Hội nghị triển khai công tác Tư pháp năm 2022
Điện Biên TV - Sáng 21/12, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2022. Dự và chủ trì Hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; đồng chí Lê Thanh Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Dự hội nghị tại điểm cầu Điện Biên có đồng chí Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Điểm cầu tỉnh Điện Biên. |
Năm 2021, ngành Tư pháp đã tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội thông qua 2 luật, 5 nghị quyết và cho ý kiến đối với 5 dự luật khác. Trong đó, có nhiều nội dung quan trọng, liên quan đến quốc kế dân sinh, phòng, chống dịch bệnh Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, thực hiện nhiều hoạt động ghi nhận nhiều kết quả nổi bật như: Thẩm định trên 7.000 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; nỗ lực thực hiện công tác thi hành án, hoàn thành 500.000 việc với trên 45.000 tỷ đồng; đẩy mạnh thực hiện Đề án cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, ghi nhận trên 6 triệu dữ liệu khai sinh đủ điều kiện, trên 4 triệu dữ liệu kết hôn và 3 triệu dữ liệu khai tử. Tổ chức trên 600.000 cuộc tuyên truyền pháp luật trực tiếp, phát trên 68 triệu bản tài liệu tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật.
Tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ giúp Chính phủ xử lý các vấn đề pháp lý phát sinh trong hội nhập quốc tế. Thẩm định 31 điều ước quốc tế, cấp 11 ý kiến pháp lý cho các hiệp định vay nước ngoài, tích cực đàm phán các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. Với những kết quả nêu trên, Việt Nam đã xếp thứ 44, tăng 6 bậc so với năm 2020 về Chỉ số cải thiện chất lượng các quy định pháp luật thuộc Bộ chỉ số Đổi mới sáng tạo do Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới đánh giá.
Năm 2021, Sở Tư pháp tỉnh Điện Biên đã thẩm định 33 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức trên 11.000 cuộc tuyên truyền pháp luật trực tiếp cho gần 780.000 lượt người, tiến hành hòa giải thành công hơn 1.000 vụ việc, góp phần giữ gìn an ninh, trật tự tại địa phương.
Năm 2022, Bộ Tư pháp đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tham mưu thể chế hóa những định hướng chính sách lớn, then chốt trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng, các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; tiếp tục thực hiện hiệu quả các nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự, tích cực tham mưu với Chính phủ trong việc giải quyết các vụ việc tranh chấp phức tạp trong hoạt động đầu tư quốc tế,…
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ ra một số vấn đề cần khắc phục gồm: Nguồn lực về nhân sự và cơ sở vật chất chưa tương xứng với yêu cầu đột phá, nhận thức và vai trò về xây dựng và thực thi pháp luật chưa đúng tầm.
Thủ tướng đề nghị: Ngành Tư pháp nói riêng, các cấp, các ngành nói chung bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo để thể chế hóa đường lối chủ trương của Đảng; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và huy động trí tuệ tập thể, sức mạnh của người dân để xây dựng, phổ biến, thực thi và giám sát pháp luật./.
Nhật Oanh - Duy Hải/DIENBIENTV.VN