Đại biểu Quốc hội muốn tìm được giải pháp thúc đẩy kinh tế phát triển
Đại biểu Trần Hoàng Ngân: "Làm thế nào để đảm bảo sự phát triển kinh tế một cách bền vững và phải tìm ra được giải pháp để thúc đẩy kinh tế phát triển”.
Bên lề phiên khai mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu bày tỏ phấn khởi khi cho rằng, mặc dù trong hoàn cảnh khó khăn nhưng bước đầu kinh tế xã hội đã có sự phát triển tích cực. Đồng thời, mỗi đại biểu đều mang tới những kỳ vọng, trông đợi của cử tri các địa phương cả nước.
Đại biểu Bùi Văn Phương, Phó Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình cho biết, trên cơ sở những thành tựu kinh tế - xã hội từ đầu năm tới nay, đặc biệt là việc Đảng, Nhà nước đã nghiêm túc xử lý hàng loạt những sai phạm theo hướng không có vùng cấm, lập lại kỷ cương, phép nước, cử tri rất vui mừng, tin tưởng và đặt nhiều kỳ vọng vào kỳ họp này.
Phiên khai mạc kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV (Ảnh: Quang Vinh) |
“Đây là kỳ họp cuối năm này sẽ bàn những vấn đề quan trọng của đất nước, cho đánh giá 1 năm và phương hướng cho năm tới nên cử tri kỳ vọng Chính phủ và Nhà nước tiếp tục phát huy tinh thần đã đạt được và tiếp tục tập trung lãnh đạo đưa kinh tế đất nước phát triển, chính trị, xã hội ổn định, tiếp tục xử lý nghiêm những sai phạm, siết chặt kỷ cương phép nước”, đại biểu Bùi Văn Phương nêu ý kiến.
Bày tỏ vui mừng về những kết quả đạt được trong 9 tháng qua, nhất là về kinh tế - xã hội, tuy nhiên, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh), kỳ họp Quốc hội lần này có nhiệm vụ nặng nề để nâng cao chất lượng ban hành luật và góp phần tìm giải pháp phát triển bền vững cho nền kinh tế.
“Vấn đề quan trọng là chúng ta phải thực thi được, hoàn thiện được những nhiệm vụ của Quốc hội, đó là vấn đề hoạt động lập pháp tức là Quốc hội phải dành nhiều thời gian để thảo luận, để từ đó ban hành ra các bộ luật phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Thứ hai, phải thảo luận những vấn đề chung về kinh tế xã hội, về ngân sách, làm thế nào để chúng ta đảm bảo sự phát triển kinh tế một cách bền vững và điều quan trọng hơn, kinh tế chúng ta tuy vẫn đạt được các mục tiêu đề ra, nhưng năng lực cạnh tranh nội lực của các doanh nghiệp trong nước còn rất khiêm tốn nên chúng ta phải tìm ra được giải pháp để thúc đẩy kinh tế phát triển”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu quan điểm.
Đối với đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang Vương Ngọc Hà, nội dung về bảo vệ, phát triển rừng là một nội dung quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu và thiên tai xảy ra ngày càng nhiều.
“Tại kỳ họp này sẽ xem xét và thông qua Luật phát triển và bảo vệ rừng sửa đổi. Đây là nội dung quan trọng và có phạm vi điều chỉnh ảnh hưởng đến phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số, gắn bó với rừng. Trong nội dung của Dự thảo Luật đưa ra có rất nhiều nội dung, thể hiện sự đặc biệt quan tâm đến đồng bào dân tộc thiểu số. Tôi kỳ vọng những nội dung sửa đổi lần này sẽ mang lại sinh kế nhiều hơn cho đồng bào dân tộc thiểu số, và họ có thể góp sức mình vào phát triển, bảo vệ rừng”, đại biểu Vương Ngọc Hà cho biết
Cùng với sự đổi mới về chương trình, nội dung kỳ họp, cử tri thông qua các đại biểu của mình mong muốn Quốc hội tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật, kịp thời giải quyết nhiều vấn đề phát sinh từ thực tiễn./.
Theo VOV