Khai mạc phiên họp thứ 49 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Chiều 12/10 tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 49 cho ý kiến về một số nội dung trình Quốc hội và chuẩn bị kỳ họp thứ 10 dự kiến khai mạc vào ngày 20/10 tới.
Khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh những nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp gồm có các vấn đề còn ý kiến khác nhau của các dự án luật như: dự án Luật bảo vệ môi trường, sửa đổi hai dự thảo Nghị quyết của Quốc hội; vấn đề tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh; thí điểm và việc giải quyết vướng mắc liên quan đến đất quốc phòng, an ninh, đồng thời cho ý kiến về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước 2021 và phân bổ dự toán ngân sách Trung ương năm 2021 và nhiều vấn đề khác liên quan đến vấn đề phát triển kinh tế-xã hội. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên Ủy ban TVQH dành thời gian thỏa đáng cho ý kiến để kịp trình Quốc hội.
Toàn cảnh Khai mạc Phiên họp thứ 49 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. |
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: “Chúng ta phải dành thời gian để nghiên cứu và cho ý kiến các tài liệu trình ra tại phiên họp thường vụ hôm nay. Đây là phiên họp để chuẩn bị cho khai mạc Quốc hội và là phiên họp thường vụ trong tháng 10. Do phiên họp kết thúc sát vào ngày khai mạc kỳ họp nên sau khi kết thúc mỗi nội dung, tôi đề nghị các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan của Chính phủ phải khẩn trương phối hợp nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện, chỉnh lý hồ sơ các báo cáo các dự thảo nghị quyết các dự thảo luật để kịp trình ra Quốc hội”.
Tiếp đó, thảo luận về giám sát chuyên đề: “Việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên, một số ý kiến cho rằng, bên cạnh những thuận lợi vẫn còn nhiều hạn chế, thách thức mà Việt Nam vẫn phải đối mặt như: Giá trị gia tăng đóng góp trong chuỗi giá trị toàn cầu của Việt Nam thấp, tỉ lệ tận dụng chứng nhận xuất xứ (CO) thấp, áp dụng rào cản kỹ thuật đối với hàng hóa dịch vụ nhập khẩu; xử lý tranh chấp trong tương lai; những nội dung về lao động, sở hữu trí tuệ, tham nhũng trong các FTA.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho rằng: “Một vấn đề rất quan trọng, đó là hệ thống pháp lý và kinh doanh quốc tế của Việt Nam. Báo cáo đặt ra rồi, sắp tới phải nhìn nhận kỹ vấn đề này, đó là những nội dung liên quan đến cạnh tranh, kiện tụng quốc tế trong đó xuất hiện vấn đề là kinh nghiệm chúng ta như thế nào để “chơi” với quốc tế và chuyên gia của chúng ta có đủ sức để chơi trong cuộc cạnh tranh quốc tế như thế nào. Hiện nay vấn đề thứ hai theo tôi nghĩ trong báo cáo có đặt ra những chúng ta phải nhìn rõ hơn về hệ thống pháp lý kinh doanh quốc tế mà chúng ta phải tham gia vào luật chơi quốc tế”
Liên quan đến quá trình tiếp thu công nghệ khi các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho rằng, cần phân tích hướng có lợi nhất cho Việt Nam.
“Thu ngân sách nhà nước từ các chuyển giao công nghệ này ở trong báo cáo đã nêu, vậy cái đưa lại, cái họ tạo nên hình ảnh cho đất nước ta, đó là mỗi năm chúng ta xuất siêu bao nhiêu, xuất khẩu bao nhiêu, tạo vị thế rất đẹp cho chúng ta nhưng thực chất đưa vào ngân sách nhà nước bao nhiêu. Cùng pháp luật như vậy, cơ chế, chính sách như vậy nhưng có nội dung này chúng ta làm tốt còn có những nội dung hạn chế. Vậy bài học từ đâu, từ cái gì nếu trong báo cáo này chúng ta sâu hơn chỗ đó thì rất có ý nghĩa”, ông Phan Xuân Dũng nói.
Khẳng định, việc Quốc hội chọn nội dung giám sát “Việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên” là cần và đúng. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng đề nghị, Chính phủ cùng các thành viên Đoàn Giám sát tiếp thu đầy đủ ý kiến, hoàn thiện các báo cáo đảm bảo tiến độ, chất lượng, hoàn thiện thêm những nội dung còn khó khăn./.
Linh: https://vov.vn/chinh-tri/khai-mac-phien-hop-thu-49-cua-uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-785545.vov
Theo Kim Thanh/VOV