Tổ tư vấn được Thủ tướng giao nhiệm vụ phản biện

Thứ Tư, 02/08/2017, 14:16 [GMT+7]

Theo Tiến sỹ Vũ Viết Ngoạn, Thủ tướng cũng giao cho Tổ tư vấn kinh tế chức năng phản biện chính sách.
 
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định thành lập Tổ tư vấn kinh tế gồm 15 thành viên và Thủ tướng cũng đã có cuộc làm việc với Tổ ngay sau khi thành lập.

Trả lời phỏng vấn Báo điện tử Chính phủ, TS Vũ Viết Ngoạn, Tổ trưởng Tổ tư vấn cho biết: Hiện nay tính chất của nền kinh tế đã phức tạp hơn trước rất nhiều. Yêu cầu của Thủ tướng là làm sao có thêm nhiều kênh thông tin tốt nhất, cập nhật nhất, tranh thủ được sự vào cuộc của giới khoa học, nhìn nhận vấn đề ở khía cạnh khoa học, kể cả ý kiến mang tính phản biện chính sách, giúp Thủ tướng có cái nhìn toàn diện hơn trước khi quyết định.
 

1
TS Vũ Viết Ngoạn, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế. (Ảnh: Dân Trí)


Tổ có nhiệm vụ được giao khá rộng, từ việc tư vấn cho Thủ tướng về chiến lược phát triển kinh tế, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hàng năm, đến việc theo dõi các diễn biến kinh tế trong và ngoài nước để tư vấn cho Thủ tướng về phản ứng chính sách.

Khi được Thủ tướng yêu cầu, Tổ cũng sẽ tham gia các đề án, chiến lược trung và dài hạn của Chính phủ trước khi trình Trung ương, Quốc hội. Thủ tướng cũng giao cho Tổ chức năng phản biện chính sách.

PV: Để thực hiện nhiệm vụ như vậy, Tổ tư vấn sẽ hoạt động theo cơ chế như thế nào và đâu sẽ là trọng tâm hoạt động của Tổ?

TS Vũ Viết Ngoạn: Thủ tướng đã nói các chuyên gia bất kỳ lúc nào cũng có thể gửi ý kiến trực tiếp cho Thủ tướng hoặc thông qua Tổ trưởng Tổ tư vấn. Đương nhiên, những vấn đề mang tính dài hạn hoặc những vấn đề có tính phức tạp đòi hỏi phải phân tích sâu và có thực chứng thì phải thông qua Tổ và trao đổi kỹ trong Tổ.

Để làm tốt nhiệm vụ, Tổ phải hết sức chủ động. Các nhà khoa học phải thường xuyên theo dõi tình hình, diễn biến kinh tế trong nước và quốc tế, khi phát hiện ra yếu tố gây tác động khó khăn, trở ngại cho phát triển kinh tế xã hội thì kịp thời đề xuất tháo gỡ. Quan trọng hơn là phải tiến hành phân tích chuyên sâu để nhận diện các điểm mạnh, điểm yếu của nền kinh tế, qua đó đề xuất giải pháp khắc phục.

Khác với các cơ quan có chức năng tham mưu chính sách theo luật định, tất cả đề xuất, kiến giải của Tổ tư vấn, bao gồm nhận diện vấn đề, phân tích nguyên nhân và đề xuất giải pháp đều phải dựa trên thực chứng, có hàm lượng khoa học. Ví dụ hiện nay doanh nghiệp đang khó khăn, nhưng Tổ phải kiến nghị rõ là khó khăn gì, nguyên nhân ở đâu chứ tư vấn chung chung là phải tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thì vô nghĩa.

Khi Thủ tướng làm việc với Tổ vừa qua, chúng tôi cũng đã đưa ra một số kiến nghị với những tính toán định lượng cụ thể. Như chúng tôi nhận thấy tỷ lệ doanh nghiệp đóng thuế trên tổng số doanh nghiệp hoạt động đang giảm sút. Rồi chi phí của doanh nghiệp cao nhưng ở khâu nào, công cụ chính sách nào có thể sử dụng. Giảm 1% chi phí thì lợi nhuận doanh nghiệp tăng bao nhiêu, tạo cơ hội để doanh nghiệp tăng đầu tư mở rộng bao nhiêu, qua đó giúp GDP tăng thêm bao nhiêu? Đây là điểm khác so với báo cáo mang tính truyền thống.

