Công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ngày càng đi vào chiều sâu, thực sự "trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược".
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: TTXVN |
Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022, đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; các Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội Chính Trung ương, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Phan Đình Trạc dự Hội nghị.
Tham gia hội nghị có các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt các ban, bộ, ngành Trung ương và toàn bộ 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với gần 500 đại biểu dự họp trực tiếp và hơn 80.000 đại biểu dự họp trực tuyến tại hơn 4.000 điểm cầu trong cả nước đã thể hiện ý thức trách nhiệm, tinh thần nghiêm túc và quyết tâm cao của toàn Đảng trong việc kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Nhìn lại công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2012 - 2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ngày càng đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả cụ thể, rất quan trọng, toàn diện, để lại dấu ấn tốt và thực sự "đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược".
Trong 10 năm qua, các cơ quan chức năng đã thi hành kỷ luật 2.740 tổ chức đảng, hơn 167.700 cán bộ, đảng viên, trong đó có 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng; đã kỷ luật 170 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; 29 Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương; 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, cả những vụ tồn đọng, kéo dài từ nhiều năm trước với nhiều cán bộ cấp cao bị xử lý hình sự đã được xử lý dứt điểm.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: TTXVN |
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Nhìn lại chặng đường 10 năm kể từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, đến nay, nhất là sau 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng với ý chí và tinh thần trách nhiệm cao, với sự nỗ lực phấn đấu, chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của chúng ta đã thu được nhiều kết quả quan trọng.
Không phải như một số ý kiến cho rằng, nếu quá tập trung vào chống tham nhũng sẽ làm "nhụt chí", "chùn bước" những người dám nghĩ, dám làm, làm "chậm" sự phát triển đất nước mà hoàn toàn ngược lại, chính nhờ làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại, đặc biệt là góp phần lấy lại và củng cố niềm tin của nhân dân, bác bỏ luận điệu sai trái của các thế lực xấu, thù địch, chống đối cho rằng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm là "đấu đá nội bộ", "phe cánh".
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh rút ra nhiều bài học quý, có giá trị cả về mặt lý luận và thực tiễn, đây chính là cơ sở để thực hiện các nhiệm vụ giải pháp trong thời gian tới. Trong đó, Tổng Bí thư đặc biệt nhấn mạnh nâng cao nhận thức, tinh thần, ý thức, đạo đức, xây dựng liêm chính, chống tha hoá, biến chất.
Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Phải kiên trì giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về đức tính liêm khiết, chính trực; xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực. Mọi cán bộ, đảng viên phải ghi nhớ sâu sắc lời căn dặn của Bác Hồ rằng: Đảng ta là đảng cầm quyền; Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Đảng phải luôn luôn dựa vào dân, lắng nghe dân, gắn bó máu thịt với nhân dân; việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm và làm cho bằng được. Ngược lại, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh. Việc gì nhân dân không đồng tình, thậm chí căm ghét, phản đối thì phải cương quyết ngăn ngừa, uốn nắn và xử lý nghiêm các sai phạm. Cán bộ, đảng viên, trước hết là người lãnh đạo phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân có hành vi tham nhũng, tiêu cực".
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tin tưởng từ những kết quả và kinh nghiệm đạt được trong thời gian qua, tham nhũng, tiêu cực nhất định sẽ bị ngăn chặn, đẩy lùi; góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh, và xứng đáng với niềm tin yêu, sự mong đợi của nhân dân.
Link: https://vtv.vn/chinh-tri/cong-tac-dau-tranh-phong-chong-tham-nhung-da-tro-thanh-phong-trao-xu-the-khong-the-dao-nguoc-2022063012000121.htm
Theo VTV