Giáo dục vùng cao - Còn đó những khó khăn
Điện Biên TV - Nói tới công tác giáo dục thì có biết bao nhiêu điều cần bàn. Và nếu đề cập tới công tác giáo dục ở vùng cao thì cũng không thiếu gì khó khăn để kể. Đây dường như vấn đề muôn thuở mà các nhà quản lý và chính quyền các địa phương phải đau đầu tìm lời giải khi bài toán mỗi lúc một khó. Phóng sự dưới đây phản ánh công tác giáo dục ở huyện Điện Biên Đông sẽ phần nào phác họa được những khó khăn trong việc nâng cao chất lượng dạy và học ở đây khi mỗi ngày yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục ngày một khắt khe hơn!
Trường THCS thị trấn Điện Biên Đông đã hơn 4 năm phấn đấu xây dựng trường chuẩn nhưng xem ra mục tiêu đạt chuẩn quốc gia của ngôi trường này, khó có thể thực hiện được trong năm học này theo như dự kiến ban đầu. Trong 5 tiêu chuẩn của trường chuẩn quốc gia, nhà trường chỉ có thể đạt được 4. Tiêu chuẩn thứ 5 về nhà trường không đạt là do thiếu các dự án đầu tư về cơ sở vật chất. Phòng lớp học được học 2 ca và phòng hiệu bộ chưa có ... Bởi thế, theo cô giáo Phạm Thị Thanh Mai - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Nhiều khả năng nhà trường sẽ khó có thể đạt chuẩn theo quy định của Bộ giáo dục nếu không có sự đột biến. Trường THCS thị trấn phấn đấu trường chuẩn quốc gia từ năm học 2009 – 2010. Sau mỗi năm học, nhà trường đều đánh giá lại kết quả phấn đấu từng năm, cho đến thời điểm này có 5 tiêu chuẩn đánh giá trường chuẩn quốc gia, nhà trường đã tự đánh giá chỉ đạt được 4 tiêu chuẩn. Còn 1 tiêu chuẩn về cơ sở vật chất chưa đạt được, vì trường thiếu 6 phòng lớp học, cơ bản thiếu phòng học chức năng. Hiện trường chỉ có một số phòng học chức năng như: Phòng tin học, thư viện, thiết bị và đang hoàn thiện phòng thực hành. Nếu như cơ sở vật chất không được đầu tư trong năm nay, thì chắc chắn kế hoạch xây dựng trường chuẩn quốc gia của trường sẽ khó đạt được”.
![]() |
Trường THCS thị trấn Điện Biên Đông |
Còn trường tiểu học thị trấn Điện Biên Đông - ngôi trường có bề dày thành tích và cũng là cánh chim đầu đàn trong phong trào dạy và học ở Điện Biên Đông trong suốt bao năm qua. Ngôi trường nằm ngay giữa trung tâm thị trấn, cơ sở hạ tầng đầu tư đồng bộ. Tuy nhiên, ở đây có tới hơn 70% số học sinh là con em của đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã trong huyện theo học. Do nhận thức của nhiều bậc phụ huynh là đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, nên việc quan tâm đến việc học của con em mình, việc đầu tư cho giáo dục phần nào cũng có những hạn chế nhất định. Điều này tất yếu dẫn đến ảnh hưởng đối với chất lượng dạy và học của các em. Bên cạnh đó, ở trường tiểu học thị trấn Điện Biên Đông việc đầu tư cơ sở vật chất đã được quan tâm song chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Bởi thế mới có chuyện hàng năm vào đầu mỗi năm học nhà trường phải dừng hẳn việc tuyển sinh đối tượng là con em ở các xã khác trong huyện đến học trái tuyến. Chỉ mới đầu năm học 2012 - 2013 đây thôi, nhà trường đã phải nói không với mấy chục hồ sơ xin nhập học. Cô giáo Nguyễn Thị Hảo, Hiệu trưởng trường Tiểu học thị trấn Điện Biên Đông nói: “Hàng năm cứ vào đầu năm học phụ huynh ở các xã khác xin vào học ở trường rất đông mà trường chỉ có 12 phòng học, nếu mà đáp ứng được sự mong mỏi của phụ huynh thì phải có thêm 2 phòng học nữa. Bên cạnh đó, nhà trường còn chưa có phòng ở cho giáo viên ở xa. Để duy trì và nâng lên trường chuẩn quốc gia mức độ hai nhà trường mong muốn các ngành, các cấp tạo điều kiện cho trường xây dựng nhà đa năng.”
