Bất cập việc kiêm nhiệm
Điện Biên TV - Một người vừa là trưởng bản, lại kiêm luôn vị trí công an viên, y tế thôn bản, chi hội trưởnghội nông dân, hội chữ thập đỏ, hội khuyến học…? Hay thậm chí là 70 tuổi vẫn còn phải phụ trách công tác đoàn thanh niên. Bí thư chi bộ là nam giới lại kiêm nhiệm chức danh chi hội trưởng chi hội phụ nữ? Nghe qua đã có vẻ rất…không hợp lý. Nhưng đó lại là thực tế đang diễn ra ở các thôn, bản, tổ dân phố, từ miền núi, nông thôn đến thành thị… tại Điện Biên.
Một vai gánh vác…
6 năm đảm nhiệm cương vị Trưởng thôn đội 14 ở xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên, đến đầu năm nay, ông Bạc Cầm Ún lại có thêm các chức danh mới: Công an viên và y tế bản. Bởi theo Quyết định 33 của UBND tỉnh Điện Biên, công an viên, y tá bản bị cắt phụ cấp hoạt động.
Ông Bạc Cầm Ún, chia sẻ: “Không có phụ cấp, tiền xăng dầu lại càng không nên các nhiều người không mặn mà. Vào ban đêm, các đồng chí phụ trách mảng công an, thôn đội trưởng đêm hôm khuya khoắt có trộm cắp thì mình phải nắm bắt kịp thời để báo cáo. Bản thân tôi kiêm nhiệm cũng được thôi nhưng không được sâu sắc, bài bản. Khi tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng chưa được thấu đáo”.
Còn ở thôn Hưng Thịnh, xã Thanh Hưng, dù đã ở độ tuổi gần 70 tuổi, song ông Phạm Văn Cường vừa làm trưởng thôn, vừa phải kiêm nhiệm thêm chức danh công tác đoàn thanh niên, công an viên, y tế bản và… chi hội trưởng hội nông dân. Không phải nói, cũng hình dung ra được hiệu quả công tác như thế nào, nhất là với công tác Đoàn, được dẫn dắt bởi một thủ lĩnh tuổi…U70.
Tháng 9/2019, huyện Điện Biên đã sáp nhập 243 thôn, bản, đội thành 121 thôn, bản, đội tại 20 xã, giảm được 122 thôn bản và hơn 1.100 người không chuyên trách ở thôn bản. Đa phần các chức danh được hưởng phụ cấp là trưởng thôn, bản, Bí thư chi bộ và Trưởng Ban công tác Mặt trận đều phải kiêm nhiệm các chức danh trưởng các tổ chức đoàn thể tại thôn, bản.
Một cán bộ thôn, bản, tổ dân phố phải kiêm nhiệm nhiều chức danh đang gây không ít khó khăn cho chính họ. (Trong ảnh: Anh Hồ A Cáng, xã Sa Lông, huyện Mường Chà gặp gỡ, nắm bắt tình hình tại một hộ gia đình trong bản). |
Không thể phủ nhận việc sáp nhập thôn, bản, tổ dân phố góp phần thu gọn đầu mối, tinh giản số lượng người hoạt động không chuyên trách, qua đó giảm chi ngân sách Nhà nước. Song việc kiêm nhiệm nhiều chức danh khiến hoạt động quản lý nhà nước lẫn hoạt động phong trào ở cấp gần dân nhất gặp rất nhiều bất cập.
Không chỉ có huyện Điện Biên, chuyện 1 người làm việc của cả thôn… cũng đang là khúc mắc ở nhiều nơi khác của tỉnh. Đang làm trưởng bản thì đầu năm nay, anh Hồ A Cáng ở xã Sa Lông huyện Mường Chà cũng phải làm thêm phần việc của chi hội nông dân, chữ thập đỏ, hội khuyến học và công an viên. Bởi vậy, nhiệm vụ gánh nặng thêm, mà đôi khi công việc lại không như ý.
Cũng giống như anh Cáng, anh Lò Văn Vấn, trưởng bản Mường Mươn 2, xã Mường Mươn, huyện Mường Chà có 1 người nhưng phải làm luôn phần việc của công an viên, thôn đội trưởng và hội nông dân. Khối lượng công việc ngày một nhiều, trong khi đặc thù hoạt động tại mỗi tổ chức hội lại khác nhau, điều này khiến dù tuổi trẻ, năng động và không ngại khó, nhưng lắm lúc, mọi thứ cũng chẳng hề suôn sẻ như trước.
