Lùi thời gian trình dự án Luật Hành chính công của một ĐBQH

Thứ Hai, 11/09/2017, 17:01 [GMT+7]

Nội dung này đã được rút ra khỏi chương trình phiên họp lần thứ 14 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Trong phiên khai mạc phiên họp thứ 14 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, sáng 11/9, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, đến nay Chính phủ chưa có ý kiến chính thức nên ban soạn thảo dự án Luật Hành chính công đề nghị cho phép lùi thời gian trình dự án lại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội (tháng 5/2018).

Vì vậy, nội dung này đã được rút ra khỏi chương trình phiên họp lần thứ 14 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Trước đó, vào trung tuần tháng 8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án luật này, tuy nhiên, hầu hết các ý kiến đều bằy tỏ băn khoăn về các quy định trong dự thảo luật.
 

1
Dự án Luật Hành chính công là sáng kiến lập pháp đầu tiên của cá nhân một ĐBQH - bà Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội)


Liên quan dự án luật là sáng kiến lập pháp đầu tiên của cá nhân một ĐBQH - bà Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội), Văn phòng Chính phủ cũng đã chính thức có văn bản thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ khẩn trương chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo văn bản tham gia ý kiến của Chính phủ với dự án luật theo hướng: Tuy đã được chuẩn bị một cách nghiêm túc, công phu, nhưng về cơ bản, dự án luật có nhiều vấn đề chưa hợp lý, rất khó có thể khắc phục, nhất là về phạm vi điều chỉnh; về bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật; về bảo đảm tính minh bạch và khả thi theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Chính phủ thấy rằng, việc xây dựng, ban hành luật này sẽ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, cả về trình tự, thủ tục và nội dung; không bảo đảm tính khả thi. Do vậy, việc xây dựng, ban hành luật này là chưa cần thiết.

Chính phủ cũng ghi nhận và đánh giá cao tâm huyết, sự nỗ lực, cố gắng của ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh và ban soạn thảo trong việc đề xuất và chủ trì xây dựng dự án luật. Những kết quả nghiên cứu xây dựng dự án luật có giá trị sẽ được Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, sử dụng trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan./.
 

 

Theo VOV
 

.