Về những vấn đề dài hạn, Tổ sẽ có chương trình để các chuyên gia chủ động nghiên cứu, từ đó hình thành các báo cáo chuyên đề. Các kiến nghị phải dựa trên kết quả nghiên cứu chuyên sâu, kinh nghiệm quốc tế, đặc điểm văn hóa và ứng xử của thị trường tại Việt Nam… Ví dụ một chủ đề mà Tổ dự kiến sẽ nghiên cứu là  làm thế nào để Việt Nam có thể thu hút được dòng vốn FDI đang dịch chuyển từ Trung Quốc sang các nước khác?

Chúng tôi cũng dự kiến sẽ tập trung vào các nội dung tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Chủ trương thì có rồi, nhưng Tổ phải nghiên cứu sâu hơn, cụ thể hơn, chi tiết hơn như làm thế nào, cái gì làm trước, cái gì làm sau. Ngoài các vấn đề liên quan đến kinh tế phát triển, Tổ cũng sẽ quan tâm nội dung ổn định kinh tế vĩ mô, xử lý các điểm nghẽn để đảm bảo ổn định tài chính.

Phải thay lực kéo của bộ máy bằng lực đẩy của xã hội

PV: Việc lựa chọn các thành viên Tổ tư vấn như thế nào để có thành phần như hiện nay, thưa ông?

TS Vũ Viết Ngoạn: Xuất phát từ mục đích thành lập Tổ, nhiệm vụ của Tổ và theo chỉ đạo của Thủ tướng, chúng tôi lựa chọn các nhà khoa học và chuyên gia có kiến thức và kinh nghiệm trong các lĩnh vực khác nhau, tập trung vào 4 lĩnh vực gồm kinh tế phát triển, kinh tế vĩ mô, hội nhập và kinh tế tài chính. Dự kiến Tổ sẽ phân theo các nhóm như vậy.

Thứ hai, Tổ có các chuyên gia đã từng tham gia hoạch định chính sách, kể cả lập pháp và hành pháp, như anh Bùi Quang Vinh, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, anh Trần Du Lịch, đại biểu Quốc hội nhiều khoá. Một số thành viên khác có kinh nghiệm từ doanh nghiệp hay quản lý doanh nghiệp. Như vậy các đề xuất chính sách của Tổ không chỉ thuần tuý dựa trên cơ sở khoa học mà còn được xem xét trên cơ sở thực tiễn, đảm bảo tính khả thi.

Điểm thứ ba, Tổ có các chuyên gia đang công tác ở nước ngoài, cho nước ngoài. Như GS. TS Trần Văn Thọ, PGS. TS Vũ Minh Khương, PGS. TS Trần Ngọc Anh, TS Vũ Thành Tự Anh…

Thông qua các chuyên gia này, Tổ có điều kiện kết nối thêm các nhà khoa học quốc tế, tranh thủ thêm kiến thức, kinh nghiệm, sự hỗ trợ của các viện, trung tâm, nghiên cứu quốc tế. Các chuyên gia này cũng đang làm việc trong môi trường rất hiện đại, sẽ giúp Tổ rất nhiều trong cách thức nghiên cứu, trao đổi. Một chi tiết đáng lưu ý là có không ít thành viên không phải đảng viên. Những điều này, theo tôi, thể hiện quan điểm của Thủ tướng là khoa học không có biên giới và tư tưởng đại đoàn kết.

Được Thủ tướng giao nhiệm vụ đề xuất thành phần Tổ tư vấn, tôi đã nghiên cứu kỹ. Thực tế Việt Nam có rất nhiều người giỏi, có kinh nghiệm, có kiến thức, nhưng chọn ai? Với các nhà khoa học, chuyên gia trong nước, chúng tôi quan tâm những người đang công tác, đứng đầu các cơ quan, viện nghiên cứu để tranh thủ được đội ngũ cán bộ nghiên cứu ở đó, như TS Nguyễn Đình Cung, PGS. TS Trần Đình Thiên.

