Đội ngũ cán bộ công chức đông nhưng chưa đủ mạnh

Thứ Sáu, 08/06/2018, 07:18 [GMT+7]

Hiện có khoảng 45% cán bộ công chức ở các bộ, ngành làm việc có hiệu quả cao, khoảng 30% kết quả có mức độ, còn lại là không có sản phẩm gì.
 
Để xây dựng Chính phủ kiến tạo, phục vụ, đảm bảo cho công cuộc cải cách hành chính thành công, điều quan trọng phải có đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy hành chính đủ đức, đủ tài để phục vụ nhân dân. Thực tế hiện nay năng lực, đạo đức của công chức đã được nâng lên nhiều, song so với thực tế của quá trình đổi mới và yêu cầu của người dân thì năng lực, đạo đức của đội ngũ cán bộ công chức vẫn còn nhiều bất cập.
 

1
Hình minh họa


Công chức nhiều nhưng hiệu quả hoạt động thấp

Khi bàn về chất lượng, đạo đức công vụ của cán bộ tại nhiều diễn đàn khác nhau, các chuyên gia đưa ra nhận định: Hiện, có khoảng 45% cán bộ công chức ở các bộ, ngành làm việc có hiệu quả cao, khoảng 30% kết quả có mức độ, còn lại là không có sản phẩm gì. Còn ở cấp xã có gần 40% cán bộ công chức chưa đáp ứng được tiêu chuẩn và yêu cầu của công việc.

Ông Vũ Mão- nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đưa ra nhận xét: “Công chức hành chính trong bộ máy của ta nhiều nhưng hiệu quả hoạt động thấp. Các cơ quan nhà nước và công chức nhà nước ở hầu khắp lĩnh vực địa phương chưa làm đúng chức năng của mình và để xảy ra nhiều vấn đề làm người dân không hài lòng”.

Từ thực tế nhiều năm chỉ đạo và theo dõi công tác tổ chức bộ máy, ông Nguyễn Văn Thất - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức, Bộ Nội vụ cho rằng, hiện nay tình trạng nhiều cán bộ, công chức chưa hiểu và thực hiện đúng vị trí công việc của mình còn phổ biến. Do đó hiệu quả làm việc luôn đạt thấp.

“Đối với đội ngũ công chức, người hiểu được vị trí công việc, hiểu được việc làm ở vị trí công việc đó chưa nhiều. Kể cả những người làm công tác tổ chức như Bộ Nội vụ, hay các Sở Nội vụ, để hiểu được vị trí này cần chức danh gì? công việc phải làm như thế nào?. Tôi nghĩ, có một bộ phận cũng chưa rõ. Ví dụ, một chuyên viên chính thì ít nhất cũng soạn thảo được các văn bản như Thông tư, Chỉ thị, Nghị định, Nghị quyết, nhưng thực tế nhiều chuyên viên chính của ta không làm được việc này”- ông Nguyễn Văn Thất nói.

Một thực tế khác được các chuyên gia và người dân chỉ ra đó là, đội ngũ cán bộ công chức đông nhưng do không được phân công trách nhiệm rõ ràng, vẫn còn những cán bộ, công chức, nhất các xã phường chưa thành thạo kỹ năng làm việc, thiếu tận tụy, khách quan trong giải quyết công việc. Đó là chưa nói đến thái độ, tinh thần phục vụ của không ít cán bộ công chức thường gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp…
 

1
Ông Vũ Mão- nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội


Hiệu quả hoạt động thấp, là do trách nhiệm người đứng đầu

Ông Tạ Xuân Đại, nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương cho rằng, cán bộ đông nhưng do không phân công nhiệm vụ rõ ràng nên chất lượng, hiệu quả hoạt động thấp. Đây là lỗi từ hệ thống quy định pháp luật về tuyển dụng, đào tạo, bố trí đánh giá cán bộ… nhưng một nguyên nhân cơ bản là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan đơn vị sử dụng công chức đó chưa được đề cao, không tuân thủ các quy định về tuyển dụng, bố trí cán bộ…

“Quyết định vẫn là cán bộ, vẫn là người đứng đầu, trên nghiêm thì dưới phải nghiêm, mình thấy lỗi hệ thống nhưng chưa sửa chữa kịp thời. Đặc biệt, các nhà quản lý lãnh đạo chủ chốt ở các ngành, địa phương, đơn vị cũng chưa nhận thức thực sự đúng đắn về vai trò, chất lượng đội ngũ cán bộ nên thực hiện chưa nghiêm các quy chuẩn, quy trình trong tuyển dụng, bố trí, sắp xếp,  đề bạt cán bộ nên sẽ khó có đội ngũ công chức mạnh”- ông Tạ Xuân Đại nói.

Các chuyên gia vể tổ chức bộ máy và Cải cách hành chính đều cho rằng nguyên nhân chất lượng cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu là do sử dụng cán bộ, công chức chưa đúng với trình độ, năng lực; cơ chế thưởng, phạt chưa nghiêm; Chế độ tiền lương và đãi ngộ chưa được cải thiện. Đặc biệt là chưa xác định rõ được vị trí việc làm cụ thể đối với cán bộ công chức. Vì vậy, để có thể nâng cao chất lượng và đạo đức công chức thì cần có nhiều giải pháp đồng bộ trong đó, xác định rõ tiêu chí việc làm cụ thể để tuyển dụng, bố trí cán bộ đúng người đúng việc. Đổi mới, công khai minh bạch quá trình đánh giá cũng như tuyển dụng cán bộ công chức. /.

 

 

Theo VOV

.