"Kỷ luật cán bộ mắc sai phạm là việc cần phải làm"

Thứ Tư, 05/07/2017, 07:28 [GMT+7]

Việc kỷ luật cán bộ mắc sai phạm là việc cần phải làm, không trong sạch phải kiểm điểm, phê bình bằng hình thức kỷ luật phù hợp.
 
Ngày 3/7, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã phát đi Thông báo kỳ họp thứ 15, kết luận những vi phạm, khuyết điểm của bà Hồ Thị Kim Thoa, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Công thương là nghiêm trọng, đến mức phải xem xét thi hành kỷ luật.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng kỉ luật cảnh cáo bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai.
 

1
Kỳ họp thứ 15 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương (Ảnh: Cổng TTĐT UBKTTW)


Nhận xét về kết luận này, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã nêu cụ thể những vi phạm về những điều đảng viên không được làm.

Những ý kiến khác cho rằng, bà Hồ Thị Kim Thoa đã vi phạm trình tự, thủ tục trong việc thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp, chậm báo cáo, chưa tổ chức bàn giao giữa doanh nghiệp nhà nước và công ty cổ phần theo quy định của pháp luật; không báo cáo Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) xử lý và xử lý không đúng số tiền lãi vay được ngân hàng cho miễn 6,7 tỷ đồng… Như vậy là rất nghiêm trọng.

Ông Đỗ Văn Kỳ (80 tuổi, ở Khu đô thị Sài Đồng, quận Long Biên, Hà Nội) nhận xét: “Qua thông báo của Ủy ban Kiểm tra có thể thấy Đảng đã kết luận là nghiêm trọng, tôi tin rằng những vụ như thế này Đảng sẽ thi hành xử lý đến nơi đến chốn để tạo niềm tin cho toàn dân. Chúng tôi rất phấn khởi bởi thấy rằng Đảng làm không có vùng cấm”.

Về trường hợp bà Phan Thị Mỹ Thanh, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đề nghị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo. Theo ông Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, việc kỷ luật cán bộ mắc sai phạm là việc cần phải làm, không trong sạch cũng phải kiểm điểm, phê bình bằng hình thức kỷ luật phù hợp, đúng với vi phạm.

Qua sự việc này, cần có cơ chế giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ, đảng viên có chức, có quyền để xem tài sản của người kê khai do đâu mà có, chứ không phải yêu cầu kê khai tài sản rồi để đấy.

Cũng với quan điểm này, Giáo sư, Tiến sỹ Trần Ngọc Đường, nguyên Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội kiến nghị cần phải quy định cụ thể cơ chế giám sát việc kê khai tài sản và đối tượng nào phải công khai bản kê khai tài sản trong Luật phòng, chống tham nhũng hiện đang được nghiên cứu sửa đổi.

Trước khi giữ cương vị cao hoặc người giữ chức vụ lãnh đạo phải công khai tài sản qua phương tiện thông tin đại chúng hoặc đưa lên mạng internet của bộ, ngành về kê khai tài sản của mình để mọi người biết tài sản của anh có những gì.

"Sau này khi có yêu cầu giải trình về tài sản tăng thêm thì phải chứng minh được tài sản của mình là minh bạch, hợp pháp. Nếu không chứng minh được nguồn gốc số tài sản sau kê khai thì đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc để làm rõ và xử lý nghiêm theo qui định của pháp luật” - ông Trần Ngọc Đường nêu ý kiến./.

 

Theo VOV

.