, Nhà nước, đầu tư về hạ tầng cơ sở, đặc biệt là các cơ chế, chính sách dành cho các em học sinh để mô hình trường học bán trú tiếp tục được nhân rộng. Đây cũng là điều kiện căn bản để huyện thực hiện có hiệu quả hơn nữa các mục tiêu giáo dục.
Nhu cầu học bán trú trên địa bàn toàn tỉnh nói chung, huyện Mường Nhé nói riêng còn nhiều, nhưng do điều kiện kinh tế của nhân dân và địa phương còn khó khăn, do vậy đến nay học sinh được ở trong những ngôi nhà bán trú kiên cố còn chiếm tỷ lệ thấp, còn lại chủ yếu các em học sinh ở trong các nhà bán trú được làm tạm bợ hoặc bán kiên cố, nơi ở của học sinh còn chật chội, thiếu thốn, chưa đáp ứng đủ nhu cầu sinh hoạt; định mức giáo viên chưa phù hợp với tính chất chuyên biệt của loại hình trường học bán trú; công tác bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số cho giáo viên chưa được tổ chức bài bản. Ðặc biệt, yếu tố phối, kết hợp giữa nhà trường và gia đình chưa được phát huy rõ nét là những khó khăn cần được khắc phục để nâng cao chất lượng, làm thay đổi căn bản diện mạo giáo dục vùng dân tộc thiểu số. Do đó, cùng với các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, các địa phương cũng cần rà soát nhu cầu thực tế, xây dựng chương trình cụ thể, huy động các nguồn lực của xã hội để đầu tư xây dựng trường học bán trú, nhà bán trú ở những nơi có nhu cầu, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển sự nghiệp giáo dục của tỉnh.
Trần Sơn – Ngọc Bích