Cần giải quyết hiệu quả những vấn đề bức xúc của người lao động
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cấp chính quyền và công đoàn cần giải quyết hiệu quả những vấn đề bức xúc, cấp bách liên quan trực tiếp đến người lao động.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: TTXVN) |
Đây là yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để đánh giá việc thực hiện quy chế phối hợp công tác và xử lý một số kiến nghị về những vấn đề nổi cộm đối với công nhân.
Đánh giá công tác phối hợp giữa Chính phủ và Tổng liên đoàn lao động Việt Nam ngày càng được tăng cường, giúp mỗi bên hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình nhưng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh: Bên cạnh kết quả này, đời sống của một bộ phận người lao động còn khó khăn, có nơi lương tháng từ 15 - 20 triệu đồng nhưng có nơi lương chỉ 2,5 - 3 triệu đồng. Bên cạnh đó, tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, chiếm dụng, nợ tiền bảo hiểm xã hội vẫn diễn ra. Tai nạn lao động vẫn gây thiệt hại lớn về con người và tài sản với gần 9.000 vụ tai nạn lao động, làm khoảng 9.000 người bị nạn, trong đó có 928 người thiệt mạng.
Ngoài ra, quy định mới về cách tính lương hưu, từ ngày 1/1/2018, đã gây ra bất an với lao động nữ. Đi cùng với đó là tình trạng bất an của lao động nữ trên 35 tuổi tại một số doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có việc làm không ổn định. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Thủ tướng đã nhận được nhiều kiến nghị của lao động nữ về vấn đề này. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có tờ trình Thường vụ Quốc hội và Chính phủ sẽ có Nghị định quy định cụ thể. Một vấn đề lớn khác đang hiện hữu là tình trạng thiếu trường học, nhà văn hóa ở các khu công nghiệp.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và công đoàn các cấp cần phối hợp chặt chẽ nhằm tạo ra các hình thức cung cấp thông tin phù hợp, hiệu quả để mỗi công nhân có kiến thức nhất định về xã hội, về tình hình đất nước, không để kẻ địch nhồi nhét tư tưởng sai trái. Các cấp chính quyền và công đoàn cần giải quyết hiệu quả những vấn đề bức xúc, cấp bách liên quan trực tiếp đến người lao động. Nếu bức xúc ở bộ phận nhỏ không được giải quyết thì sẽ trở thành vấn đề xã hội rất lớn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu Tổng Liên đoàn lao động phối hợp với các bộ, ngành tập trung giải quyết, xử lý các kiến nghị của công nhân, người lao động tại các cuộc đối thoại với Thủ tướng, đặc biệt là tại Hà Nam mới đây. Trong đó có những việc đã được nói đi nói lại, nên từ nay phải làm ráo riết hơn, đó là xây dựng nhà ở cho công nhân ở các khu công nghiệp. Bởi sau gần 1 năm thực hiện Quyết định của Thủ tướng về xây dựng các thiết chế Công đoàn, mới có 20 địa phương xác định được địa điểm. Hơn một nửa trong số này đã triển khai nghiên cứu thị trường và đánh giá các điều kiện đầu tư. Về mức lương tối thiểu cho người lao động ở các doanh nghiệp, Thủ tướng giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nghiên cứu kiến nghị của Tổng Liên đoàn lao động về quy định mức lương tối thiểu khi sửa đổi Bộ Luật lao động.
Thủ tướng cũng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu kiến nghị của Tổng Liên đoàn lao động về việc con công nhân ở các khu công nghiệp không phải đóng học phí trái tuyến, theo tinh thần ở đâu có trẻ em thì các em phải được phổ cập giáo dục theo đúng quy định của pháp luật, không được phân biệt. Thủ tướng cũng giao Bộ Y tế đề xuất giải pháp báo cáo Thủ tướng nhằm đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh có bảo hiểm ngoài giờ làm việc hoặc vào ngày lễ, ngày nghỉ cho công nhân do những ngày bình thường công nhân phải đi làm cả ngày không có thời gian khám, chữa bệnh.
Về giá bán điện cho công nhân thuê nhà trọ, Thủ tướng khẳng định việc nâng giá bán điện cho công nhân sẽ bị phạt tiền từ 7 - 10 triệu đồng theo đúng quy định của Chính phủ. Đây đều là những đề xuất của công nhân tỉnh Hà Nam tại cuộc đối thoại gần đây với Thủ tướng. Về giải pháp tuyển dụng, sử dụng tối đa lực lượng giáo viên hợp đồng đủ tiêu chuẩn bậc học mầm non và phổ thông, Thủ tướng đề nghị Bộ Nội vụ có báo cáo Thủ tướng kết quả rà soát và đề xuất giải pháp ngay trong cuối năm nay.
Theo VTV