Xử nghiêm việc kê khai tài sản gian dối của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa
Theo ông Trần Viết Hoàn, cần xử lý nghiêm việc Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa kê khai tàn sản không trung thực để làm gương.
Ngày 3/7, Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTW) đã cho ý kiến và kết luận những vi phạm, khuyết điểm của bà Hồ Thị Kim Thoa, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Công thương là nghiêm trọng, đến mức phải xem xét thi hành kỷ luật.
Cần làm rõ về nguồn gốc của khối tài sản
Trao đổi với phóng viên VOV.VN, ông Trần Viết Hoàn – nguyên Giám đốc Khu di tích Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch hoan nghênh tinh thần cầu thị của Đảng đã kịp thời, nghiêm túc, thẳng thắn chỉ ra những khuyết điểm của bà Hồ Thị Kim Thoa.
Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa trong một phiên họp tại TP.HCM. (Ảnh: Tuổi Trẻ) |
Nhấn mạnh việc UBKTTW lần đầu tiên kết luận bà Hồ Thị Kim Thoa “trong thời gian dài, nhiều lần kê khai tài sản, thu nhập không đúng, không đầy đủ theo quy định về kê khai tài sản, thu nhập, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm”, ông Hoàn cho biết điều này cho thấy rõ không có vùng cấm trong việc xử lý các vấn đề trong kê khai tài sản, nhất là tính trung thực của cán bộ, đảng viên.
Ông cũng cho rằng cần xử lý nghiêm việc kê khai tàn sản không trung thực để những cán bộ thuộc diện kê khai nhìn vào đó chấp hành đúng, các cấp ủy Đảng, chính quyền thực hiện một cách tốt nhất, tránh bệnh hình thức trong kê khai tài sản.
Vừa qua, Bộ Chính trị cũng đã ban hành quy định về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của 1000 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Theo ông Hoàn, từ vụ việc của Thứ trưởng Bộ Công thương cần tiếp tục làm rõ khối tài sản lớn có bất chính hay không, nếu đó là tài sản bất chính thì Nhà nước cần phải thu hồi thì mới đủ sức răn đe.
Ông Hoàn nhấn mạnh: “Đảng đã chỉ ra những vi phạm, khuyết điểm của bà Thoa là nghiêm trọng, đến mức phải xem xét thi hành kỷ luật. Một cán bộ cao cấp có khuyết điểm lớn như vậy thì bên chính quyền cũng cần phải xử lý thật nghiêm”.
Phân tích về vấn đề này, PGS.TS Phan Xuân Sơn (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết, kê khai tài sản là một trong những quy định của Đảng ta đối với cán bộ, đảng viên có chức, có quyền, cán bộ từ cấp trưởng phòng trở lên đều phải kê khai định kỳ hàng năm. Qua đó đánh giá cán bộ, đảng viên cũng như giám sát việc thực thi quyền lực, trách nhiệm của cán bộ được trao quyền lực.
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII, việc kê khai tài sản được triển khai thường xuyên, rộng rãi nhưng kết quả thực tế không được như mong muốn. Theo báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2015, số người phải kê khai tài sản thu nhập là trên 1 triệu người nhưng chỉ có 5 người bị kết luận là không trung thực. Còn theo báo cáo phòng chống tham nhũng năm 2016 của Chính phủ, trong số 1 triệu bản kê khai, các cơ quan chức năng tiến hành xác minh 414 người nhưng lại chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm. Đặc biệt, gần đây nhiều trường hợp bị bỏ lọt tài sản lớn khi kê khai.
“Kê khai tài sản là đúng, để kiểm soát hành vi, tính liêm chính của đội ngũ cán bộ, công chức trong quá trình làm việc. Nhưng kê khai tài sản thế nào, xử lý ra sao thì hiện nay chưa có biện pháp hữu hiệu” – ông Phan Xuân Sơn nhấn mạnh.
Theo ông Sơn, để xảy ra thực tế này do việc kê khai từ trước đến nay chưa gắn với trách nhiệm giải trình của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức. Quy định về kê khai tài sản chưa chặt chẽ nên có khi cán bộ không kê khai hết những tài sản đã có. Hơn nữa, trách nhiệm của cán bộ trong các trường hợp kê khai không trung thực chưa cao và khi họ không trung thực thì chúng ta không có cách gì để tìm ra kẽ hở hay sai sót ở bản khai đó.
Hệ thống tài chính về kiểm soát tiền, tài sản chưa minh bạch nên đối tượng kê khai có thể chuyển cho người thân, vợ, con đứng tên những khoản tài sản lớn mà cơ quan, đơn vị giám sát không biết có sai sót, bất hợp pháp không, đồng tiền đó có “sạch” không?
Cán bộ kê khai không đúng, lãnh đạo cũng phải chịu trách nhiệm
Ông Phan Xuân Sơn nhấn mạnh: “Cần coi kê khai tài sản là một trong những biện pháp quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng, là một trong những tiêu chí để đánh giá, bổ nhiệm, luân chuyển, sử dụng cán bộ và cũng cần có chế tài mạnh, rõ ràng về những trường hợp kê khai không trung thực”.
Ông Sơn cũng cho rằng cần xem xét trách nhiệm của lãnh đạo quản lý người kê khai trong việc kiểm tra, giám sát, tổ chức thực hiện. “Trong một thời gian dài, nhiều lần kê khai tài sản, thu nhập không đúng, không đầy đủ theo quy định thì ngoài cá nhân bà Kim Thoa thì cơ quan lãnh đạo trực tiếp cán bộ kê khai cũng phải chịu trách nhiệm vì một cán bộ giữ chức vụ cao như vậy cũng không được kiểm tra, kiểm soát, giám sát xem việc kê khai có đúng không” – giảng viên cao cấp của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nói.
PGS.TS Phan Xuân Sơn cho hay cần đặt kê khai tài sản là vấn đề quan trọng trong tổ chức công vụ, là biện pháp minh bạch hóa hoạt động cũng như trách nhiệm giải trình của công chức; nhận thức đúng đây là biện pháp để trong sạch bộ máy, phòng chống tham nhũng nhằm lấy lại lòng tin của dân đối với công chức, viên chức. Bên cạnh đó cần có quy định chặt chẽ, đầy đủ, chi tiết việc kê khai tài sản, nhất là tài sản biến động qua từng năm; xây dựng cơ sở dữ liệu nhằm thu thập quản lý và tổng hợp thông tin về kê khai, minh bạch tài sản trên toàn quốc.
“Cần đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc kê khai của công chức, viên chức. Việc này từ trước đến nay thuộc về các cấp ủy, tập thể, đảng viên ở chi bộ, thậm chí có sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc, của nhân dân. Theo tôi, trách nhiệm chuyên môn cần đặt cho Ủy ban Kiểm tra, các tổ chức có chức năng kiểm tra, thanh tra của Đảng, Nhà nước phải chặt chẽ, rõ ràng. Bên cạnh đó cũng cần hoàn thiện hệ thống kiểm soát tài chính mà nhiều nước trên thế giới đã áp dụng thì mới có thể làm cho việc kê khai tài sản được minh bạch, rõ ràng” - PGS.TS Phan Xuân Sơn nêu ý kiến./.
Theo VOV