Làm sạch đội ngũ chống tham nhũng để giữ niềm tin cho xã hội

Thứ Tư, 19/06/2019, 14:05 [GMT+7]

Để giữ niềm tin cho xã hội, không còn cách nào khác là phải làm sạch từ chính đội ngũ chống tham nhũng trước hết.

Vụ việc nhóm cán bộ thanh tra của Bộ Xây dựng có hành vi nhũng nhiễu khi làm việc tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc khiến dư luận những ngày qua không khỏi bức xúc. Dư luận bức xúc bởi nhóm cán bộ tự tung tự tác, phớt lờ những yêu cầu, chỉ đạo của Đảng, của Tổng Bí thư, của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà, tiêu cực, tham nhũng trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
 

1
Bà Nguyễn Thị Kim Anh, Trưởng đoàn thanh tra của Bộ Xây dựng trong vụ nghi "Vòi tiền" tại Vĩnh Phúc (Ảnh: phapluatplus)


Trước vụ việc này, cuối tháng 4 vừa qua, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hoá quyết định khởi tố bị can, tạm giam 4 tháng đối với 4 cán bộ thanh tra của tỉnh này. 1 trong 4 cán bộ đã có hành vi đe doạ, tống tiền một cơ quan tại huyện Thiệu Hoá và bị công an bắt quả tang khi đang nhận tiền.

Đảng, Nhà nước đã và đang coi đấu tranh phòng, chống tham nhũng là một nhiệm vụ chính trị thường xuyên, liên tục, lâu dài, đặc biệt quan trọng và lấy làm tiêu chí để đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của từng cơ quan, đơn vị. Nhưng những vụ việc vừa xảy ra tác động mạnh mẽ vào niềm tin của nhân dân đối với công cuộc phòng chống tham nhũng.

Nhóm cán bộ thanh tra Bộ Xây dựng hay nhóm cán bộ thanh tra ở tỉnh Thanh Hóa và những đối tượng còn chưa bị phanh phui đang khiến dư luận có cảm giác họ coi thường pháp luật, tự cho mình cái quyền được hạch sách, vòi vĩnh, nhũng nhiễu nhân danh những người thực thi luật pháp.

Để giữ niềm tin cho xã hội, không còn cách nào khác là phải làm sạch từ chính đội ngũ chống tham nhũng trước hết. Ông Lê Văn Cuông, đại biểu Quốc hội các khóa XI, XII của đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa - một trong số các đại biểu đã từng cảnh báo trên diễn đàn Quốc hội việc phải chống tham nhũng từ chính những cơ quan chống tham nhũng và những cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra, cho rằng, vụ việc của nhóm cán bộ thanh tra Bộ Xây dựng là hồi chuông cảnh tỉnh. Đảng, Nhà nước cần “nhốt” quyền lực của lực lượng này, bảo đảm việc thực thi công vụ của họ phải theo đúng quy định của pháp luật, không bị lợi dụng để phục vụ cho lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm.
 

1
Ông Lê Văn Cuông phát biểu trên diễn đàn Quốc hội


“Không thể chấp nhận và không thể đề tồn tại những “con sâu” trong một lực lượng được coi là “tai mắt” của Đảng,  là “thanh bảo kiếm” để chống giặc nội xâm của đất nước”, ông Cuông bày tỏ, đồng thời đề nghị, để làm được điều này, cần đẩy mạnh công tác theo dõi, giám sát, xử lý nghiêm kể cả người đứng đầu đoàn thanh tra, cơ quan thanh tra, bởi lâu nay công tác này chưa được quan tâm đúng mức.

Cũng đã có những vụ việc được phanh phui, phát hiện nhưng việc xử lý rõ ràng chưa đủ tính răn đe. Bởi giải pháp dường như chưa có trong khi luật cũng chỉ quy định chung chung. Vấn đề mấu chốt theo ông Lê Văn Cuông là những quy định cho phép giám sát hoạt động của đoàn thanh tra, các thanh tra viên cũng như cơ quan thanh tra vẫn còn thiếu. Đó chính là kẽ hở, tạo điều kiện cho những “con sâu” đục khoét mà không dễ bị phát hiện.

Từ thực tế làm công tác kiểm tra trước đây, ông Dương Quang Phái, nguyên cán bộ Ủy ban Kiểm tra Trung ương, thừa nhận, không thanh tra kiểm tra thì thôi, chứ “sờ” đến đâu thì ở đó có sai phạm, chỉ là sai phạm ở các mức độ khác nhau. Do vậy khi thanh tra xuống làm việc, nếu làm đúng thì anh phải kết luận sai phạm của đơn vị để sửa chữa. Nếu không đúng đắn, phát hiện sai phạm, anh lại bắt người ta phải chung chi để bỏ qua thì cả hai phía đều đáng lên án.

“Thực tế trên cho thấy, người chống tham nhũng phải có phẩm chất đạo đức. Cùng với đó phải công khai kết luận thanh tra và phải có cơ chế để kiểm tra ngược lại các kết luận thanh tra đó nhằm truy đến cùng trách nhiệm của cơ quan thanh tra, đừng nghĩ như thế là chồng chéo. Làm như thế không chỉ đánh giá cho đúng kết quả thanh tra mà còn đánh giá được phẩm chất đạo đức, năng lực của cán bộ thanh tra.

Tuy nhiên lâu nay chúng ta chưa chú trọng vấn đề này. Kết luận thanh tra có thể đúng, có thể không nhưng đáng nói là sau đó không có ai chịu trách nhiệm về những kết luận đó”, ông Phái nêu quan điểm, đồng thời cho rằng, để có được những cán bộ thanh tra có đủ phẩm chất, năng lực, đỏi hỏi một quá trình xem xét, đánh giá, sử dụng thì mới bố trí đúng cán bộ.

Để cơ quan thanh tra thực sự là thanh bảo kiếm của Đảng, phải xây dựng cho được đội ngũ cán bộ thanh tra vừa có phẩm chất đạo đức vừa có năng lực, tinh thông nghiệp vụ để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm đối tượng vi phạm. Cùng với đó là nghiên cứu hoàn thiện cơ chế pháp luật để quản lý, giám sát quyền lực thanh tra một cách chặt chẽ; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan thanh tra, lãnh đạo đoàn thanh tra, tránh tình trạng cấp dưới vi phạm nhưng người đứng đầu đứng ngoài cuộc./.

Ngày 17/6, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã có công văn số 219-CV/BCĐTW gửi Ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương; các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương, về việc rà soát, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng.

Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký Công điện số 724/CĐ-TTg về việc tăng cường phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ. Đặc biệt, trong Công điện, Thủ tướng yêu cầu rà soát, đánh giá, kịp thời chấn chỉnh, thay thế, loại bỏ những cán bộ không đủ phẩm chất, đạo đức, có nhiều dư luận về tiêu cực, tham nhũng trong các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng, đảm bảo những người trực tiếp làm việc trong các cơ quan này phải thực sự liêm chính, trong sạch.

 
 

 

Theo Hà Thanh/VOV

.