"Lương 3-4 triệu mà xây nhà lầu, đi xe hơi, dư luận nghi ngờ là đúng"

Thứ Năm, 06/07/2017, 08:42 [GMT+7]

"Cán bộ thu nhập có 3-4 triệu đồng/tháng mà xây nhà vài chục tỷ, con cái đi học nước ngoài, làm gì có chuyện".

Ngày 3/7, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã ra thông báo về Kỳ họp thứ 15, trong đó quyết định thi hành kỷ luật bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai bằng hình thức cảnh cáo. Uỷ ban Kiểm tra Trung ương cũng kiến nghị xem xét thi hành kỷ luật bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công thương theo thẩm quyền. Đáng lưu ý các đảng viên nói trên đều vi phạm việc kê khai tài sản, thu nhập không đầy đủ, không đúng theo quy định và Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đều đánh giá là rất nghiêm trọng, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm.

x
"Cán bộ thu nhập có 3-4 triệu đồng/tháng mà xây nhà vài chục tỷ, con cái đi học nước ngoài, làm gì có chuyện". (Ảnh minh họa, nguồn Dân Trí)


Bộ Công thương cho biết, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa có kê khai tài sản hàng năm và trước khi đảm nhiệm chức vụ quan trọng này, dư luận cũng đã biết Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa và nhiều thành viên khác trong gia đình đang sở hữu khối tài sản khổng lồ tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang. Kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương cũng chỉ rõ những sai phạm của bà Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa như: vi phạm trong thực hiện cổ phần hoá doanh nghiệp, vi phạm trong quản lý đất đai, tiền vốn của công ty…

Còn bà Phan Thị Mỹ Thanh khi đã làm lãnh đạo tỉnh Đồng Nai thì vẫn tham gia điều hành một công ty của gia đình là vi phạm Luật Phòng chống tham nhũng. Thậm chí trên cương vị công tác là Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, bà Thanh đã ký nhiều văn bản nhằm vun vén lợi ích cho công ty gia đình là vi phạm Luật Phòng chống tham nhũng, vi phạm những điều đảng viên không được làm, vi phạm quy chế làm việc của Uỷ ban Nhân dân tỉnh và pháp luật đầu tư…

Về nguyên nhân của tình trạng này, PGS.TS Phan Minh Tân, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TPHCM, cho rằng có 2 nguyên nhân, thứ nhất là sự trung thực của người kê khai và thứ hai đó là việc giám sát, kiểm tra, xác minh của các tổ chức quản lý. Theo ông cần phải chấn chỉnh cả hai việc đó.

Thời gian qua, dư luận quan tâm đến câu chuyện như nhiều “biệt phủ” ở các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, ở thành phố Đà Nẵng... Rồi nhiều con cái các vị công chức đi du học với mức học phí hàng tỷ đồng mỗi năm… Vì vậy, việc Đảng có chủ trương kiểm tra giám sát tài sản của hơn 1.000 cán bộ cấp cao và giám sát chặt chẽ việc kê khai tài sản của cán bộ, đảng viên có ý nghĩa rất lớn trong công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, cũng như công cuộc phòng chống tham nhũng hiện nay. Đây là biện pháp để chúng ta ngăn chặn kịp thời những sai phạm có thể xảy ra và hạn chế việc giàu lên bất thường của nhiều quan chức.

Ông Phạm Văn Hễ, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Đa Kao, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh đặt câu hỏi: nhiều người hưởng lương 3-4 triệu đồng nhưng lại có nhà lầu, xe hơi, con cái du học nước ngoài, thử hỏi họ lấy đâu ra nguồn tiền lớn đến thế?.

“Phải so sánh với thu nhập. Cán bộ thu nhập có 3-4 triệu/tháng mà xây nhà vài chục tỷ, con cái đi học nước ngoài thì làm gì có chuyện… chân chính được. Vấn đề là phải có chức, có quyền và đủ thứ chuyện khác. Kiểm soát thu nhập và kê khai tài sản - nếu làm tốt 2 khâu này thì việc phòng chống tham nhũng mới hiệu quả và thực chất”, ông Hễ phân tích.

Nhiều người cũng cho rằng, việc kê khai tài sản là cần thiết nhưng cần phải công khai các bản kê khai đó; đồng thời phải thường xuyên có sự giám sát của các tổ chức và nhân dân. Lâu nay trong Đảng ta vẫn thực hiện kê khai tài sản của đảng viên có chức vụ, nhưng mỗi năm chỉ phát hiện được rất ít trường hợp đảng viên có tài sản bất thường, bất minh. Nguy hiểm và gian dối hơn nữa là khi bị phát hiện có “biệt phủ”, cán bộ nọ còn trưng ra bằng chứng là “xây bằng tiền vay ngân hàng”. Thử hỏi, để vay được 20 tỷ đồng như vậy, chủ nhân phải có tài sản thế chấp là bao nhiêu? Nực cười hơn nữa khi đại diện chính quyền địa phương nói không biết, không để ý có “biệt phủ” trên địa bàn mình. Thử hỏi, “biệt phủ” ấy rộng mấy nghìn mét vuông, thời gian xây dựng bao lâu mà họ không biết, mới là lạ!…

Tiến sỹ Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thuỷ sản, nay là Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị, cần phải có cơ chế công khai tài sản của cán bộ cấp cao.

“Tôi nghĩ là việc thay đổi phải theo hướng công khai và triệt để hơn. Đã kê khai tài sản là phải minh bạch và phải đưa lên thông tin đại chúng. Quan chức là người ở một vị trí chủ chốt của các bộ, ngành, của chính phủ thì người ta phải được kiểm soát dòng tiền của quan chức ấy. Ngoài ra, trong việc cổ phần hoá, các quy định của nhà nước cũng còn lỏng lẻo”, bà Minh nêu ý kiến.

Những khối tài sản rất lớn không hề có trong bản kê khai tài sản của cán bộ. Trong khi đó, nếu tính lương cán bộ, công chức thì với thu nhập ở mức trung bình nhưng xây “biệt phủ” trị giá hàng chục tỷ đồng là hết sức nghịch lý; Rồi việc lợi dụng chủ trương cổ phần hoá, lập doanh nghiệp sân sau để tư lợi… Thực tế trên đã cho thấy việc kê khai tài sản của cán bộ hiện nay còn nhiều lỗ hổng. Điều này làm ảnh hưởng đến công cuộc phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta, làm ảnh hưởng lòng tin của nhân dân.

Để đẩy lùi tình trạng tiêu cực này, thiết nghĩ chúng ta có thể tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước về công khai tài sản, thu nhập, tiền thuế; hạn chế sử dụng tiền mặt; tăng cường công tác quản lý, giám sát của các tổ chức, người dân; sử dụng các chế tài mạnh đối với những tài sản thu nhập bất minh… Làm được như thế mới có thể góp phần xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh./.

 

Theo VOV.VN

 

.