Chống tham nhũng: Không để các bản kê tài sản "ngủ yên" trong hộc tủ

Thứ Tư, 27/06/2018, 08:07 [GMT+7]

Một trong những biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn từ xa nạn tham nhũng phải bắt đầu từ khâu quản lý kê khai tài sản gắn với công khai, minh bạch
 
Công cuộc phòng chống tham nhũng do Đảng ta phát động có thể nói bước đầu đã thu được những chuyển biến đáng kể. Những hành động cụ thể và quyết tâm thể hiện bằng chính những phát ngôn của người lãnh đạo cao nhất của Đảng thời gian qua không chỉ lấy lại lòng tin mà đã được đông đảo nhân dân, cử tri ủng hộ mạnh mẽ và ghi nhận. Sự quyết liệt trong cả lời nói và việc làm của Đảng chính là bước đổi mới mạnh mẽ nhất trong công tác phòng chống tham nhũng, đã huy động được cả hệ thống chính trị cùng đồng lòng vào cuộc. Đi đầu trong công cuộc đó chính là các cơ quan của Đảng, trong đó không thể không nhắc tới Ủy ban Kiểm tra Trung ương, bằng những kết luận chính xác, thuyết phục, minh bạch và công khai thời gian qua, đã đưa ra ánh sáng hàng loạt cán bộ tay đã “nhúng chàm”.
 

1
PGS.TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (Ảnh: Kim Anh)


Đánh giá về công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua, PGS.TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng đã có nhiều khởi sắc và đạt được những kết quả nhất định, làm cho nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng cũng như quyết tâm của Đảng trong phòng, chống tham nhũng. Những vụ án đã được xét xử thời gian qua cũng như những vụ việc sẽ còn được đưa ra trong thời gian tới đã cho thấy rõ Đảng không hề khoan nhượng đối với hành vi tham nhũng, đúng như tuyên bố “không có vùng cấm trong phòng, chống tham nhũng”.

Dẫn chứng con số 1 triệu tỷ đồng, tương đương 45 tỷ USD là thiệt hại mà tham nhũng và lãng phí đã gây ra cho nền kinh tế đất nước 10 năm trước đây, đồng thời liên hệ thực tế với số tiền này, Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng được hệ thống đường sắt cao tốc tốc độ 300km/h từ mũi Cà Mau tới địa đầu Móng Cái, giúp bà con ở Hà Giang có thể mang su su lên Hà Nội bán buổi sáng rồi chiều xách quần áo, nhu yếu phẩm về Hà Giang để dùng, làm thay đổi cả xã hội về nếp sống, tư duy, PGS.TS Lê Quốc Lý cho rằng, nếu không quyết liệt phòng chống tham nhũng thì đất nước khó có thể phát triển, khó có thể bền vững; Đảng khó có thể giữ được lòng dân. Mục đích đầu tiên và cuối cùng của Đảng là vì dân, vì thế những hành động không vì dân, trong đó có hành vi tham nhũng, phải cương quyết loại bỏ, không được dung túng.

Theo PGS.TS Lê Quốc Lý, không thể phủ nhận những chuyển biến đáng kể trong công cuộc chống tham nhũng vừa qua, nhưng giờ là lúc chúng ta phải thực hành phòng chống tham nhũng mạnh mẽ hơn nữa.

Công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng tuy đã đạt được bước tiến vượt bậc nhưng điều mà dư luận quan tâm nhất vào lúc này đó là vấn đề thu hồi được tài sản do tham nhũng mà có. Trong báo cáo gửi tới đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 khóa XIV, Thanh tra Chính phủ xác nhận, những năm gần đây, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng tuy hàng năm đều tăng nhưng vẫn còn thấp hơn nhiều so với số tài sản bị chiếm đoạt. Tài sản tham nhũng trong một số vụ án bị tẩu tán, không kiểm soát và thu hồi được. Một trong nhiều nguyên nhân của tình trạng này đã được chỉ ra đó là thể chế, chính sách về thu hồi tài sản tham nhũng chưa kịp thời, còn mang tính nguyên tắc, quy định trách nhiệm của từng cơ quan và sự phối hợp giữa các cơ quan còn chưa rõ ràng.
 

1
Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Ảnh: Bình Tạ)



Cần công khai "bí mật" tài sản của cán bộ

Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng, những nguyên nhân đó thể hiện sự lúng túng của các cơ quan chức năng trước những thiệt hại, mất mát là mồ hôi, nước mắt của nhân dân, tài sản của Nhà nước. Ông Tiến cho rằng, trong cuộc chiến với giặc nội xâm này, không có cách nào khác là cả hệ thống chính trị phải vào cuộc quyết liệt, rốt ráo hơn nữa. Đối tượng tham nhũng cực kỳ mưu mô, tinh vi đòi hỏi chúng ta phải có một hệ thống pháp luật chặt chẽ, kín kẽ để đối phó, ngăn chặn cho dù đối tượng có chuyển tài sản cho bố mẹ, vợ chồng, con cái, bạn bè thậm chí tẩu tán, bỏ trốn ra nước ngoài vẫn không thể thoát được “lưới” pháp luật.

Ông Tiến đặc biệt nhấn mạnh tới những biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn từ xa với đối tượng tham nhũng và có dấu hiệu tham nhũng. Đó là phải bắt đầu từ khâu quản lý kê khai tài sản phải gắn với công khai, minh bạch, không thể để các bản kê được “ngủ yên” trong hộc tủ rồi kết luận gần như không phát hiện trường hợp nào kê khai không trung thực. Dư luận ở nơi cư trú, ở nơi công tác có thể đánh giá được vị cán bộ trung thực đến mức nào nếu những “bí mật” tài sản của cán bộ được công khai. Đảng đã khẳng định “không có vùng cấm” trong phòng chống tham nhũng thì tài sản của cán bộ không phải là ngoại lệ, nó càng phải là những thông tin hàng đầu cần được công khai, minh bạch. Để “rộng đường” cho việc giám sát tài sản cán bộ, cần một cơ chế bảo đảm an toàn cho người giám sát, tố cáo, không để họ trở thành nạn nhân của đối tượng tham nhũng, có vậy mới thúc đẩy dư luận mạnh dạn đứng ra tố cáo tham nhũng.

Nhấn mạnh yếu tố “phòng hơn chống” trong cuộc đấu tranh với tham nhũng, PGS.TS Lê Quốc Lý cho rằng cần xây dựng thiết chế để các cơ quan kiểm tra, giám sát lẫn nhau, giám sát chéo, cán bộ trong cơ quan có thể giám sát, người dân cũng có thể giám sát được và đặc biệt phải có biện pháp cứng rắn, bất kỳ ai có hành vi, chứng cứ liên quan đến tham nhũng đều phải đình chỉ công tác ngay, thực hiện biện pháp ngăn chặn khẩn cấp không để họ tẩu tán, che giấu tài sản hoặc bỏ trốn ra nước ngoài. Cơ quan đủ khả năng đảm đương trọng trách và quyền lực này là Ủy ban Kiểm tra Trung ương./.

 

 

Theo VOV

.