Với các nhà khoa học, chuyên gia làm việc ở nước ngoài, chúng tôi quan tâm tới nhiệt huyết của họ và đặc biệt là kinh nghiệm,kiến thức của họ về kinh tế Việt Nam. Khi được mời tham gia Tổ, tất cả các chuyên gia đều vui vẻ nhận lời.

PV: Xin được trao đổi một vấn đề cụ thể. Hiện đang có nhiều ý kiến về mục tiêu cũng như giải pháp thúc đẩy tăng trưởng GDP, quan điểm của ông như thế nào?

TS Vũ Viết Ngoạn: Có ý kiến cho rằng trong nền kinh tế thị trường, hội nhập sâu rộng thì có nên đưa ra kế hoạch cứng hay không, hay chỉ nên đưa ra chỉ tiêu mang tính chất dự báo. Theo tôi được biết, vừa qua trong Chỉ thị về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018, Thủ tướng đã yêu cầu xây dựng mục tiêu tăng GDP theo hướng linh hoạt, khoảng 6,4-6,8%. Đây là điểm rất mới và trong điều kiện hiện nay, tôi cho rằng việc đưa ra một biên độ linh hoạt hơn là rất phù hợp.

Một vấn đề khác là có nên tăng trưởng quá cao, quá nhanh không? Vậy thế nào là quá cao? Với kinh tế việt Nam hiện nay, chúng tôi cho rằng dư địa để tạo ra chuyển biến thêm 0,3-0,5 điểm phần trăm tăng trưởng để đạt khoảng 6,7-6,8% trong vòng 1-2 năm không phải quá khó. Tuy nhiên, phải nói rõ thêm dư địa kích cầu không còn nữa.

Có một số yếu tố nếu làm quyết liệt có thể cải thiện. Thứ nhất là khối lượng tài sản của doanh nghiệp nhà nước, hiện rất lớn, hiệu quả không cao, cần tập trung thực hiện dứt điểm các giải pháp mà Chính phủ đã chỉ ra để đẩy mạnh thoái vốn nhà nước.

Thực chất đây là phân bổ lại nguồn lực, chuyển nguồn lực từ khu vực nhà nước sang khu vực tư nhân hiệu quả hơn. Còn các doanh nghiệp chưa cổ phần hóa hoặc có chủ trương giữ lại thì phải nâng cao trách nhiệm giải trình của các lãnh đạo doanh nghiệp, công khai minh bạch như với các công ty đại chúng.

Khi đó, xã hội sẽ giám sát và hình thành lực đẩy. Phải thay lực kéo của bộ máy hành chính bằng lực đẩy của xã hội, quốc gia nào cũng vậy, đó là triết lý trong quản trị nhà nước.

Nữa là điểm nghẽn giải ngân. Mỗi một tỷ USD đưa vào đầu tư sẽ đóng góp 0,1 điểm phần trăm tăng trưởng, chúng ta hiện còn lượng tiền khá lớn vốn đầu tư phát triển chưa được giải ngân do một số điểm nghẽn, đó là chưa kể có tới hơn chục tỷ USD vốn ODA chưa được sử dụng. Khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước cũng còn nhiều dư địa. Nếu tập trung giải quyết một số điểm nghẽn cho doanh nghiệp thì khu vực này cũng có thể đóng góp thêm cho tăng trưởng.

Chúng ta có thể quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng 7-7,5% trong lâu dài, nhưng động lực tăng trưởng thời gian tới không thể dựa vào tăng vốn đầu tư khu vực Nhà nước và khai thác tài nguyên. Muốn đưa kinh tế Việt Nam quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng trên 7% thì cần tập trung giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư, đẩy nhanh tăng trưởng năng suất lao động, cải thiện bên cung để nâng sản lượng tiềm năng của nền kinh tế. Tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế phải chạy đua với thời gian.

PV: Xin trân trọng cám ơn ông!

 

Theo VOV

.