Để y tế cơ sở thực sự là "người gác cổng" của ngành y tế
Mạng lưới y tế cơ sở phát triển và hoạt động hiệu quả sẽ giúp tiết kiệm rất lớn về chi phí, rút ngắn được chênh lệch về chỉ số sức khỏe giữa các vùng, miền
Nhiều năm qua, dù đã góp phần vào công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân khá hiệu quả, đặc biệt là khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, nhưng do chưa bắt kịp với sự phát triển chung của toàn xã hội, hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở (gồm trung tâm y tế huyện và trạm y tế xã) đã và đang nảy sinh nhiều bất cập, tồn tại nhiều khó khăn, thách thức, cần sớm được khắc phục.
1 |
Trẻ em được khám sàng lọc trước khi tiêm ngừa tại Trạm y tế phường ở Đồng Nai (Ảnh: Báo Đồng Nai)
Với mạng lưới rộng khắp, từ đồng bằng, miền núi, vùng sâu, vùng xa, đến biên giới, hải đảo, thời gian qua, mạng lưới y tế cơ sở - được ví như xương sống của ngành y tế đã bảo đảm cho người dân được thụ hưởng quyền chăm sóc sức khỏe ban đầu hiệu quả với chi phí thấp, thuận tiện do không phải đi xa. Thông qua các dịch vụ như: tiêm chủng mở rộng, phòng chống suy dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, dân số - kế hoạch hóa gia đình, khám chữa bệnh thông thường, phục hồi chức năng…, không thể phủ nhận, mạng lưới y tế cơ sở có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo vệ sức khỏe người dân, góp phần an sinh xã hội.
Việt Nam là quốc gia đang phát triển, cùng với mặt tích cực, sự chuyển mình nhanh chóng của kinh tế - xã hội đang kéo theo nhiều hệ lụy, điển hình là tình trạng ô nhiễm môi trường, mất an toàn vệ sinh thực phẩm, tệ nạn xã hội…đã và đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng, tác động xấu đến đời sống và sức khỏe người dân. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều loại bệnh tật, dich bệnh gia tăng theo chiều hướng phức tạp, đòi hỏi khả năng đáp ứng nhanh của ngành y tế. Vậy nhưng đây lại chính là khó khăn, hạn chế lớn với mạng lưới y tế cơ sở.
Do chính sách đãi ngộ chưa thỏa đáng, việc thu hút cán bộ y tế có trình độ, chuyên môn giỏi về công tác tại tuyến cơ sở được ví như “mò kim đáy bể”. Đội ngũ cán bộ thiếu và yếu về chuyên môn khiến đa số các hoạt động khám, chữa bệnh ở y tế cơ sở chỉ duy trì ở mức cầm chừng, không phát triển được kỹ thuật cao. Mỗi khi xuất hiện dịch bệnh, bác sỹ tuyến cơ sở chỉ “đảm đương” được phần ngọn (dập dịch) chứ không thể chữa trị chuyên sâu. Đó là chưa kể cơ sở vật chất, cả về cơ sở hạ tầng lẫn trang thiết bị phục vụ cho việc khám, chữa bệnh tại các tuyến y tế cơ sở luôn trong tình trạng thiếu trầm trọng. Chỉ 6,5% số trạm y tế cơ sở có đủ cơ số phòng theo chuẩn; 30% còn thiếu trang thiết bị cơ bản theo yêu cầu; hầu hết các trạm đều thiếu các thuốc trong danh mục, kể cả các thuốc cho điều trị các bệnh mạn tính, thông thường.
Những yếu tố này dẫn đến một thực trạng đang làm đau đầu những người quản lý ngành y tế hiện nay, đó là sự quá tải bệnh nhân khám, chữa bệnh tại các bệnh viện lớn, trong khi tại các tuyến y tế cơ sở lại vô cùng vắng vẻ. Không ít trạm y tế được công nhận chuẩn Quốc gia, nhưng số bệnh nhân đến khám, chữa bệnh cũng không vượt quá 20 - 30 người trong một tháng, không ít trong số đó đến xin giấy giới thiệu để khám bệnh ở các tuyến trên.
Chưa nói đến nguyên nhân do tâm lý “cố hữu”, chưa thể “một sớm một chiều thay đổi của người dân khi bị bệnh luôn muốn tìm đến những bệnh viện lớn, có uy tín, chất lượng với lý do nhận được sự an tâm, tin tưởng. Nhưng công bằng mà nói thì chính những hạn chế trong quá trình hoạt động tại các trạm y tế cơ sở đã có ảnh hưởng và tác động rất lớn đến số lượng bệnh nhân khi đến khám, chữa bệnh tại đây, bởi họ chưa thể đặt niềm tin vào chất lượng dịch vụ, chất lượng nhân lực y tế của tuyến cơ sở.
Là đơn vị y tế phát hiện bệnh sớm nhất và giải quyết hầu hết những chứng bệnh đơn giản, nếu mạng lưới y tế cơ sở phát triển và hoạt động hiệu quả sẽ giúp tiết kiệm rất lớn về chi phí, rút ngắn được chênh lệch về chỉ số sức khỏe giữa các vùng, miền, cũng như tạo được sự cân bằng, trong hoạt động khám chữa bệnh hiện nay. Để làm được điều này, ngoài việc bản thân cán bộ y tế cơ sở phải thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm, ngành y tế cần có các giải pháp đột phá, khả thi và hiệu quả cho việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, cơ chế tài chính, chính sách thu hút và đãi ngộ cán bộ cho tuyến y tế cơ sở, để mạng lưới y tế cơ sở thực sự là “người gác cổng” của ngành y tế./.
Theo Minh Khánh/VOV