Hai trường mà chúng tôi kể trên cũng chỉ là 2 ví dụ điển hình cho những khó khăn trong công tác giáo dục vùng cao Điện Biên Đông. Những tưởng khó khăn chỉ có thể tồn tại ở các trường vùng ngoài trung tâm huyện song thực tế vẫn đang phơi bày trước mắt. Ở trung tâm huyện mà đã khó khăn như thế, nghĩa là ở các xã vùng sâu, vùng xa của huyện sẽ khó khăn gấp bội.
5 năm trước, trong buổi làm việc giữa phóng viên chúng tôi với lãnh đạo Phòng giáo dục và đào tạo Điện Biên Đông, bàn về những tồn tại, khó khăn trong công tác giáo dục. Đại diện lãnh đạo Phòng giáo dục và đào tạo Điện Biên Đông chỉ ra những khó khăn cơ bản và cốt lõi như: Do cơ sở vật chất còn thiếu, trình độ nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế; đời sống của nhân dân vùng cao còn khó khăn dẫn đến việc quan tâm đầu tư, tạo điều kiện cho con em mình theo học lại càng hạn chế hơn.... Hôm nay, cũng trong buổi làm việc với đại diện lãnh đạo Phòng giáo dục - đào tạo Điện Biên Đông về vấn đề này, những nguyên nhân được đưa ra hầu như không có gì mới hơn so với cách đây 5 năm.
Thống kê cho thấy, hiện tại toàn huyện Điện Biên Đông có 56 trường học ở cả 3 cấp: Mầm non, tiểu học và trung học cơ sở với tổng số gần 15.800 học sinh. Tuy nhiên số phòng học, phòng học bộ môn, phòng công vụ, nhà ở nội trú cho giáo viên và học sinh còn thiếu nhiều so với nhu cầu thực tế. Đơn cử như phòng học, hiện toàn huyện còn 17% số phòng học tạm bợ. Nếu tính theo nhu cầu thực tế thì các trường vẫn còn thiếu khoảng hơn 260 phòng học, tương đương với 32% số phòng học hiện có. Cũng chính từ việc thiếu cơ sở vật chất dạy và học đã kéo theo nhiều khó khăn khác nữa cho công tác này.
Giống như gần 1.700 giáo viên khác ở Điện Biên Đông, hàng ngày cô giáo Nguyễn Thị Ánh Tuyết, trường Tiểu học Suối Lư phải đến sớm điểm danh học sinh đầu giờ để nắm bắt sĩ số, kịp thời tới tận nhà để vận động những trường hợp học sinh nghỉ học không phép. Việc học sinh đi học không chuyên cần vào những thời điểm nhất định cũng gây không ít khó khăn cho những giáo viên như cô Tuyết.
Giáo dục vùng cao nói chung và giáo dục Điện Biên Đông nói riêng vẫn còn đó những khó khăn chồng chất. Để giải quyết vấn đề trên, Phòng Giáo dục và đào tạo Điện Biên Đông đã xác định không thể giải quyết ngay trong một sớm, một chiều. Nói về điều này, đồng chí Nguyễn Xuân Thuận, Phó trưởng Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Điện Biên Đông cho biết: “ Để đảm bảo chất lượng công tác giáo dục và đào tạo, Phòng đã chỉ đạo các đơn vị trường đảm bảo kế hoạch giảng dạy cũng như chuẩn kiến thức về kỹ năng, mở những buổi phụ đạo miễn phí cho học sinh, qua đó nhằm từng bước nâng cao chất lượng giảng dạy của ngành”.
