"Lắng nghe dân sẽ biết cán bộ nào xa dân, biến chất"
Lắng nghe dân, dân sẽ cho chúng ta biết cán bộ nào là công tâm, chính trực; cán bộ nào xa dân, biến chất, hư hỏng.
Vũ khí sắc bén để thực hiện quyết tâm chính trị
Ban Bí thư vừa ban hành Quyết định số 99 kèm theo hướng dẫn khung để các cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc Trung ương tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.
Đáng chú ý, Quyết định này nêu rõ phải công khai 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; công khai 19 điều quy định đảng viên không được làm; công khai các kết luận kiểm toán, kiểm tra; công khai danh tính, chức vụ, kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ lãnh đạo, quản lý... Khi có đơn thư phản ánh của nhân dân đối với cấp uỷ, đảng viên thuộc cấp nào quản lý thì cấp uỷ, tổ chức Đảng cấp đó phải tiếp nhận, xử lý. Kiên quyết xử lý người có hành vi cản trở hoạt động giám sát hoặc trả thù, trù dập người khiếu nại, tố cáo….
Ảnh minh họa. |
Bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ Quyết định 99 của Ban Bí thư, ông Nguyễn Quang Tiến, ở Yên Dũng, Bắc Giang kỳ vọng đây sẽ là vũ khí sắc bén để Đảng ta thực hiện cho được quyết tâm chính trị, đẩy lùi, ngăn chặn tham nhũng, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Theo ông Tiến, một trong những nguyên nhân xảy ra tham nhũng là trong quá trình sử dụng cán bộ không chú trọng đến khâu kiểm soát quyền lực, không kiểm soát, giám sát thường xuyên cho nên những sai lầm, yếu kém, thậm chí hư hỏng chậm phát hiện. Khi phát hiện ra thì cũng vì nể nang, hoặc xử lý nội bộ với nhau dẫn tới cái sai chồng chất cái sai.
Kinh nghiệm của nhiều quốc gia cho thấy muốn kiềm chế, đẩy lùi tham nhũng ngoài việc công khai, minh bạch, thì cán bộ, đảng viên, cấp ủy, tổ chức Đảng đều chịu sự giám sát thường xuyên, trong đó có sự giám sát của nhân dân.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn phải dựa vào dân để xây dựng Đảng, dựa vào dân để kiểm soát đường lối, nghị quyết đúng hay sai, dựa vào dân để chấn chỉnh tổ chức bộ máy, để lựa chọn cán bộ. Mỗi cán bộ có chức có quyền từ thấp đến cao đều phải đặt trong sự đánh giá của quần chúng nhân dân. Bởi nhân dân có trăm tai nghìn mắt, có những ý kiến sáng suốt, khách quan, trung thực, mà nhiều khi cán bộ là người trong cuộc lại không có những đánh giá khách quan đó.
Lắng nghe dân, dân sẽ cho chúng ta biết cán bộ nào là công tâm, chính trực; cán bộ nào xa dân, biến chất, hư hỏng. Nếu lắng nghe tiếng nói của dân, tôn trọng ý kiến của dân từ cơ sở thì cấp ủy, tổ chức Đảng sẽ tiếp nhận những nguồn thông tin chính xác và kịp thời để tự mình xử lý đội ngũ cán bộ của mình.
Kê khai rồi để trong tủ thì sẽ không có kết quả
Một trong những nội dung được ông Lê Chu Đình ở phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, Hà Nội quan tâm trong Quyết định 99 đó là công khai nội dung, kết quả tiếp thu ý kiến của người dân; bản cam kết rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên… Đặc biệt là bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ lãnh đạo, quản lý và người phải kê khai theo quy định.
Các nội dung này được công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, cổng thông tin điện tử, niêm yết tại trụ sở cơ quan, đơn vị, công khai thông qua họp báo, hội nghị, hội thảo, sinh hoạt chi bộ, công khai thông qua hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội bằng việc gửi văn bản hoặc bằng các hình thức khác.
Ông cho rằng, việc kê khai tài sản là một trong những chủ trương đúng đắn để ngăn chặn, kiểm soát tham nhũng. Tuy nhiên, trên thực tế thời gian qua cho thấy việc này chưa mang lại kết quả như mong muốn, thậm chí có nơi, có lúc còn hình thức.
Nổi cộm lên một số vụ việc gần đây, khi cán bộ kê khai rất bình thường nhưng khi bị thanh tra, kiểm tra lại có khối tài sản lớn. Xảy ra tình trạng này là do chúng ta mới thực hiện việc kê khai, mà chưa tổ chức kiểm tra, giám sát xem kê khai đúng hay sai cho nên tạo ra sự nghi ngờ trong dư luận.
“Nếu kê khai rồi mà để trong tủ thì không có kết quả gì cả. Đã kê khai thì phải công khai cho người dân ở nơi cư trú biết để theo dõi, giám sát, bởi không ai rõ bằng dân cư ở địa phương nơi cán bộ, đảng viên đó sinh sống. Dân biết hết cán bộ đó có bao nhiêu nhà, bao nhiêu xe, có minh bạch tài sản hay không” – ông Lê Chu Đình cho biết.
Ông cũng cho rằng, việc quy định cụ thể công khai rộng rãi bản kê khai tài sản của cán bộ, đảng viên sẽ tạo thuận lợi cho nhân dân và các đối tượng có liên quan giám sát. Vấn đề quan trọng nữa là khi người dân phát hiện kê khai không trung thực, có đơn thư phản ánh thì cấp ủy, tổ chức Đảng phải khẩn trương chỉ đạo các tổ chức, cá nhân có liên quan giải quyết và có văn bản để trả lời chủ thể gửi đơn, thư, ý kiến phản ánh theo quy định.
Bày tỏ thêm về giải pháp thực hiện, ông Nguyễn Quang Tiến cho rằng, cần thực hiện thăm dò ý kiến của người dân bằng cách bỏ phiếu tín nhiệm đối với cán bộ, đảng viên. Việc này nên làm thí điểm ở cơ quan, tổ chức đang nổi lên vấn đề tham nhũng để thanh lọc dần cán bộ, sau đó mới tổ chức rộng rãi trên các địa bàn khác.
“Dựa vào dân thì sẽ chiến thắng” – ông Tiến nói như vậy đồng thời cho biết khi cơ quan kiểm tra của Đảng thực sự vào cuộc, thực sự công tâm, có trách nhiệm cùng với sự giám sát của nhân dân thì dù vi phạm có phức tạp, tinh vi đến mấy nhất định cũng sẽ phát hiện được./.
Theo Kim Anh/VOV.VN