Thi đua ái quốc không phải là "chạy thi đua", "chạy thành tích"

Thứ Tư, 12/06/2019, 06:24 [GMT+7]

Đó là khẳng định của PGS-TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khi nói về phong trào thi đua ái quốc.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người không ưa hình thức, phô trương, Người phê bình nghiêm khắc cách làm việc không thiết thực của cán bộ, đảng viên cũng như của tổ chức nào mắc phải căn bệnh này.

Đối với phong trào thi đua ái quốc cũng vậy. Dễ nhận thấy hiện nay các phong trào thi đua ở các cấp nhiều khi còn mang tính hình thức, vẫn còn hiện tượng đối phó “phát mà không động”, “đánh trống bỏ dùi”. Đặc biệt, còn một bộ phận cán bộ công chức mang nặng tư duy cửa quyền, thiếu nêu gương và có trách nhiệm với dân. Do đó, thi đua thực hiện văn hóa công sở, đạo đức công vụ, dốc lòng phục vụ nhân dân, phụng sự tổ quốc là một trong những yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.
 

1
Thi đua thực hiện văn hóa công sở, đạo đức công vụ là một trong những yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.


Theo quan điểm Hồ Chí Minh, thi đua là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới và phải tiến hành thường xuyên, liên tục, hàng ngày. Thi đua yêu nước gắn với khen thưởng xứng đáng chính là động lực phát triển đất nước.

Thực hiện lời kêu gọi của Người, 71 năm qua, nhiều phong trào thi đua yêu nước đã cổ vũ, khơi dậy tinh thần yêu nước, trí tuệ của người Việt Nam. Mặc dù đạt được nhiều kết quả quan trọng, tuy nhiên, nhiều nơi thi đua còn bị chi phối bởi tâm lý chủ quan, bè phái, chưa tạo động lực tinh thần và sức mạnh tổng hợp, thi đua chưa thực sự trở thành yếu tố quan trọng để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội. PGS-TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: mỗi dịp kỷ niệm ngày thi đua ái quốc là dịp để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta chấn chỉnh lại, kiểm tra giám sát, đánh giá đúng để không có câu chuyện “chạy thi đua”, “chạy thành tích”.
 

1
PGS-TS Lê Quốc Lý - Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh


Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Quốc Lý cho biết: “Chúng ta cần làm đến nơi đến chốn và kiểm soát kỹ càng và kết quả thi đua ấy phải ra kết quả gì, sản phẩm gì, chứ không phải thứ chung chung, không phải những báo cáo trên giấy. Phải thấy thi đua đem lại cho tập thể những gì, đem lại cho nhân dân những gì? Một địa phương nói thi đua tốt thì địa phương đó phải giàu lên, phải phát triển lên, nhân dân phải phấn khởi hơn, xã hội đầm ấm hơn, không có tội phạm, tệ nạn, không còn người nghèo. Thi đua cá nhân điển hình, có những người được thành tích suất sắc mà tập thể đó ì ạch, vẫn kém, không có gì thay đổi thì đều là hình thức”.

Thực hiện lời dạy của Người, thời gian qua, đội ngũ công chức, viên chức ngày càng hoàn thiện và hướng đến sự chuyên nghiệp, phong cách giao tiếp ứng xử đã có những tiến bộ rõ rệt. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn đâu đó một bộ phận cán bộ công chức mang nặng tư duy cửa quyền, thiếu trách nhiệm với dân, có lời nói, hành xử không chuẩn mực, không tôn trọng cấp trên, thiếu công bằng với cấp dưới gây bức xúc trong nhân dân. Điều đó cho thấy, thi đua thực hiện văn hóa công sở, đạo đức công vụ, dốc lòng phục vụ nhân dân, phụng sự tổ quốc là yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Văn Tình, Tổng thư ký Hội ngôn ngữ học Việt Nam khẳng định: “Hành chính công chức phải có cách ứng xử ngôn từ cho phù hợp, bởi vì đó cũng là 1 phần phản ánh trình độ, phẩm chất, cách thức ứng xử của một người đại diện cơ quan công quyền. Khi đối thoại với dân, người ta cảm thấy có sự tôn trọng và đi đúng vấn đề trong công việc, không lan man, mỗi bối cảnh giao tiếp đòi hỏi nghi thức giao tiếp phù hợp”.
 

1
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Văn Tình, Tổng thư ký Hội ngôn ngữ học Việt Nam.


Tại lễ phát động Phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức, thi đua thực hiện văn hóa công sở” diễn ra giữa tháng 5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương đã yêu cầu cán bộ công nhân viên không được bỏ việc, không ăn lạm từng giây, từng phút, từng đồng thuế của người dân. Thực hành làm hết giờ, hết việc, xóa bỏ văn hóa “Sáng cắp ô đi, chiều cắp về”. Thủ tướng nhấn mạnh:“Cần xóa bỏ ngay thứ văn hóa không nhúc nhích, văn hóa để nước đến chân mới nhảy, văn hóa đợi nhắc thì làm, không nhắc cũng làm nhưng làm chậm trễ trong xử lý các nhiệm vụ được giao mà nhân dân cơ quan đang mong đợi”.

Theo Bí thư tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan, mỗi con người khi đã là cán bộ công chức nhà nước thì phải uốn nắn mình trở thành những người mẫu mực, sáng tạo, luôn tận tụy vì lợi ích của người dân, của doanh nghiệp. Trong mọi vị trí và điều kiện công tác phải luôn nỗ lực hoàn thành trách nhiệm được giao, tạo sự tin tưởng và thân thiện của lãnh đạo với đồng nghiệp và người dân. Đặc biệt, tính chuyên nghiệp trong công sở thể hiện ở sự chuyên nghiệp trong giao tiếp, ứng xử với cấp trên, đồng cấp và cấp dưới, biết cách thức tổ chức công việc và hoàn tất công việc được giao.

Ông Lê Minh Hoan cho rằng: “Văn hóa công sở không thể áp đặt bằng mệnh lệnh hành chính đơn thuần với những nội quy, quy định trong công sở. Văn hóa công sở phải được hội tụ, lan tỏa trong lãnh đạo của công sở đó. Văn hóa công sở là cả quá trình bền bỉ, kiên trì, trau dồi, vun đắp để mỗi cán bộ công chức ý thức đầy đủ và chủ động thực hiện. Để những giá trị tích cực, cấp tiến của văn hóa công sở thấm dần, thấm sâu vào từng ngõ ngách của bộ máy. Muốn thực hiện được và mang tính bền vững, người đứng đầu cơ quan đơn vị phải thẩm thấu trọn vẹn những giá trị và biết truyền cảm hứng đến mọi thành viên tự giác thực hiện”.

Văn hóa công sở không thể đong, đo, đếm được trực tiếp mà được hình thành từ trong ý thức từng người, tạo niềm tin, giá trị, động lực, cách ứng xử, làm việc của mỗi cá nhân. Hình thành tác phong, cốt cách của người cán bộ công chức chuyên nghiệp, tận tâm, mẫu mực sáng tạo vì người dân phục vụ. Thực hiện tốt phong trào cán bộ, công chức, viên chức, thi đua thực hiện văn hóa công sở cũng chính là thực hiện lời dạy của Bác về “Cần- Kiệm-Liêm-Chính”./.

 

 

Theo Lại Hoa/VOV

.