Luật tiếp cận thông tin: Cần một chiến dịch truyền thông rộng rãi
Thời điểm Luật tiếp cận thông tin có hiệu lực đã rất gần. Tuy nhiên, để luật nhanh chóng đi vào thực tiễn, còn rất nhiều thách thức ở phía trước.
Luật tiếp cận thông tin sau khoảng 10 năm kể từ khi khởi động, sau 26 tháng kể từ khi được Quốc hội thông qua (19/4/2016), sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2018. Đây là một đạo luật có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc cụ thể hóa quyền con người trong Hiến pháp năm 2013- đó là “quyền được biết” của dân (quyền thiết thực nhất, cơ bản nhất của mỗi con người), là dấu mốc quan trọng trong việc thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia (liên quan đến quyền con người). Việt Nam là nước thứ 122 trên thế giới ban hành Luật tiếp cận thông tin.
Luật tiếp cận thông tin có hiệu lực từ ngày 1/7/2018 |
Công dân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin.
Tuy ra đời muộn hơn so với các nước nhưng Quốc hội Việt Nam rất coi trọng Luật tiếp cận thông tin và có yêu cầu tương đối cao trong việc đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân. Ví dụ như thời hạn chính quyền phải cung cấp thông tin cho người dân, ở Pháp là 1 tháng (nước có Luật tiếp cận thông tin cách đây 40 năm), còn ở Việt Nam, thời hạn này từ 5-15 ngày.
Theo nguyên tắc của luật, mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin. Công dân được tự do tiếp cận thông tin của cơ quan nhà nước; hoặc yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin. Việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
Công dân không được tiếp cận thông tin thuộc bí mật nhà nước, bao gồm những thông tin có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh quốc gia, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ, các lĩnh vực khác theo quy định của luật.
Cần một chiến dịch truyền thông rộng rãi
Thời điểm Luật tiếp cận thông tin có hiệu lực đã rất gần (1/7/2018). Tuy nhiên, để luật nhanh chóng đi vào thực tiễn, còn rất nhiều thách thức ở phía trước. Vì vậy, rất cần một chiến dịch truyền thông rộng rãi.
Trước hết, mỗi người dân Việt Nam cần phải hiểu về quyền của họ trong việc tiếp cận thông tin. Họ có quyền được biết những thông tin thiết thực như quy hoạch đất đai, giao thông, xây dựng, đền bù, giải phóng mặt bằng… Hiện nay, việc công khai và cung cấp thông tin của các cơ quan nhà nước mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu của người dân, chưa tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thông tin một cách chủ động, nhanh chóng và thuận tiện. Trong một số trường hợp đã tạo cơ hội thuận lợi cho một số thông tin không đúng sự thật, gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến trật tự và ổn định xã hội, ảnh hưởng tới sự đồng thuận xã hội trong việc xây dựng và triển khai thực hiện chính sách, pháp luật. Sự bất bình đẳng trong tiếp cận thông tin cũng tạo điều kiện cho một bộ phận cán bộ, công chức lợi dụng vị trí đặc quyền nắm giữ thông tin để trục lợi, tham nhũng, tiêu cực…
Về phía chủ thể cung cấp thông tin, các cơ quan nhà nước cũng cần phải biết được những công việc tới đây là gì, cung cấp thông tin theo yêu cầu của người dân ra sao?. Thông tin được cung cấp phải chính xác, đầy đủ. Việc cung cấp thông tin phải kịp thời, minh bạch, thuận lợi cho công dân, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật... Việc hạn chế quyền tiếp cận thông tin phải do luật định trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.
Thông tin mà người dân có nhu cầu tiếp cận không chỉ do các cơ quan thuộc hệ thống hành pháp mà còn có các cơ quan tư pháp và lập pháp tạo ra. Không chỉ có các cơ quan trung ương mà có cả ở các cơ quan địa phương. Trong đó, UBND cấp xã là nơi tiếp nhận hầu hết các thông tin chính thức của các cơ quan nhà nước cấp trên như các chủ trương, chính sách, văn bản pháp luật… và là cấp cơ sở gần với người dân nhất, nơi cung cấp và giải đáp mọi nhu cầu, vướng mắc cho người dân.
Hiện cả nước có hơn 20.000 xã- phường, khoảng 600 quận- huyện, các sở, cơ quan chuyên môn của các tỉnh, thành phố, các bộ-ngành… Từ ngày 1/7 tới đây, các đơn vị này sẽ phải làm thêm một công việc hoàn toàn mới: Tất cả các văn bản do các cơ quan Nhà nước soạn thảo mà không thuộc danh mục tài liệu mật thì phải chủ động công khai cho người dân biết, đưa lên mạng hoặc cổng thông tin điện tử (những văn bản ra đời từ ngày 1/7/2018). Điều 17 của Luật tiếp cận thông tin quy định 46 danh mục mà người dân có quyền được biết.
Nghị định 13/2018/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật yêu cầu: Mỗi cơ quan nhà nước phải ban hành một quy chế để thực hiện Luật tiếp cận thông tin; xây dựng một danh mục các tài liệu để công khai cho dân biết và xây dựng quy trình để thông tin đó công khai một cách sớm nhất.
Có nhiều hình thức để công khai thông tin, trong đó cách nhanh nhất là đưa lên cổng thông tin điện tử. Mỗi cơ quan nhà nước phải có một đầu mối để cung cấp thông tin rộng rãi cho người dân (không phải là bộ máy mới, biên chế mới). Nếu tất cả các cơ quan nhà nước mà làm được việc này thì sẽ giảm tối đa việc phải trả lời từng công dân khi họ viết phiếu yêu cầu thông tin. Như vậy, việc chủ động tối đa nguồn thông tin cung cấp sẽ có tối thiểu người dân viết phiếu yêu cầu. Và ngược lại, nếu không làm tốt, các cơ quan nhà nước sẽ phải tiếp nhận cả “rừng” phiếu yêu cầu thông tin.
Rất nhiều thách thức ở phía trước, đòi hỏi một chiến dịch truyền thông rộng rãi để người dân sẵn sàng thực hiện "quyền được biết" của mình, để các cơ quan nhà nước không bị động khi được yêu cầu cung cấp thông tin./.
Theo VOV