Từ phiên xét xử vụ AVG: Bài học về thu hồi tài sản, củng cố niềm tin

Thứ Hai, 30/12/2019, 08:18 [GMT+7]

Nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam - Phạm Thế Duyệt cho rằng việc xử lý cán bộ sai phạm, thu hồi tài sản sẽ tăng niềm tin cho nhân dân.

Ngày 28/12, Tòa tuyên phạt ông Nguyễn Bắc Son bản án Chung thân về tội Vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng và tội Nhận hối lộ. Từ vụ Tổng Công ty Viễn thông MobiFone (MobiFone) mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) cho thấy, một trong những bài học được rút ra, đây là vụ án điển hình về khắc phục hậu quả, từ giai đoạn thanh tra, kiểm tra đã thu hồi hơn 8.000 tỷ đồng, số tiền đưa hối lộ và nhận hối lộ đã được Nhà nước thu hồi. Như vậy, mục đích cao nhất trong các vụ án kinh tế tham nhũng không chỉ là phạt tù các đối tượng mà điều quan trọng nhất là thu hồi được tài sản bị chiếm đoạt, khắc phục hậu quả thiệt hại về kinh tế.

d
Các bị cáo tại phiên xét xử. (Ảnh: Anh Sơn)


Ông Nguyễn Bắc Son phải lĩnh bản án 16 năm tù về tội Vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng, chung thân với tội Nhận hối lộ. Áp dụng hình phạt chung là chung thân. Dư luận cho rằng đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Tòa án đã xử nghiêm minh, đúng người đúng tội cho nên nghị án được đồng tình.

Đồng tình không những với những người tham gia phiên tòa mà đồng tình cả những luật sư, bào chữa cho bị can và cả cơ quan tố tụng, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật. Theo dõi diễn biến phiên tòa cho thấy, thành công của phiên tòa còn ở ý nghĩa giáo dục. Càng nghiêm minh về pháp luật bao nhiêu thì càng thể hiện ý nghĩa giáo dục, thể hiện sức mạnh của chế độ và của hệ thống chính trị.

Theo ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam thì: bản án nghiêm minh thể hiện quyết tâm của Đảng, giữa nói và làm, giữa Nghị quyết và hành động: “Tòa xử nhân dân theo dõi rất chặt chẽ và đồng tình. Nhân dân hoan nghênh không chỉ những đồng chí có trách nhiệm lớn Đảng cũng thẳng thắn, không cấm đoán mà ai có lỗi đều phải xem xét. Cộng với việc Đảng có quyết tâm xử lý cán bộ có trách nhiệm để góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng chắc chắn được lòng dân và nhân dân hoan nghênh”.

Qua quá trình tố tụng, xét hỏi, xét xử trước tòa cũng cho thấy những người vi phạm đã thức tỉnh. Chính sự thức tỉnh đó có ý nghĩa quan trọng. Các bị can đều thành khẩn, nhận lỗi và xin lỗi trước Đảng, Nhà nước và nhân dân. Thức tỉnh lương tâm, trách nhiệm những người đã phạm tội, đấy là dấu hiệu đáng mừng của nền pháp chế xã hội chủ nghĩa, đảm bảo nghiêm túc nhưng mở đường trước sự thức tỉnh.

d
Cựu Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Bắc Son đã bị tuyên mức án Chung thân trong vụ án này. (Ảnh: Trọng Phú)

Những lời xin lỗi của 2 nguyên bộ trưởng cũng đáng suy nghĩ. Đó cũng là kết quả của quá trình giáo dục, quá trình tố tụng, quá trình thực hiện xử lý vụ án mang lại kết quả. Một điều đặc biệt qua vụ án này cho thấy, đây là vụ án điển hình về khắc phục hậu quả, từ giai đoạn thanh tra, kiểm tra đã thu hồi hơn 8.000 tỷ đồng, số tiền đưa hối lộ và nhận hối lộ đã được Nhà nước thu hồi.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Trọng Phúc, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định: Bài học từ vụ án cho thấy, thu hồi tài sản phải theo quy trình pháp luật và quyết tâm thì đều có thể làm được. Nếu cứ sợ, nể nang, dĩ hòa vi quý, thậm chí động lòng thì không thu hồi được.
Ông Nguyễn Trọng Phúc cho rằng: “Tiền mà doanh nghiệp hối lộ 2 cựu Bộ trưởng đã thu hồi cơ bản. Tôi cho rằng việc thu hồi tài sản là việc lớn và cũng là trách nhiệm không chỉ xử phiên tòa là xong mà còn hậu phiên tòa nữa, tức là thi hành án cho tốt. Thi hành án thông thường các vụ án tham nhũng việc đưa bị can vào tù thì không khó nhưng thu hồi tài sản là vấn đề khó vì đã phân tán thất thoát nhiều. Nhưng theo tôi nếu kiên quyết, kiên trì, làm việc có bài bản thì chắc chắn công việc đó mang lại hiệu quả tích cực”.

d
Cựu Bộ trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn khai báo tại tòa. (Ảnh: Nam Anh)


Bài học được rút ra cho thấy đối với những vụ việc nào thi hành án nghiêm túc sẽ thu hồi được tài sản bất minh. Ở đây đòi hỏi lực lượng lượng thi hành án phải làm việc bài bản bởi với tội tham nhũng đưa vào tù những bị can không khó khăn, nhưng thu hồi tài sản bị phân tán, đứng tên vợ, chồng, con cái, người thân… là rất khó. Nếu có quyết tâm và làm bài bản làm theo đúng quy trình sẽ thu hồi được. Thiếu tướng, Phó Tư lệnh Quân khu 2 Sùng Thìn Cò cho rằng: Việc kê khai tài sản, thẩm định lại tài sản của cán bộ, quan chức đã là việc khó, nhưng việc phát hiện, chứng minh và thu hồi tài sản bất minh còn khó hơn nữa. Bởi vậy, Luật Phòng chống tham nhũng đã quy định rõ ràng tạo thuận lợi trong quá trình, điều tra, xác minh và thu hồi tài sản tham nhũng.

Thiếu tướng Sùng Thìn Cò cho rằng: “Tài sản bất minh nhiều vấn đề, phải điều tra, xác minh mất nhiều thời gian. Tôi nghĩ là tài sản đã tham nhũng thì không có cánh mà bay. Nó chỉ vào những người thân, người quen, vào những chỗ quen biết thôi chứ chả đi đâu cả. Trước mắt thì cũng khó nhưng về lâu dài thì chắc chắn sẽ thu hồi lại. Đó cũng là mong muốn của Đảng, Nhà nước và nhân dân”.

Tham nhũng đang làm nghèo đất nước. Những vụ án hàng chục nghìn tỷ, trăm nghìn tỷ là tài sản, mồ hôi nước mắt của nhân dân mà nếu chỉ đưa bị can vào tù là xong mà tài sản không thu hồi được là tội lớn trước nhân dân, trước đất nước. Do đó bài học từ vụ xét xử 14 bị cáo trong vụ Tổng Công ty Viễn thông MobiFone (MobiFone) mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) cho thấy cần kiên quyết xử lý và xử lý đến cùng và coi thu hồi tài sản là hiệu quả của vụ án. Có như vậy, mới thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, đúng người, đúng tội được nhân dân đồng tình ủng hộ./.

 

Theo Lại Hoa/VOV.VN

Link: https://vov.vn/chinh-tri/tu-phien-xet-xu-vu-avg-bai-hoc-ve-thu-hoi-tai-san-cung-co-niem-tin-995057.vov

 

.