Thủ tướng: Kiên quyết cắt giảm vốn nếu không giải ngân hết
Thủ tướng chỉ đạo kiên quyết cắt giảm vốn theo quy định, chuyển nguồn sang thực hiện các nhiệm vụ cấp bách khác nếu không giải ngân hết.
Trong cả sáng và chiều 3/10, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9. Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Thủ tướng đánh giá, sau 3/4 chặng đường của năm nay, nếu không có thiệt hại về thiên tai bão lụt và những diễn biến bất lợi của nền kinh tế thế giới thì cả 13 chỉ tiêu kinh tế xã hội sẽ đạt và vượt kế hoạch.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Để đạt được kết quả này, Thủ tướng cho rằng: “Chúng ta đã chuyển đổi mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, trong đó đi vào chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Trong đó có công nghiệp chế biến-chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, dịch vụ…
Năm nay khách du lịch quốc tế đạt trên 13 triệu lượt và 60 lượt triệu khách trong nước. Việc thứ đã chúng ta đã làm tích cực là tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt. Chúng ta đã cắt bỏ khoảng trên 5.000 thủ tục và tiến hành hậu kiểm”.
Thủ tướng cũng cho rằng, Chính phủ và các bộ, ngành đã đổi mới phương pháp làm việc, tổ chức các diễn đàn, đối thoại và có quyết sách kịp thời trong chỉ đạo. Cùng với đó công tác kiểm tra đôn đốc các chỉ đạo của Thủ tướng và Chính phủ được tăng cường để nói đi đôi với làm, khắc phục tình trạng trì trệ trong hệ thống.
Tuy vậy, Thủ tướng nêu rõ, để cả năm tăng trưởng đạt 6,7% thì các bộ, ngành càng về gần đến đích càng phải cố gắng thực hiện các nhiệm vụ được giao: “Nếu chúng ta cứ say sưa với kết quả đạt được trong 9 tháng mà quên nhiệm vụ năng nề còn ở quý 4 thì vẫn có khả năng không hoàn thành kế hoạch, đặc biệt tăng trưởng GDP.
9 tháng đạt 6,41% là cao hơn cùng kỳ, nhưng muốn cả năm đạt 6,7% thì quý 4 phải đạt 7,4 đến 7,5%. Con số không dễ ràng, các ngành, các lĩnh vực phải rà lại. Trong đó các ngành có chức năng phải tìm ra những hạn chế, yếu kém; các địa phương trọng điểm phải tìm các giải pháp cụ thể để tiếp tục tăng trưởng”.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phải giảm lãi suất cho vay, dành vốn cho các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp công nghệ cao, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, khởi nghiệp. Cùng với đó là cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu. Đến cuối năm 2018 cơ bản hoàn thành những công việc chính về cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục chống thất thu, chuyển giá và nợ đọng thuế. Từng bộ, ngành, địa phương, cơ quan đơn vị rà soát kỹ và kiểm soát chặt chẽ chi ngân sách, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên. Tại hội nghị này, một lần nữa Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành chưa đề cập việc tăng các loại thuế, phí, lệ phí ảnh hưởng đến doanh nghiệp và môi trường đầu tư kinh doanh.
Nhấn mạnh tình trạng về giải ngân vốn đầu tư công đang “giậm chân tại chỗ”, Thủ tướng chỉ ra không chỉ các địa phương mà ngay các bộ giải ngân cũng chậm: “Yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND các thành phố chịu trách nhiệm trực tiếp về việc đẩy mạnh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công trong quý 4, đảm bảo thực hiện và giải ngân hết nguồn vốn đầu tư công được giao năm 2017.
Trường hợp nào giải ngân chậm thì kiên quyết cắt giảm theo quy định, chuyển nguồn sang thực hiện các nhiệm vụ cấp bách khác; làm nghiêm việc thanh tra, kiểm tra, không để lãng phí, tham nhũng, lợi ích nhóm trong đầu tư công tiếp diễn gây bức xúc xã hội”.
Cho biết vốn đầu tư tư nhân và vốn đầu tư nước ngoài rất quan trọng, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành tạo mọi điều kiện thuận lợi để giải ngân các nguồn vốn này. Vừa qua số vốn đăng ký rất lớn hàng chục tỷ USD, hàng triệu tỷ động nhưng Thủ tướng cho rằng tiến độ giải ngân còn chậm.
Nêu thực trạng tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn tại doanh nghiệp Nhà nước chậm trễ, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tìm nguyên nhân căn cơ của vấn đề này để thúc đẩy xử lý giải quyết.
Trong 3,1 triệu tỷ đồng vốn doanh nghiệp Nhà nước cần cổ phần hóa, thoái vốn thì đến nay mới vốn hóa được khoảng 6%, còn 94% chưa vốn hóa được. Riêng năm 2017, theo kế hoạch thì phải bán 60.000 tỷ đồng vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp, nhưng hiện mới thu được khoảng 12.000 tỷ đồng.
Thủ tướng lo ngại, nếu không bán được thì sẽ không có nguồn bảo đảm kế hoạch đầu tư công 2017. Do đó, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ liên quan xử lý nghiêm tình trạng này, lộ trình và kế hoạch đã có, các bộ trưởng, trưởng ngành và lãnh đạo tổng công ty Nhà nước phải thực hiện nghiêm túc. Nhân dây, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công thương triển khai ngay việc thoái vốn của SABECO đúng quy định của pháp luật.
Với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hiện nay, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành thúc đẩy xuất khẩu, phấn đấu trưởng 20 đến 21%, tăng gấp 3 lần kế hoạch. Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu. Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội và Bộ công thương tiếp tục phát triển mạnh thị trường trong nước, không để nước ngoài chi phối.
Tại phiên họp, Thủ tướng cũng yêu các bộ ngành làm tốt công tác giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, đảm bảo an toàn tuyệt đối Tuần lễ cấp cao APEC; phòng chống tội phạm, nhất là dịp cuối năm và dịp Tết.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Ngoại giao chủ trì và chuẩn bị kỹ lưỡng cho Tuần lễ cấp cao APEC 2017 và các hoạt động đối ngoại cấp cao. Cùng với đó là chuẩn bị tốt nội dung cho kỳ họp Quốc hội sắp tới, chuẩn bị các văn bản, tài liệu cần thiết cho công tác này.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành chuẩn bị kế hoạch phát triển kinh tế xã hội để đóng góp xây dựng Nghi quyết 01 của Chính phủ tốt nhất, đảm bảo rõ ràng, an toàn và chủ động./.
Theo VOV