Làm thế nào để ngăn chặn trục lợi chính sách?
Nhiều đảng viên, cán bộ bị kỷ luật vì lợi dụng chức vụ để đem lại lợi ích vật chất cho bản thân. Đây là hành vi trục lợi, biểu hiện của tham nhũng.
Nhiều người cho rằng, thời gian qua chúng ta kê khai tài sản nhưng lại không công khai, nên không nhận được sự giám sát của nhân dân, của công luận đối với tài sản của cán bộ và người nhà của họ.
Hơn nữa, việc giám sát, kiểm tra xác minh các bản kê khai tài sản không được làm thường xuyên. Và nguy hiểm nhất là chính bản thân nhiều đảng viên không trung thực trong việc kê khai tài sản.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Phan Thị Mỹ Thanh (Ảnh: Zing.vn) |
Theo Tiến sỹ Nguyễn Thị Hồng Minh - nguyên Thứ trưởng Bộ Thuỷ sản nay là Bộ NN&PTNT, việc cổ phần hoá thời gian qua chúng ta làm khá lỏng lẻo khiến nhiều người lợi dụng kẽ hở này để chiếm giữ nhiều cổ phần trong các doanh nghiệp Nhà nước.
Ngăn chặn điều này, theo bà Minh chúng ta cần phải có cơ chế công khai, minh bạch và tăng cường sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ.
Bà Minh cho rằng: “Khi thực hiện cổ phần hoá, người ta sẽ tìm đủ mọi cách chiếm giữ nhiều cổ phần. Tôi nghĩ trong việc này, Nhà nước cũng phải có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ”.
Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản, trong đấu thầu chúng ta cần minh bạch, tránh thông thầu. Hoặc là có những cơ chế kiểm tra giám sát công khai trên công luận… thì mới có thể kiểm soát được.
Trục lợi chính sách nhằm tích luỹ tài sản, chắc chắn cán bộ đảng viên đó sẽ tìm mọi cách gian dối trong kê khai.
Để hạn chế lỗ hổng trong kê khai tài sản, gần đây Bộ Chính trị có Quy định số 30 về việc thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật theo Điều lệ Đảng.
Đồng thời, quy định này cũng tăng thẩm quyền của uỷ ban kiểm tra trong việc hướng dẫn tổ chức kiểm tra giám sát, thẩm định xác minh việc kê khai tài sản của đảng viên.
Đây là những chủ trương tích cực nhằm khắc phục tình trạng hình thức trong kê khai tài sản của đảng viên thời gian qua.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Việt Hùng - Trưởng khoa Xây dựng Đảng - Học viện Cán bộ TP.HCM, để ngăn chặn việc trục lợi chính sách thì công tác kê khai tài sản phải được làm thực chất, tránh hời hợt hình thức như thời gian dài vừa qua.
Ông Hùng cho biết: “Những biểu hiện suy thoái như tham ô, tham nhũng, tham vọng quyền lực, lợi ích nhóm và tư duy nhiệm kỳ, đặc biệt là tranh thủ nhiệm kỳ để vơ vét công sản, tài sản tích luỹ cho gia đình, bản thân. Đây là một trong những biểu hiện suy thoái nghiêm trọng vừa qua chúng ta đã đánh giá như tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII. Tôi cho rằng đây chính là điều đáng lo ngại nhất hiện nay khi chúng ta khẳng định tham nhũng chưa bị ngăn chặn, đẩy lùi và có nhiều biến tướng tinh vi, phức tạp”.
Trong cơ chế thị trường hiện nay, một bộ phận cán bộ đảng viên chỉ quan tâm vun vén lợi ích nhóm, cho gia đình và bản thân làm phương hại đến lợi ích của Đảng, của Tổ quốc và nhân dân.
Rõ ràng, tính đảng của những cán bộ đảng viên ấy, trong đó có không ít người đứng đầu bị phai nhạt, nhất là sự trung thực có nhiều biểu hiện sai lệch…
Bà Thân Thị Thư - Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ TP.HCM nhắc lại quan điểm trong công tác xây dựng Đảng là người đứng đầu phải luôn nêu gương sáng để đảng viên và quần chúng noi theo.
Tuy nhiên, bà Thư tỏ ra bất bình khi vẫn còn những người đứng đầu “nói không đi đôi với làm”, hay “nói một đàng, làm một nẻo”.
“Nói là phải phấn đấu, phải giữ gìn cái này cái khác... Nhưng trong một địa bàn dân cư còn nghèo, mình xây một cái nhà, một cái biệt phủ thì mình nghĩ làm sao? Lãnh đạo mà mình làm vậy thì biết nói ai. Mình đang ở trong dân, mà mình khác biệt nhiều quá như vậy thì dân nghĩ gì…”, bà Thư phân tích.
Thời gian qua, việc phát hiện nhiều biệt phủ của các cán bộ chủ chốt ở một số địa phương đã cho thấy các cán bộ này nhất định phải có nguồn thu nhập đáng kể ngoài lương công chức thì mới có khối lượng tài sản nhà, đất, xe cộ lớn đến thế.
Điều đáng nói là những phát hiện này không phải do cơ quan quản lý đảng viên hay cơ quan bảo vệ pháp luật đưa ra mà được thông tin trên một số tờ báo.
Thực tế trên cho thấy vai trò giám sát không thể thiếu của báo chí, của công luận trong việc ngăn chặn tình trạng trục lợi chính sách hiện nay.
Ông Nguyễn Thái Bình (người dân ở phường 4, quận Tân Bình, TP.HCM) khi đề cập quyết định kỷ luật cảnh cáo bà Phan Thị Mỹ Thanh - Phó Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Nai của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã khẳng định rằng, mọi tổ chức Đảng không thể xa rời các nguyên tắc trong xây dựng Đảng đó là “tập trung - dân chủ” và “tự phê bình và phê bình”.
“Trường hợp của bà Phó Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Nai đã râm ran trên mạng rất lâu rồi. Dư luận người dân Đồng Nai đã nói rất lâu rồi. Cái này rõ ràng là Tỉnh uỷ Đồng Nai đã buông lỏng quản lý. nếu không muốn nói là bao che cán bộ”, ông Bình nói.
Việc Đảng ta xử lý hàng loạt cán bộ, trong đó có không ít cán bộ cao cấp lợi dụng chủ trương chính sách, lợi dụng vị trí công tác của mình để thu vén lợi ích cá nhân đã cho thấy tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII đã đi vào cuộc sống.
Điều đó cũng cho thấy, không hề có vùng cấm nếu đảng viên vi phạm kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước cho dù họ ở vị trí công tác cao thế nào chăng nữa.
Qua việc xử lý kỷ luật đối với các đảng viên trục lợi chính sách đã tạo được niềm tin trong nhân dân trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng hết sức cam go, gian khổ và phức tạp hiện nay./.
Theo VOV