![]() |
Toàn huyện Điện Biên Đông còn 17% số phòng học tạm bợ |
Cùng với đó, Phòng Giáo dục và đào tạo Điện Biên Đông cũng đã có chiến lược dài hơi với mong muốn sẽ khắc phục được những vấn đề còn tồn tại để công tác giáo dục của huyện đi vào chiều sâu. Đồng chí Nguyễn Xuân Thuận - Phó trưởng phòng GD&ĐT Điện Biên Đông cho biết thêm: “Phòng GD&ĐT đã đưa ra giải pháp lâu dài là tập trung nhân rộng mô hình trường bán trú, vừa rồi ngành cũng mở được 3 đơn vị trường là: Trường THCS Sa Dung, THCS Tìa Dình và trường THCS Tân Lập. Mô hình này rất phù hợp với địa bàn vùng sâu, vùng xa như Điện Biên Đông. Mô hình đã đảm bảo được công tác huy động cũng như cuộc sống của các học sinh. Theo quy hoạch của ngành, ngành sẽ xây dựng từ nay đến 2015 có khoảng 18 trường phổ thông dân tộc bán trú của 2 cấp”.
Giải pháp thật sự có hiệu quả để nâng cao chất lượng từ những khó khăn vốn đeo đẳng giáo dục vùng cao vẫn luôn luôn là câu hỏi đối với những ai quan tâm đến sự nghiệp giáo dục vùng cao. Trong những năm qua, Trung ương, tỉnh, các địa phương trong tỉnh nói chung và Điện Biên Đông nói riêng đã có nhiều nỗ lực cho giáo dục vùng dân tộc thiểu số, vùng cao được triển khai như: Thực hiện kiên cố hóa trường, lớp học, hỗ trợ xây dựng nhà ở học sinh trong các trường bán trú, miễn học phí với học sinh dân tộc thiểu số khó khăn, trợ cấp tiền, gạo cho các em đi học... Ngoài ra, Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Điện Biên Đông cũng phát động mỗi thầy giáo, cô giáo, mỗi nhà trường đều chủ động tìm kiếm giải pháp thắp sáng con chữ vùng cao. Ở các trường, việc triển khai rút kinh nghiệm, tổ chức sinh hoạt chuyên môn cụm đưa những trường có điều kiện thuận lợi, có chất lượng tốt lên sinh hoạt cụm với những trường đặc biệt khó khăn nhằm trao đổi kinh nghiệm, qua đó đã góp phần quan trọng thúc đẩy phổ cập giáo dục, đổi mới phương pháp trong mỗi nhà trường.
Trên thực tế, yếu tố bản sắc văn hóa thôn, bản luôn gắn bó với giáo dục vùng cao. Những hoạt động xã hội hóa giáo dục, tuyên truyền, vận động để các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể, các tổ chức xã hội và đặc biệt là nhân dân nhận thức rõ việc cho con em đến trường, đến lớp sẽ mang lại lợi ích lâu dài trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Huy động cao nhất trẻ em trong độ tuổi ra lớp, nhất là quan tâm duy trì sĩ số và hiệu quả đào tạo đối với con em dân tộc thiểu số.
Thực tế, đã và đang có hàng loạt những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho giáo dục vùng cao như huyện Điện Biên Đông phát triển. Song điều quan trọng hơn cả vẫn là cần củng cố, phát triển mô hình trường bán trú; bảo đảm học sinh có chỗ ở an toàn, đủ ăn, đủ mặc và đủ sách học. Bên cạnh đó, dạy tiếng phổ thông cũng cần gắn với tăng cường dạy tiếng dân tộc thiểu số để vừa phát triển giáo dục, vừa giữ gìn yếu tố bản sắc văn hóa dân tộc. Phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, quan tâm đời sống của đội ngũ giáo viên ở các vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Ngoài ra, cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường lớp, trang bị các đồ dùng thiết yếu để phục vụ sinh hoạt và học tập, xây dựng nhà bếp đảm bảo theo yêu cầu cơ bản để học sinh tự nấu ăn. Bên cạnh đó, cũng cần đầu tư xây dựng các công trình vệ sinh, nước sinh hoạt theo quy mô phù hợp số lượng học sinh nội trú của từng trường. Việc tăng cường trang thiết bị, đồ dùng dạy, học cho đội ngũ giáo viên và học sinh; xây dựng sân chơi, bãi tập tạo điều kiện cho các em hoạt động tập thể nội, ngoại khóa....cũng là vấn đề cần được chính quyền các địa phương, các nhà quản lý quan tâm đặc biệt. Những vấn đề nêu trên cũng chính là lời giải cho bài toán giáo dục vùng cao, góp phần mang tiếng cười tươi vui cho các em học sinh dân tộc thiểu số vùng cao mỗi khi đến trường./.
Minh Thịnh - Duy Hưng.