Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Sơn làm việc tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân tỉnh
Điện Biên TV - Thực hiện chương trình công tác tháng 9/2017 của Tỉnh ủy, sáng 19/9, đồng chí Trần Văn Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ 8 tháng đầu năm và những tháng cuối năm 2017; Thực trạng tổ chức bộ máy và cán bộ và tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch số 15-KH/TU, ngày 31 - 10 - 2016 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17 - 4 - 2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Cùng làm việc có đồng chí Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
8 tháng đầu năm 2017, tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả tích cực: Sản xuất lương thực đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra; Chăn nuôi, thủy sản cơ bản đạt chỉ tiêu kế hoạch; Tình hình dịch bệnh chăn nuôi được kiểm soát, số vụ cháy rừng tiếp tục giảm; quản lý giống, vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản được thực hiện thường xuyên, không để xảy ra thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp.
Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Sơn kết luận buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Cụ thể, sản lượng lúa Đông xuân ước đạt gần 54.000 tấn, tăng hơn 1.400 tấn so với năm 2016; Sản lượng lúa mùa ước đạt hơn 88.700 tấn, tăng 221 tấn so với năm 2016. Tổng đàn gia súc ước đạt hơn 545.000 con, đạt 93,5% kế hoạch cả năm; Đàn gia cầm hơn 3.868.000 con, đạt hơn 98% kế hoạch. Diện tích nuôi trồng thủy sản 8 tháng đầu năm ước đạt hơn 2.000ha, tăng 28,51ha so với cùng kỳ năm trước, đạt 101,5% kế hoạch năm; Tổng sản lượng thủy sản ước đạt 88,5% kế hoạch năm.
Đối với triển khai thực hiện Đề án kiện toàn tổ chức bộ máy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiện có 6 phòng chuyên môn nghiệp vụ, 7 đơn vị quản lý nhà nước, 10 đơn vị sự nghiệp công lập và 1 tổ chức khác được thành lập theo yêu cầu nhiệm vụ.
Thực hiện quy định về tinh giản biên chế, đến nay, Sở đã triển khai tinh giản được 5 đợt với 33 người (10 công chức, 23 viên chức). Dự kiến đến năm 2021 sẽ giải quyết tinh giản biên chế cho tổng số 66 người.
Tại buổi làm việc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị với Tỉnh ủy, UBND tỉnh xem xét, cho phép lực lượng Kiểm lâm tỉnh được giữ lại số biên chế tinh giản theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ giai đoạn 2017 - 2021 (theo quy định tinh giản tối thiểu 10% của 218 biên chế được giao là 22 biên chế) vì biên chế hiện tại chưa đủ số lượng so với quy định; Tăng dần số lượng biên chế hàng năm của Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé nhằm đảm bảo đến năm 2020 số biên chế kiểm lâm đúng theo quy định tại Khoản 3, Điều 28, Nghị định số 117/2010/NĐ-CP của Chính phủ; Hàng năm cho phép trích 30% số tiền từ nguồn quản lý phí của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng để chi trả bổ sung cho chủ rừng thuộc các lưu vực có mức chi trả thấp hơn mức 50.000 đồng/ha/năm; Đề nghị UBND tỉnh xem xét, ưu tiên bố trí vốn đối với các tiêu chí còn nợ của các xã xét đạt xây dựng nông thôn mới năm 2016...
Kết luận buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Sơn đã biểu dương những kết quả mà ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đạt được trong 8 tháng đầu năm. Điển hình như bước đầu đã hình thành được chuỗi liên kết tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp; Đưa một số giống mới có chất lượng và giá trị kinh tế cao vào sản xuất; Chăn nuôi có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước...