Cuối năm 2019 huyện Mường Chà đã thực hiện việc sắp xếp số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã theo đúng quy định của UBND tỉnh Điện Biên. Theo đó, cấp xã giảm 109 người; cấp thôn, bản, tổ dân phố giảm 905 người. Không còn phụ cấp, mức bồi dưỡng ít, nhiều người không còn mặn mà với công việc đã nhiều năm gắn bó…
Ông Nguyễn Thành Long - Trưởng phòng Nội vụ huyện Mường Chà, cho biết: “Hiện nay đối với các bản, tổ dân phố còn lại 3 chức danh chủ chốt được hưởng phụ cấp theo Quyết định 33 của tỉnh, tổng số đối tượng hiện huyện đang thực hiện chi trả khoảng 306 người. Một số công việc của các đồng chí được hưởng phụ cấp nói thật cũng bao quát hơn nhiều so với trước đây. Đối với những chức danh không được hưởng phụ cấp mà hưởng khoán kinh phí. Khi hưởng thấp đi tư tưởng, tâm lý của các đồng chí cũng thấy thiệt thòi khi thực hiện công việc mà không được hưởng phụ cấp cũng khó trong thực hiện nhiệm vụ tại địa phương”.
Dở khóc, dở cười
Với đặc thù địa bàn rộng, dân cư sống rải rác, giao thông cách trở, nên công việc của các trưởng bản trước đây vốn đã vất vả nay lại càng khó khăn, vất vả hơn. Mỗi tổ chức hội, mỗi lĩnh vực lại có đặc thù hoạt động riêng nên đôi khi, phát sinh những chuyện dở khóc, dở cười.
Vốn là Bí thư chi bộ, nhưng 9 tháng nay, ông Bùi Xuân Khiêm phải làm thêm vai trò Chi hội trưởng chi hội phụ nữ của tổ dân phố. Song do khác giới nên việc triển khai các phong trào thi đua của Hội phụ nữ cho chị em nhiều khi bối rối, nhất là khi tuyên truyền cho chị em về các biện pháp tránh thai, sinh đẻ có kế hoạch...
Nam giới phải kiêm nhiệm chức vụ Chi hội trưởng chi hội phụ nữ - chuyện dở khóc, dở cười. |
Cũng giống như ông Bùi Xuân Khiêm, anh Tòng Văn Hoài, Bí thư chi bộ; trưởng bản Xôm, xã Quài Tở, huyện Tuần Giáo cũng kiêm luôn Chi hội trưởng chi hội phụ nữ ở bản. Việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cũng như tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ tham gia các phong trào, hay thực hiện chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình vốn rất dễ dàng với nữ giới, nhưng với anh Hoài trở nên khó khăn vô cùng. Bởi chi hội trưởng là nam giới nên đa phần chị em đều ngại ngùng, xấu hổ và lảng tránh, thậm chí…không gặp mặt.
“Một nam giới phải kiêm nhiệm thêm công tác hội phụ nữ khiến tôi gặp không ít khó khăn. So với phụ nữ làm công tác hội thì, nam giới như tôi thật khó có thể gần gũi để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, chia sẻ những vấn đề mà phụ nữ quan tâm” – anh Hoài nói.
Thực tế ở Điện Biên cho thấy, do chỉ có 3 người hoạt động ở thôn, bản, tổ dân phố được hưởng phụ cấp nên các chức danh như: Hội phụ nữ, hội nông dân, hội chữ thập đỏ, hội cựu chiến binh, khuyến học, thôn đội trưởng, công an viên … đồng loạt nộp đơn xin nghỉ việc. Trong khi đó các tổ chức này lại có tính đặc thù về giới tính, độ tuổi, lịch sử công tác. Và như một lẽ tất yếu, việc nhiều, người ít, không chuyên đã dẫn đến hoạt động ở cơ sở đôi lúc lâm vào tình trạng làm không được, bỏ không xong…
Nhóm PV/DIENBIENTV.VN