Bế mạc phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn chỉnh hồ sơ các dự án luật trình Quốc hội.
Sau 8 ngày làm việc, sáng 21/9, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc phiên họp thứ 14.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội thứ 14. (Ảnh: Quốc hội) |
Phát biểu bế mạc phiên họp thứ 14, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, công tác chuẩn bị nội dung cho Phiên họp lần này tiếp tục có sự tiến bộ, thể hiện tinh thần tích cực, khẩn trương của các cơ quan liên quan. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan đã đóng góp nhiều ý kiến có chất lượng vào các nội dung trình ra.
Trong công tác xây dựng pháp luật, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn chỉnh hồ sơ các dự án luật, các báo cáo để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4. Riêng Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thuế bảo vệ môi trường, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất chưa trình ra tại kỳ họp sắp tới để Chính phủ tiếp tục hoàn chỉnh.
Trước khi bế mạc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề Việc thực hiện chính sách, pháp luật về khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh”.
Trong đó, các đại biểu đề cập nhiều đến bất cập trong triển khai thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản. Đó là việc ngư dân khó tiếp cận các khoản vay tín dụng; thủ tục còn rườm rà, chưa có cơ chế cho ngư dân tham gia lựa chọn nguyên vật liệu, máy móc trong quá trình thiết kế, thi công tàu cá. Việc sửa chữa những sự cố do lỗi kỹ thuật, bảo đảm chất lượng tàu cá đóng mới chưa kịp thời, gây thiệt hại cho ngư dân.
Đặc biệt, nhiều đại biểu bày tỏ quan tâm đến vụ việc tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 tại một số địa phương không đảm bảo chất lượng mà báo chí, dư luận phản ánh trong thời gian qua. Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải thẳng thắn cho rằng bà không đồng tình khi vấn đề này được đánh giá rất mờ nhạt. Đây là vấn đề lớn, được cử tri rất quan tâm, đã được thực hiện 3 năm, việc tổng kết thực hiện thế nào không chỉ ảnh hưởng đến các cử tri mà còn ảnh hưởng đến lòng tin với những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước.
Những kiến nghị của cử tri được Chính phủ tiếp thu, bố trí nguồn vốn nhanh chóng nhưng trong triển khai lại gây ra những bất cập ảnh hưởng trực tiếp đến người dân. Bà đề nghị đoàn giám sát, Bộ chủ quản đánh giá sâu sắc hơn, thậm chí có riêng báo cáo đầy đủ về vấn đề này.
Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hiện nay có 3 việc đang tập trung giải quyết là sửa chữa các tàu bị hỏng; Bộ Công an vào cuộc điều tra rõ nguyên nhân xảy ra tình trạng này để xử lý theo đúng quy định pháp luật; ngành nông nghiệp hướng dẫn 27 tỉnh có tàu cá này thường xuyên rà soát. Bộ trưởng khẳng định: sai đâu xử đấy và không vì một vài cái hỏng mà ảnh hưởng đến cả một chính sách lớn của Đảng, Nhà nước đối với ngư dân./.
Theo VOV