"Vạ miệng" của quan chức và niềm tin của người dân vào chính quyền
Những phát ngôn thiếu chuẩn mực của cán bộ công chức khiến cho khoảng cách giữa chính quyền và người dân ngày càng bị kéo dài ra
Dư luận vẫn còn nhớ những câu chuyện về phát ngôn thiếu chuẩn mực của một số cán bộ, quan chức thời gian qua.
Bình luận về vấn đề này, PGS. TS Phạm Ngọc Trung, nguyên Trưởng khoa Văn hóa và phát triển (Học viện Báo chí và Tuyên truyền), cho rằng, nguyên nhân dẫn tới những phát ngôn thiếu chuẩn mực của một số cán bộ, công chức Nhà nước trước hết là do nhận thức của họ.
Bên cạnh đó, trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng cũng chưa có chuẩn mực, hệ thống. Đặc biệt là việc rèn luyện hàng ngày của cá nhân chưa được thường xuyên; công tác quản lý lãnh đạo ở cơ sở nơi các cá nhân đó sống, sinh hoạt và làm việc cũng chưa được chặt chẽ, hiệu quả.
PGS. TS Phạm Ngọc Trung |
Cán bộ công chức khi tiếp xúc và phát ngôn với người dân là họ đại diện cho cơ quan công quyền của Nhà nước, pháp luật của Nhà nước, như vậy họ có một vị trí rất quan trọng và cần thiết. Những vụ việc nói trên của một số cán bộ, công chức không chỉ là sự sơ hở trong phát ngôn, lời nói mà thể hiện quan điểm, cách nhìn, đường lối ứng xử, cách làm việc của một bộ phận cán bộ đang rất đáng lo ngại.
Nếu một cán bộ rồi hàng trăm, hàng nghìn người ứng xử như vậy với người dân theo kiểu cửa quyền, hách dịch như vậy sẽ làm cho khoảng cách của cán bộ và cơ quan công quyền với dân sẽ ngày càng dài ra, niềm tin cũng như sự ủng hộ của dân với cơ quan công quyền sẽ ngày càng giảm sút.
Cũng có ý kiến cho rằng còn có cả lý do những cán bộ công chức này tự cho mình quyền “đứng trên người khác” để ứng xử. Dù rằng các trường chính trị hay hệ thống đào tạo luôn hướng dẫn, nhắc nhở cán bộ công chức tương lai của Nhà nước hoặc đã là cán bộ công chức phải có cách ứng xử khiêm tốn, nhã nhặn, chuẩn mực nhưng có những người, có những lúc họ nghĩ rằng mình đang ở vị trí quan trọng nên có tư tưởng ban ơn cho người khác, tư tưởng cửa quyền, hách dịch.
Đó cũng là một thực tế rất đáng trách, đáng lẽ ra cán bộ, công chức không nên có cách suy nghĩ và ứng xử sai lầm như vậy. Nếu tự bản thân mỗi cán bộ, công chức không có nhận thức đúng và có sự tu dưỡng, rèn luyện, đồng thời với sự quan tâm của tổ chức, đơn vị, sẽ khó tránh khỏi thực tế này.
Theo PGS. TS Phạm Ngọc Trung, nhiều nước trên thế giới có quy định cụ thể đối với công chức, viên chức khi tiếp xúc với người dân. Tiếng nói vừa phải, không quá to hay lí nhí; khi cười không được há miệng quá to, cũng không được cười mỉm; khi đưa tay nhận giấy tờ, tay phải khép kín, không với, không chộp tờ giấy trên tay người dân… Từng cử chỉ đều được quy định rất cụ thể và buộc mỗi cán bộ, công chức trước khi làm nhiệm vụ tiếp dân phải thực hiện một cách thuần thục.
Khi cảm thấy có thái độ, lời nói, cử chỉ, hành vi không chuẩn mực đối với người dân, lời xin lỗi dành cho người dân là việc làm rất bình thường, nó còn tạo thêm sự thân thiện, gần gũi giữa cán bộ công chức Nhà nước với dân chúng. Tuy nhiên, xin lỗi là để sửa chữa, khắc phục và phải rèn luyện trong nhận thức, trong kỹ năng để trong mọi tình huống đều có thể tìm cách vận dụng giải quyết tốt công việc của người dân, như vậy mới đúng chức năng của bộ máy công quyền.
Cán bộ công chức là đại diện cho các cơ quan công quyền và đại diện cho nhân dân mà có những ứng xử không chuẩn mực sẽ gây ra những hậu quả khôn lường. Không gần gũi, nắm bắt và giúp người dân đạt được những tâm tư, nguyện vọng của họ sẽ khiến quan hệ giữa chính quyền và nhân dân, dù chính quyền ở đây chỉ là một cá nhân đại diện, sẽ mất đi sự tin tưởng. Chưa kể nếu ứng xử với dân bằng thái độ hách dịch, người dân sẽ ngày càng xa lánh, khiến cho mâu thuẫn sẽ tích tụ dần và đến lúc nào đó sẽ bùng phát.
Tại Hội nghị Trung ương 6 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh đến vấn đề này: Nếu để người dân mất niềm tin sẽ mất tất cả. Do vậy, mỗi cán bộ, đảng viên phải có trách nhiệm để xây dựng niềm tin đó trong dân, củng cố mối quan hệ giữa cán bộ công chức Nhà nước với người dân có vậy mới tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc./.
Theo VOV