Năm 2023 sẽ giám sát chuyên đề quản lý nguồn lực phòng dịch, đổi mới SGK

Thứ Ba, 19/04/2022, 14:28 [GMT+7]

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn 4 chuyên đề giám sát năm 2023 để trình Quốc hội, trong đó có chuyên đề về quản lý nguồn lực phòng dịch và đổi mới sách giáo khoa.

D
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung

Lựa chọn 4 chuyên đề giám sát năm 2023 để trình Quốc hội

Sáng 19//4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023.

Trên cơ sở tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến của các cơ quan, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đã nêu dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023 như trong Báo cáo đầy đủ.

S
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nêu dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023

Trong đó, đối với giám sát chuyên đề, trên cơ sở kết quả lựa chọn của Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban và các Ban, Tổng Thư ký Quốc hội đã tổng hợp và xin ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội và Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách lĩnh vực. Theo đó, năm 2023, Quốc hội giám sát 2 chuyên đề và Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát 2 chuyên đề, được lựa chọn trong số 5 chuyên đề cụ thể như sau:

Chuyên đề 1: Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Chuyên đề 2: Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030).

Chuyên đề 3: Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Chuyên đề 4: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển nguồn năng lượng tái tạo.

Chuyên đề 5: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công giai đoạn 2015-2020.

Về các đề xuất liên quan việc triển khai chính sách tài khóa, tiền tệ, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biêt, Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất (tháng 01-2022). Theo đó, việc triển khai thực hiện Nghị quyết này sẽ được Chính phủ báo cáo và các cơ quan của Quốc hội tiến hành thẩm tra, Kiểm toán nhà nước tổ chức kiểm toán để báo cáo Quốc hội tại các kỳ họp cuối năm 2022 và 2023, báo cáo tổng kết tại kỳ họp giữa năm 2024.

"Nếu tổ chức giám sát chuyên đề này sẽ có nhiều nội dung, hoạt động trùng lắp với cách thức tiến hành thẩm tra, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết; bên cạnh đó, trong quá trình tổng kết Nghị quyết về nội dung này sẽ có sự tham gia phối hợp của Ủy ban Kinh tế và các cơ quan của Quốc hội để thẩm tra việc thực hiện hàng năm" - ông Cường nêu rõ.

Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn 4 trong số 5 chuyên đề. Với 4 chuyên đề được lựa chọn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội lựa chọn 2 chuyên đề để giám sát tối cao (2 chuyên đề còn lại giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát và báo cáo Quốc hội).

Giám sát những vấn đề quan trọng, nổi cộm, bức thiết

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, các chuyên đề trong dự kiến chương trình giám sát đều là những vấn đề quan trọng.

Trong đó, vấn đề huy động nguồn lực phòng chống dịch là vấn đề rất lớn và đang được thanh tra, cử tri và người dân muốn làm rõ. Nền tảng kết quả thanh tra, kiểm toán của các cơ quan chức năng để làm cơ sở giám sát, qua đó việc giám sát sẽ tiếp tục làm sâu sắc hơn những kết quả đó để báo cáo với cử tri và nhân dân cả nước.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, chuyên đề giám sát về năng lượng hay điện lực thì cần cân nhắc phạm vi, cụ thể thời gian.

D
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu

Liên quan ý kiến đề xuất giám sát về đầu tư công, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, vừa qua đã sửa đổi Luật Đầu tư công nên giám sát sẽ không có gì nổi cộm. Tuy nhiên, sang năm 2024, Quốc hội dự kiến sẽ giám sát đường cao tốc, các dự án trọng điểm quốc gia như sân bay Long Thành... Đây là những vấn đề liên quan mật thiết đến đời sống dân sinh, nhất là năm nay Trung ương chuẩn bị thông qua Nghị quyết về tam nông...

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng có ý kiến về chuyên đề 1. Theo đó, nội dung chuyên đề hơi rộng và cần tập trung vấn đề nguồn lực, đầu tư cho y tế dự phòng.

Về việc này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, dù chuyên đề 1 có phạm vi rộng nhưng các cơ quan giám sát cũng đã có kinh nghiệm khi thực hiện giám sát, khoanh các vấn đề trọng tâm, trọng điểm, các vấn đề nổi cộm, bức thiết.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đánh giá, các nội dung trong chương trình giám sát phù hợp, bám sát các quy định, cũng là các vấn đề nổi lên trong đời sống xã hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, thông qua phiếu xin ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn 4 chuyên đề 1, 2, 3, 4 trình Kỳ họp thứ 3 để Quốc hội lựa chọn 2 chuyên đề giám sát tối cao (2 chuyên đề còn lại giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát và báo cáo Quốc hội).

4 chuyên đề giám sát năm 2023 được lựa chọn trình Kỳ họp thứ 3

Chuyên đề 1: Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Chuyên đề 2: Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030).

Chuyên đề 3: Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Chuyên đề 4: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển nguồn năng lượng tái tạo.

Link: https://vtv.vn/chinh-tri/nam-2023-se-giam-sat-chuyen-de-quan-ly-nguon-luc-phong-dich-doi-moi-sgk-20220419112454107.htm

 

 

Theo VTV
 

.