"Dân biết hết cán bộ làm gì, có đúng đắn hay không?"

Thứ Tư, 11/10/2017, 10:11 [GMT+7]

Ông Lê Quang Thưởng: “Nhân dân biết hết những ai làm gì, đúng đắn hay không nhưng những ý kiến đó có được cấp lãnh đạo, tổ chức Đảng tiếp nhận không".
 
Bài học về công tác quản lý cán bộ

Liên tục trong các kỳ họp gần đây của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, những vụ tiêu cực, tham nhũng, thiếu trách nhiệm, buông lỏng trong công tác quản lý cán bộ gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại một số địa phương, bộ ngành đã được xem xét, và đề nghị xử lý nghiêm minh. Một số cán bộ đã nhận những hình thức xử phạt thích đáng dù ở cương vị nào, kể cả cán bộ đã nghỉ hưu.

Trong tuần qua, dư luận đã chứng kiến và đồng tình với quyết định thi hành kỷ luật ông Nguyễn Xuân Anh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng bằng hình thức: Cách chức Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng, Uỷ viên Ban Thường vụ, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015 - 2020; và cho thôi giữ chức Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII.
 

1
Ông Nguyễn Xuân Anh. (Ảnh: Tuổi Trẻ)


Trước đó, ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng đã chịu quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo; ông Nguyễn Phong Quang bị kỷ luật bằng hình thức cách tất cả các chức vụ trong Đảng (bao gồm cách chức Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ; cách chức Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ Cơ quan Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ; cách chức Bí thư Đảng uỷ Cơ quan Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ).

Theo PGS.TS Nguyễn Quốc Bảo (Học viện Báo chí và Tuyên truyền), những kết luận trên đã củng cố thêm lòng tin của nhân dân đối với Trung ương, với Đảng, không dung thứ, không né tránh với bất cứ hành vi vi phạm đạo đức, lối sống, vi phạm pháp luật của cán bộ, đảng viên, dù người đó còn đương chức hay đã nghỉ hưu.

Điều này càng thấy tinh thần quyết tâm của Trung ương cũng như việc triển khai Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII rất thiết thực, cụ thể, bước đầu tạo hiệu quả lớn, tác động đến tư tưởng của cán bộ, đảng viên, dư luận xã hội.
 

1
PGS.TS Nguyễn Quốc Bảo.


Công tác cán bộ là gốc rễ của mọi vấn đề, quyết định sự thành công hay thất bại, nhưng thực tế thời gian qua vẫn còn tình trạng bổ nhiệm không đúng, gắn vào đó là những tiêu cực, vụ lợi…

PGS.TS Nguyễn Quốc Bảo cho rằng, từ những trường hợp cán bộ bị xử lý kỷ luật cho thấy công tác quản lý cán bộ có vấn đề. Bởi vì, việc đề bạt một cán bộ phải có hệ thống tổ chức, có nguyên tắc và có sự bàn bạc thấu đáo của tập thể. Thế nhưng ở một số đơn vị vẫn xem xét, quyết định luân chuyển, bổ nhiệm một số cán bộ vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định của Đảng; quyết định tuyển dụng, tiếp nhận, bổ nhiệm ngạch công chức, xếp bậc lương, bổ nhiệm, điều động cán bộ không đúng quy định...

“Rõ ràng, những người làm công tác cán bộ đã thiếu trách nhiệm, có sự quan liêu, chưa mang tính dân chủ, tập thể cao và phụ thuộc người đứng đầu. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói rất nhiều đến vai trò người đứng đầu. Người đứng đầu tốt thì tập thể tốt, ngược lại, người đứng đầu có biểu hiện độc đoán, chuyên quyền, gia trưởng thì sẽ tác động đến tập thể” – ông Nguyễn Quốc Bảo chia sẻ.

Câu chuyện kỷ luật cán bộ trong Đảng thời gian qua cho chúng ta bài học nghiêm túc về công tác quản lý cán bộ, tính dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể, đặc biệt là việc lựa chọn cán bộ thực sự đủ đức, đủ tài, theo đúng quy trình nghiêm minh, chặt chẽ.

Trăn trở về vấn đề này, ông Lê Quang Thưởng – nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương cũng cho rằng, để xảy ra những vi phạm đáng tiếc như ở các tập thể, cá nhân trong kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương thời gian qua cũng cho thấy một thực trạng đang tồn tại lỗ hổng trong công tác kiểm soát quyền lực, buông lỏng trong việc kiểm tra, giám sát, giáo dục cán bộ.

Vì sao đảng viên sai phạm mà tổ chức Đảng không biết?

Theo ông Thưởng, câu chuyện ở Đà Nẵng hay ở Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ chính là sự suy thoái về phẩm chất chính trị, nói không đi đôi với làm. Trong nội bộ có hiện tượng nể nang, không kiên quyết nêu vấn đề để kiểm điểm, răn đe trong nội bộ Đảng, cấp ủy Đảng nên dẫn đến những vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng như vậy.
 

1
Ông Lê Quang Thưởng.


Vì sao đảng viên sai phạm mà tổ chức Đảng không biết? Đó là vì tính dân chủ chưa được phát huy tốt ở các cơ quan, địa phương. Tiếng nói của cán bộ, đảng viên trung thực không được lắng nghe, tiếng nói của quần chúng nhân dân, hoạt động giám sát của nhân dân đối với các tổ chức, cá nhân chưa có sức ảnh hưởng trong khi hầu hết những sai phạm, khuất tất, sự không trung thực của cán bộ, đảng viên đều bị lộ diện bởi tai mắt của nhân dân.

“Nhân dân biết hết những ai làm gì, đúng đắn hay không đúng đắn nhưng những ý kiến đó có được cấp lãnh đạo, tổ chức Đảng tiếp nhận không” – ông Lê Quang Thưởng đặt câu hỏi, đồng thời cho biết nếu như được giám sát thường xuyên, các tổ chức đoàn thể và người dân có sự phối hợp hiệu quả thì những vi phạm của cán bộ, đảng viên sẽ được phát hiện và xử lý kịp thời.

PGS.TS Nguyễn Quốc Bảo cũng cho rằng, một trong những căn nguyên khiến nhiều sai phạm xảy ra là do cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân. Bởi một trong những nguyên tắc trong xây dựng Đảng chính là sự tự tu dưỡng, tự rèn luyện của người cán bộ, đảng viên, vì không phải lúc nào tổ chức cũng ở bên cán bộ và cũng không phải lúc nào mỗi người đều tự nhận ra khuyết điểm của mình.

Một khi đã ý thức được mình, tự tu dưỡng bản thân thì chúng ta sẽ có bản lĩnh và luôn luôn ý thức được công việc của mình đã làm đúng chưa, đã vì dân chưa, việc làm đó có tổn hại tới lợi ích chung tập thể, có tổn hại tới người dân không.

“Việc tu dưỡng của cán bộ, đảng viên không chỉ trong ngày một, ngày hai mà là suốt cả cuộc đời, đó cũng là bài học cho tất cả cán bộ, đảng viên dẫu ở cương vị nào, lứa tuổi nào cũng không được buông lỏng ý thức tự rèn luyện” – ông Nguyễn Quốc Bảo chia sẻ./.

 

Theo VOV

.