Khó khăn trong công tác giáo dục ở Na Hươm

Thứ Sáu, 10/05/2013, 11:03 [GMT+7]

Điện Biên TV - Chúng tôi đến bản Na Hươm, xã Mường Nhà, huyện Điện Biên vào buổi chiều trung tuần tháng 4, tình cờ gặp nhiều em trong độ từ 13 – 15 tuổi đi làm nương về. Một số em khác cũng vừa đi bắt tôm cá ở dưới suối lên, hỏi ra mới biết các em đã nghỉ học từ 1 - 3 năm. Đó là các em: Lường Thị Học 14 tuổi; Lò Thị Yến 13 tuổi; Lò Thị Khoa 13 tuổi; Lò Văn Ngoan 15 tuổi. Các em này đều nói gia đình khó khăn không có người chăn trâu, tìm rau, lấy củi, nấu cơm, làm nương nên mới nghỉ học.

Để hiểu rõ thực tế, chúng tôi đến nhà Trưởng bản Lò Văn Lún thì được biết: Từ nhiều năm nay, tình trạng trẻ em ở bản Na Hươm bỏ học do nhiều nguyên nhân diễn ra khá phổ biến, một số gia đình kinh tế khó khăn, bố mẹ bỏ nhau, mắc tệ nạn xã hội nhưng đa số do các em tự nghỉ học. Gia đình anh Cút Văn Hặc có 3 cháu nhưng chưa cháu nào học hết lớp 7. Cháu gái đầu Cút Thị Cương sinh năm 1996 vừa mới lấy chồng (tức 17 tuổi); cháu gái thứ 2 Cút Thị Liên sinh năm 1997, đã nghỉ học mấy năm và cháu Cút Văn Tuyến sinh năm 2000 (13 tuổi) mới nghỉ học đầu tháng 4 vừa qua. Anh Hặc cho biết: Gia đình tôi tạo mọi điều kiện, động viên để các cháu học tập. Tuy nhiên, các cháu tự nghỉ học và nói trong bản có nhiều bạn nghỉ học nên cũng không thích đi học nữa. Khi biết cháu Tuyến nghỉ học, trưởng bản và thầy cô giáo Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Mường Nhà đến nhà động viên, cho quà nhưng cháu vẫn không đi học nữa, mặc dù chỉ còn 1 tháng nữa là kết thúc năm học. Động viên mãi cháu vẫn không nghe, không kìm nổi tức giận tôi đã đánh cháu, Tuyến chịu bị đánh chứ nhất định không đi học nữa. Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết Tuyến đi học không chuyên cần, mải chơi bida, kết quả học tập kém. Thêm vào đó, ở nhà vợ chồng anh Hặc mải làm ăn nên không quan tâm đến việc học tập của con, đây là những nguyên nhân làm cho Tuyến chán học.

c
Những đứa trẻ bỏ học ở bản Na Hươm

Thầy giáo Phạm Văn Phúc, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Mường Nhà cho biết: Hàng năm, tình trạng học sinh bản Na Hươm nghỉ học giữa chừng không nhiều, nhưng đa số các em đi học không chuyên cần, học tập chểnh mảng, kết quả học tập không cao. Khi gia đình thu hoạch mùa hoặc có việc hiếu, hỉ các em thường nghỉ học dài ngày, thầy cô giáo chủ nhiệm lớp phải đến nhà tuyên truyền, vận động phụ huynh, động viên các em mới trở lại lớp. Một số ít, gia đình hoàn cảnh khó khăn nên các em nghỉ học ở nhà lao động sản xuất, hoặc xây dựng gia đình. Để động viên, tạo điều kiện cho các em yêu trường mến lớp, không bỏ học, cán bộ, giáo viên nhà trường đã quyên góp tiền mua 9 chiếc xe đạp tặng cho học sinh bản Na Hươm (2 em đi chung 1 chiếc), để không phải đi bộ đến trường.
Cũng theo Trưởng bản Lún, vì tình trạng không hiếu học nên nhiều năm nay bản Na Hươm chưa có ai học hết lớp 12, chưa có ai đi công tác ở các cơ quan của Nhà nước. Năm học 2012 – 2013, bản mới có 2 cháu đang học lớp 12.

Ông Vì Văn Minh, Chủ tịch HĐND xã Mường Nhà, buồn rầu tâm sự:  Na Hươm, Con Kén đều là bản thuần dân tộc Khơ Mú, có tình trạng trẻ em nghỉ học giữa chừng. Dân trí thấp nên bản Na Hươm, Con Kén thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật phát triển kinh tế, sản lượng và năng suất cây trồng, vật nuôi thấp, đời sống nhân dân khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, bản Na Hươm có 63/95 hộ nghèo. Hiện nay, chính quyền địa phương muốn cơ cấu trưởng bản Na Hươm có trình độ học vấn hết lớp 12 nhưng chưa tìm được nhân sự. Cũng vì lý do dân trí thấp, gần đây Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Điện Biên cho mở lớp “Giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ” từ tháng 10/2012 – 4/2013 tại bản Na Hươm cho 22 người, trong đó chủ yếu là phụ nữ.

Tình trạng trẻ em bỏ học giữa chừng ở bản Na Hươm đã ảnh hưởng không nhỏ tới phong trào dạy và học cũng như các phong trào khác của nhà trường, chất lượng nguồn nhân lực, dân trí, công cuộc xóa đói giảm nghèo của địa phương. Tuyên truyền, vận động trẻ em ở Na Hươm đi học chuyên cần và không bỏ học giữa chừng cần có sự phối hợp quyết liệt giữa nhà trường, chính quyền địa phương và gia đình. Hơn ai hết, người dân bản Na Hươm phải xây dựng hương ước, quy ước về phong trào học tập, quan tâm dạy dỗ quyết liệt con em hòa chung với phong trào học tập của cộng đồng, như thế cuộc sống no ấm, đổi thay mới thực sự đến với bà con.

 

Tiến Dũng

.