Vì sao Bác dạy "Học để làm việc, làm người, rồi mới làm cán bộ"?

Thứ Tư, 28/08/2019, 06:52 [GMT+7]

Việc không ít cán bộ đi ngược lại tư tưởng của Bác sẽ dẫn đến hệ luỵ là chúng ta có một đội ngũ cán bộ không đủ phẩm chất.

Năm 1949, khi phát biểu khai giảng lớp học tại trường Đảng Trung ương Nguyễn Ái Quốc, Bác nói: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ, học để phụng sự tổ chức, đoàn thể, phục vụ Tổ quốc, dân tộc và nhân loại".

“Học để làm người, làm việc, làm cán bộ” – Những chỉ dẫn của Bác được khắc thành bảng vàng treo ở hội trường lớn Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - nơi đào tạo cán bộ, lãnh đạo lý luận chủ chốt của Đảng và nhà nước ta ở Hà Nội. Đáng buồn hiện nay, nhiều cán bộ cho rằng, mục đích của việc học trước hết để làm cán bộ”.
 

1
Giáo sư, Tiến sĩ Phan Xuân Sơn trong phòng thu của Đài TNVN (VOV)

Nhân kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phóng viên VOV đã có cuộc trao đổi với GS-TS Phan Xuân Sơn – Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh về ý nghĩa những lời dạy của Bác trong thực tiễn hiện nay.

Trước thực trạng không ít cán bộ, công chức đi ngược lại tư tưởng của Bác với mục tiêu đặt ra là học để làm cán bộ rồi mới đến làm việc, làm người, GS.TS Phan Xuân Sơn cho rằng, đó là một điều đáng buồn. Nhiều người đi học là để nhăm nhe về làm quan hay nói cách khác là làm cán bộ quản lý, không tập trung vào trau dồi đạo đức tư cách, chuyên môn nghiệp vụ. Vì thế, việc học có tính hình thức, xao lãng, không đạt được ý đồ của giáo dục nói chung.

“Tôi thấy ở đây có nhiều khía cạnh khác nhau. Thứ nhất là mục đích người đi học. Có không ít người đi học để trải qua một khoá “tráng men” lấy một tiêu chí trong quy hoạch cán bộ, xong tiêu chí rồi về làm việc khác, cho nên việc đi học không được chuyên cần, không được chăm chú, không thực học. Bác Hồ nói rất rõ, học để làm gì, học phụng sự ai và muốn học thì phải thế nào. Thứ hai, nếu công tác cán bộ loại bỏ được những người có thái độ không lành mạnh như vậy thì chắc chắn không có trường hợp đi học theo kiểu hình thức hoặc động cơ đi học của người ta sẽ là đúng đắn. Thứ ba là do nhà trường, tổ chức tuyển dụng giảng dạy, kỷ luật, rèn luyện. Cách tổ chức giảng dạy của nhà trường cũng rất quan trọng ảnh hưởng đến thái độ học tập của người học”, GS-TS Phan Xuân Sơn nhấn mạnh.

Theo GS.TS Phan Xuân Sơn, việc không ít cán bộ đi ngược lại tư tưởng của Bác sẽ dẫn đến hệ luỵ là chúng ta có một đội ngũ cán bộ không đủ phẩm chất, năng lực,  suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham ô, quan liêu, tham nhũng; làm cho quan hệ của Đảng và Nhà nước với nhân dân xấu đi; làm suy giảm lòng tin của nhân dân và nguy cơ nhân dân ngày càng không tin vào sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của nhà nước.
GS.TS Phan Xuân Sơn cho rằng, có ba nguyên nhân chính dẫn đến hệ quả trên. Nguyên nhân thứ nhất là mô hình công vụ của chúng ta không có đủ cơ chế để sàng lọc đội ngũ cán bộ thực việc, thực học. Lẫn vào đó vẫn có những cán bộ nhưng thực ra là cá nhân vì lợi ích bản thân, vì vinh thân, vì gia đình mà chạy bằng cấp, chạy chức vụ.

Nguyên nhân thứ hai là hệ thống tổ chức cán bộ. Hiện nay chúng ta có rất nhiều quy trình khá chặt chẽ và chuẩn. Tuy nhiên, hiện tượng cán bộ vi phạm tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp vẫn còn do tình trạng tham nhũng trong công tác cán bộ sinh ra.

Nguyên nhân thứ ba là do hệ thống các nhà trường. Các nhà trường cũng phải đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, trong đó phải thực hiện lời dạy của Bác Hồ, phải có mục tiêu rõ ràng. Dạy để làm việc, làm cán bộ, dạy để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, phục vụ nhân loại chứ không phải “vinh thân phì gia”, phải vừa học tập vừa rèn luyện phẩm chất, tư cách đạo đức, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và kết quả trong quá trình học tập rèn luyện phải gắn với quá trình đề bạt, thăng tiến của cán bộ.

Hiện nay, Đảng ta đang hết sức quan tâm đến công tác cán bộ, đặc biệt là trong giai đoạn chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng. Theo GS.TS Phan Xuân Sơn, việc lựa chọn cán bộ thực sự phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân thì cần đảm bảo những yêu cầu nhất định.

“Đất nước ta hàng ngàn năm có truyền thống học hành, thi cử và nhờ học hành, thi cử mới có kiến thức, mới có thực tế và mới có thể làm việc được. Hiện nay có khuynh hướng bài trừ bằng cấp cũng không đúng, phải đặt vấn đề bằng cấp tương xứng nhưng chủ yếu là lựa chọn trong công việc, lựa chọn những người gắn bó với công việc của dân. Những người đó thể hiện được khả năng, bản lĩnh, năng lực thì chúng ta đào tạo, bồi dưỡng và đề bạt”- GS-TS Phan Xuân Sơn nhấn mạnh./.

 

 

Theo Thu Huyền/VOV

.