Thời gian tới, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải làm tốt trong công tác báo cáo, phân tích, đánh giá Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm tìm hướng đi, cách làm hiệu quả trong thực hiện Đề án; Đặc biệt là khai thác các lợi thế của tỉnh trong phát triển nông, lâm nghiệp; Đề nghị có chính sách ưu tiên cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Đồng chí cũng đề nghị Sở kiểm tra lại chất lượng các công trình thủy lợi đang được triển khai thực hiện; đối với công trình thủy lợi đã hoàn thành đưa vào sử dụng thì phải có giải pháp trong việc bảo vệ và duy tu bảo dưỡng; Tham mưu, chỉ đạo giúp Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong việc thực hiện có hiệu quả một số chương trình mục tiêu quốc gia: Nghị quyết 30a, chương trình 135/CP, nông thôn mới và các chính sách liên quan đến an sinh xã hội; Phối hợp với các đơn vị và nhà khoa học có uy tín trong việc đánh giá lại một số loại giống lúa, cây ăn quả đang canh tác trên địa bàn nhằm loại bỏ những loại giống kém chất lượng, đồng thời đưa vào canh tác những loại cây trồng hứa hẹn tiềm năng; Cần quan tâm củng cố, sắp xếp lại bộ máy, thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17 - 4 - 2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
*Cùng ngày, đồng chí Trần Văn Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cũng làm việc với Hội Nông dân tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Sơn thăm mô hình trang trại tổng hợp VAC của nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương Phạm Anh Dũng, Đội 7 xã Thanh Yên, huyện Điện Biên. |
Theo báo cáo của Hội Nông dân, trong 9 tháng đầu năm, công tác Hội và phong trào nông dân tiếp tục đạt được những kết quả đáng ghi nhận: Tổ chức Hội được tăng cường củng cố toàn diện, từng bước đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ Hội trong giai đoạn mới. Kết quả thực hiện 3 phong trào, 12 chỉ tiêu thi đua 9 tháng đầu năm đạt trên 70%.
Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững tiếp tục được đẩy mạnh, thu hút đông đảo hội viên, nông dân tham gia. Phong trào đã mang lại hiệu quả thiết thực, chất lượng phong trào được nâng lên, mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao ngày được mở rộng. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 7.000 hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.
Các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, hỗ trợ và dạy nghề, xây dựng các dự án mô hình điểm xóa đói giảm nghèo, hoạt động tín chấp tạo điều kiện cho nông dân có vốn đầu tư sản xuất nâng cao hiệu quả kinh tế, được các cấp Hội chủ động phối hợp triển khai thực hiện. Trong đó, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục triển khai và nhân rộng các dự án vay vốn Quỹ hỗ trợ nông dân, đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng 24 dự án phát triển chăn nuôi trâu, bò sinh sản và lợn sinh sản cho 365 hộ vay, với số tiền 10 tỷ 687 triệu đồng.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Sơn lưu ý Hội Nông dân tỉnh cần tăng cường tổ chức dạy nghề và tạo việc làm cho thanh niên nông thôn; Tham gia giám sát cho tốt các chính sách liên quan đến Nghị quyết 30a, chương trình 135/CP và các chính sách an sinh xã hội. Đối với những kiến nghị của Hội Nông dân tỉnh đã được đồng chí Trần Văn Sơn giải đáp và ghi nhận, đồng thời sẽ giao cho các cơ quan giải quyết theo thẩm quyền.
Trước khi làm việc với Hội Nông dân tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Sơn đã thăm mô hình trang trại tổng hợp VAC của nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương Phạm Anh Dũng (được vinh danh nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2016), Đội 7 xã Thanh Yên, huyện Điện Biên - Đây là mô hình điển hình của Hội Nông dân tỉnh với thu nhập bình quân mỗi năm trừ chi phí hơn 1 tỷ đồng; Thăm Hợp tác xã kinh doanh tổng hợp nông nghiệp kiểu mới xã Thanh Yên, huyện Điện Biên, chủ yếu là sản xuất lúa chất lượng, giá trị kinh tế cao với hơn 30ha./.
Diệp Xuân